Tuần sau ra mắt công cụ AI kiểm soát mua bán trên sàn thương mại điện tử

Tuần sau ra mắt công cụ AI kiểm soát mua bán trên sàn thương mại điện tử
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Như Ý
Liên quan đến sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, ông Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã thu hơn 18.600 tỷ đồng thuế với 102 doanh nghiệp công nghệ thông tin nước ngoài như Google, Facebook…
"Riêng thành phố Hà Nội đã thu khoảng 35.000 tỷ đồng", ông Phớc thông tin.
Với các sàn thương mại điện tử trong nước, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc khẳng định, trong tuần sau, sẽ ra mắt công cụ dùng AI để kiểm soát vấn đề doanh thu và mua bán trên sàn thương mại điện tử.
Việc quản lý và thu thuế đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, đang là vấn đề quan tâm của dư luận xã hội trong thời gian qua, điển hình như sàn Temu. Theo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), ngày 4/9, sàn thương mại điện tử Temu đã được công ty chủ sở hữu đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.
Về thời hạn khai thuế, nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định, sàn Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý III/2024 (thời hạn kê khai thuế là ngày 31/10) kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.
Như vậy, theo quy định, tháng 10/2024, sàn mới phát sinh doanh thu nộp thuế và sẽ kê khai doanh thu vào kỳ khai thuế quý IV/2024, thời hạn nộp là 31/1/2025, nếu được cơ quan quản lý nhà nước - Bộ Công Thương cấp phép hoạt động.
Tổng cục Thuế khẳng định, công tác quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử cả trong nước và sàn có yếu tố xuyên biên biên giới đều được cơ quan thuế Việt Nam thực hiện quản lý thuế chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công bằng, minh bạch.
Khâu xác định giá đất đang là "mấu chốt vấn đề"
Về thủ tục thu tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng cho biết, thực tiễn thủ tục này không phức tạp, mà chỉ chậm do việc xác định giá đất tiến hành chậm. Khi chưa có giá đất thì cơ quan thuế chưa thể phát hóa đơn thu tiền sử dụng đất.
Do đó, khâu xác định giá đất đang là mấu chốt vấn đề. Bên cạnh đó, tiền sử dụng đất của cả nước chiếm 45% tổng nợ thuế của cả nước, đây là nợ khó đòi, tiền phạt chậm nộp nhiều gấp nhiều lần nợ gốc. “Đây là vấn đề cần được quan tâm giải quyết, tháo gỡ”, ông khẳng định.
Về tự chủ tài chính, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, có các mức độ tự chủ khác nhau như: Tự chủ một phần, tự chủ thường xuyên, tự chủ toàn diện.
Vừa qua, một số đơn vị tự chủ toàn diện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K đã xin được tự chủ một phần, Chính phủ đã đồng tình. Đây là những bệnh viện tuyến cuối, phục vụ công tác thăm khám, chữa trị, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, nên cần có sự hỗ trợ.
“Đối với việc quản lý các loại tài sản trong đơn vị sự nghiệp công lập, Luật Quản lý sử dụng tài sản công đã có quy định cụ thể, cởi mở, cho phép liên doanh liên kết, cho phép cho thuê, nhưng không được làm mất tài sản của nhà nước”, ông Phớc cho hay.
Luân Dũng
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/tuan-sau-ra-mat-cong-cu-ai-kiem-soat-mua-ban-tren-san-thuong-mai-dien-tu-post1688651.tpo