Nhật Bản thu hút lượng lớn khách Việt Nam. Ảnh: CNN.
Kỳ nghỉ lễ "tuần lễ vàng" chính thức khởi động ngày 27/4, nhưng không khí háo hức thường thấy ở Nhật Bản dường như đã giảm nhiệt. Người dân nước này đang phải đối mặt với áp lực chi tiêu ngày càng lớn, từ bữa ăn thường ngày đến hóa đơn điện nước, khiến mong muốn du lịch trong kỳ nghỉ dài trở nên mờ nhạt.
Theo truyền thống, "tuần lễ vàng" gồm 3 ngày lễ liên tiếp và thường là dịp hiếm hoi để người lao động Nhật Bản có thể đi du lịch dài ngày - cả trong nước lẫn nước ngoài. Tuy nhiên, năm nay, người tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới cảm thấy bị kìm hãm bởi mức giá leo thang trên mọi mặt trận, từ bắp cải, gạo cho đến điện, theo AFP.
Đồng yen đã mất khoảng 1/3 giá trị kể từ năm 2022, khiến Nhật Bản trở nên hấp dẫn với du khách quốc tế. Nhờ vậy, lượng khách nước ngoài đến Nhật đạt mốc 36,8 triệu lượt trong năm 2024 - vượt xa kỷ lục gần 32 triệu lượt năm 2019. Dù điều này thúc đẩy doanh thu du lịch, nhưng mặt trái là chi phí lưu trú cũng tăng theo.
Theo khảo sát của Nikkei, giá phòng khách sạn tại 5 thành phố lớn của Nhật tăng trung bình 16% trong tuần đầu "tuần lễ vàng" so với 2024. Trong khi đó, các nhà điều hành không có động lực giảm giá bởi nhu cầu từ khách quốc tế vẫn ở mức cao. Kết quả là người Nhật trở thành những du khách bị "đẩy lùi" ngay trên chính quê hương mình.
Atsushi Tanaka, giáo sư nghiên cứu du lịch tại Đại học Yamanashi nhận định: "Lạm phát chính là lý do lớn nhất khiến nhu cầu chi tiêu xa xỉ của người dân giảm mạnh".
Lượng khách nước ngoài đến Nhật đạt mốc 36,8 triệu lượt trong năm 2024 - vượt xa kỷ lục gần 32 triệu lượt năm 2019. Ảnh: Pexels.
Một cuộc thăm dò của công ty du lịch JTB cho thấy chỉ 20,9% người Nhật được hỏi cho biết họ sẽ hoặc có thể sẽ đi du lịch trong dịp lễ này, giảm 5,6% so với năm ngoái.
Khảo sát khác của Intage cũng ghi nhận mức giảm 2% trong tỷ lệ người dự định du lịch nội địa, xuống còn 13,6%. Intage cho biết bên cạnh yếu tố ngại đám đông, gánh nặng tài chính là nguyên nhân lớn khiến người dân "nghĩ lại" với kế hoạch du lịch. Việc ra nước ngoài - vốn là lựa chọn yêu thích của tầng lớp trung lưu - giờ đây được mô tả là "sự xa xỉ không thể với tới".
Dẫu vậy, nghiên cứu của Intage cho thấy ngân sách trung bình cho các chuyến đi trong "tuần lễ vàng" năm nay tăng nhẹ từ 192 USD lên 201 USD, cho thấy người dân Nhật đang học cách chấp nhận rằng: đi đâu, làm gì thời điểm này cũng tốn kém hơn.
Mặt khác, làn sóng du khách nước ngoài cũng tạo ra những phản ứng trái chiều trong nước. Tại các điểm đến nổi tiếng như Kyoto hay khu vực quanh núi Phú Sĩ, chính quyền và người dân ngày càng lên tiếng về tình trạng quá tải, vi phạm giao thông và hành vi thiếu văn minh của một bộ phận khách du lịch.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu đầy tham vọng: nâng lượng khách quốc tế lên 60 triệu lượt mỗi năm vào năm 2030. Nhưng với những áp lực đang đè nặng lên du khách nội địa, "tuần lễ vàng" năm nay có lẽ sẽ không còn là khoảng thời gian “vàng” với chính người dân xứ Phù Tang.
Kỳ nghỉ lễ "Tuần lễ vàng" (Golden Week) tại Nhật Bản năm 2025 chính thức bắt đầu vào ngày 29/4, với ngày đầu tiên là Ngày Chiêu Hòa (昭和の日 – Shōwa no Hi), kỷ niệm sinh nhật của Thiên hoàng Shōwa. Kỳ nghỉ này kéo dài đến ngày 6/5, bao gồm các ngày lễ quốc gia như Ngày Kỷ niệm Hiến pháp (3/5), Ngày Cây Xanh (4/5), Ngày Thiếu nhi (5/5) và ngày nghỉ bù vào 6/5 do Ngày Cây Xanh trùng vào Chủ Nhật .
Dù ngày 27/4 (Chủ Nhật) không phải là ngày lễ chính thức, do rơi vào cuối tuần trước kỳ nghỉ, nhiều người Nhật Bản đã bắt đầu kỳ nghỉ từ ngày này, tạo nên một kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày từ 27/4 đến 6/5.
Quỳnh Trang