Tuần vừa qua, giá dầu thô tăng trên 3%. Ảnh: MXV
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, đà lao dốc của giá dầu tiếp tục được nối dài sang phiên giao dịch đầu tuần (ngày 5-5) khi OPEC+ chính thức công bố quyết định tăng sản lượng trong tháng 6.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent dừng lại ở mốc 60,23 USD/thùng, giảm 1,73%. Tương tự, giá dầu WTI giảm tiếp 1,99%, xuống mốc 57,13 USD/thùng. Đây đều là hai mốc giá thấp nhất kể từ tháng 2-2021.
OPEC+ cho hay, động thái này dựa trên nền tảng thị trường dầu mỏ vẫn lành mạnh và tồn kho ở mức thấp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo việc tiếp tục nâng sản lượng trong bối cảnh triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu chưa rõ ràng có thể khiến thị trường đối mặt nguy cơ dư cung kéo dài.
Bên cạnh yếu tố nguồn cung, tâm lý thị trường còn chịu sức ép từ triển vọng nhu cầu suy yếu khi Mỹ trải qua quý giảm phát đầu tiên trong ba năm.
Giá dầu tiếp tục vùng suy yếu trong phiên giao dịch ngày 7-5. Đóng cửa, giá dầu Brent đã hạ xuống mốc 61,12 USD/thùng, giảm 1,66%. Tương tự là giá dầu WTI mất 1,73%, xuống 58,07 USD/thùng.
Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 8-5, giá hai mặt hàng dầu quay đầu tăng mạnh. Trong đó dầu Brent tăng 2,81% lên 62,84 USD/thùng, còn dầu WTI tăng 3,17%, chốt ở 59,91 USD/thùng. Đây đều là các mức giá đóng cửa cao nhất kể từ đầu tháng 5-2025
Thông tin về việc Anh đã đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ đã tạo tâm lý lạc quan cho thị trường dầu thô. Đây được xem là bước tiến quan trọng, củng cố quan hệ kinh tế giữa hai đồng minh truyền thống, đồng thời tạo hiệu ứng tâm lý tích cực trên thị trường tài chính và hàng hóa quốc tế
Ngoài ra, thị trường hướng sự chú ý tới cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung dự kiến diễn ra tại Thụy Sỹ ngày 10-5, mở ra hy vọng về khả năng hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lam Giang