Đình đá làng Nguyễn Trung - quê hương danh tướng Đinh Lôi.
Tục giao hiếu giữa làng Nguyễn Trung với làng Hòa Ngãi ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam) thể hiện mối kết giao nghĩa tình, gắn bó bền chặt thủy chung - phát xuất từ vị tướng tài ba Đinh Lôi.
Trời ban tướng giỏi
Theo tài liệu ghi chép trong đình làng Nguyễn Trung, tướng quân Đinh Lôi là người làng Nguyễn Trung thuộc châu Lý Nhân (nay là xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, Hà Nam). Vào thời nhà Lương (Trung Quốc) thống trị nước ta có gia đình ông bà Đinh Phụng - Nguyễn Thị Thường mở trường dạy học và theo nghề lương y chữa bệnh cho dân.
Bà Thường quê trang Hương Ngãi (nay thuộc thôn Hòa Ngãi, xã Thanh Hà) là người hiền thục nhân hậu, cả hai ông bà đều được dân làng quý trọng nhưng hiềm nỗi muộn đường con cái.
Ngoài 30 tuổi bà Thường mới có mang, rồi ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (514) bà hạ sinh. Đứa bé sinh ra có nước da ngăm đen, mắt sáng. Nhớ lại điềm ứng mộng, ông bà đặt tên con là Đinh Lôi (nghĩa là sấm). Đinh Lôi lớn lên thông minh, khỏe mạnh, được người cha tìm thầy giỏi dạy văn chương, võ nghệ. Năm 15 tuổi, Đinh Lôi tinh thông văn võ, nhưng cũng năm đó (529) cha mẹ ông lần lượt qua đời.
Khi đó, Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương đứng đầu bộ máy thống trị nước ta. 3 năm Đinh Lôi chịu tang cha mẹ cũng là thời gian nung nấu quyết tâm cứu nước. Hết tang cha mẹ, Đinh Lôi đi tìm người cùng ý chí ở quê nội, quê ngoại và trong vùng được hơn 5.000 người, khẩn trương luyện tập võ nghệ, binh pháp, thiết lập dinh đồn chờ thời cơ khởi sự.
Mùa Xuân năm Nhâm Tuất (542), Lý Bí quê ở Long Hưng (giới lịch sử chưa thể thống nhất Long Hưng tỉnh Thái Bình hay Long Hưng thuộc tỉnh Sơn Tây cũ ) phát động khởi nghĩa chống lại ách thống trị nhà Lương. Đinh Lôi bèn truyền mổ trâu bò khao quân rồi đưa nghĩa binh của mình đến ra mắt Lý Bí.
Thấy đạo quân dũng liệt, chỉ huy văn võ toàn tài nên Lý Bí phong cho Đinh Lôi làm Trung tướng quân cùng với Triệu Quang Phục - Tả tướng quân, Phạm Tu - Hữu tướng quân tấn công dũng mãnh vào trị thành Long Biên (Bắc Ninh). Quân Lương đại bại, giặc là Tiêu Tư tháo chạy về nước.
Chưa cam chịu thất bại, đầu năm Quý Hợi (543), triều đình nhà Lương tổ chức lực lượng nhằm tái chiếm nước ta. Chủ động chặn giặc theo lệnh của Lý Bí, Đinh Lôi cùng các tướng Phạm Tu, Triệu Quang Phục đem quân tấn công bán đảo Hợp Phố, đánh tan quân Lương ngay ở cửa ngõ nước ta. Đến đây cuộc khởi nghĩa do Lý Bí lãnh đạo hoàn toàn thắng lợi.
Hơn 100 năm trước, làng Nguyễn Trung đã sử dụng đá chế tác cột và vì kèo cho ngôi đình.
Tướng tài xung trận
Tháng Giêng năm Giáp Tý (544), Lý Bí lên ngôi Hoàng đế, xưng là Nam Việt Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, phủ định quyền thống trị của phong kiến phương Bắc. Nhà vua định đô ở cửa sông Tô Lịch (Hà Nội), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, thành lập triều đình với hai ban văn, võ.
Lý Nam Đế xét định công lao của tướng sĩ để ban thưởng. Đinh Lôi lập nhiều công trạng được ban thưởng hậu hĩnh, rồi được nhà vua cử đi trị nhậm Hồng Châu (nay là tỉnh Hải Dương). Bái tạ nhà vua, ông xin về quê nội Nguyễn Trung và quê ngoại Hương Ngãi bái biệt dân làng.
Ông cho mổ trâu, bò, lợn gà... khao họ hàng, dân làng, lại tặng cho quê nội, quê ngoại 30 vạn tiền xanh để dân lo việc nhà nông, sửa sang đền miếu. Xong xuôi mọi việc, Đinh Lôi đến Hồng Châu nhậm chức.
Không từ bỏ dã tâm, đầu năm Ất Sửu (545) nhà Lương cử Dương Phiêu và Trần Bá Tiên thống lĩnh 30 vạn quân xâm lược nước Vạn Xuân non trẻ. Lý Nam Đế triệu các tướng bàn bạc kế sách chống giặc.
Đinh Lôi được nhà vua thăng chức làm Đại tướng quân chỉ huy đạo quân 5 vạn người quản lĩnh vùng đất rộng lớn tương đương với lộ Sơn Nam thời Hậu Lê. Với sự chỉ huy tài giỏi của ông, quân ta chặn đánh giặc quyết liệt, có trận gây cho giặc thương vong nặng nề.
Tuy nhiên ở các hướng khác, thế quân Lương còn mạnh, quân ta gặp nhiều tổn thất. Tướng Phạm Tu tử trận. Lý Nam Đế giao binh quyền cho Triệu Quang Phục rồi lui về động Khuất Lão (Phú Thọ) tránh giặc. Đinh Lôi hợp quân với Triệu Quang Phục cùng về đầm Dạ Trạch (Khoái Châu - Hưng Yên) lập căn cứ kháng chiến. Quân Lương tấn công nhiều trận nhưng đều thất bại.
Tháng 4 năm 548, Lý Nam Đế qua đời. Khi nghe tin vua mất, Triệu Quang Phục tự xưng là Triệu Việt Vương. Năm 550 nhà Lương loạn to, tướng Trần Bá Tiên đem quân về nước cướp ngôi nhà Lương, lập ra nhà Trần. Chớp thời cơ, Triệu Việt Vương có sự góp sức của Đinh Lôi đem quân tấn công thành Long Biên đánh tan quân Lương, giết tướng giặc Dương Sàn, giành lại độc lập cho nước Vạn Xuân.
Đất nước thanh bình, Đinh Lôi trở về quê quán để chăm lo khuyến khích nghề nông, mở trường dạy học cho trẻ em trong làng, dù Triệu Việt Vương mời ông ở lại gánh vác việc triều đình.
Năm Tân Mão (571), Lý Phật Tử lên ngôi (tức Hậu Lý Nam Đế), xét Đinh Lôi là người lập nhiều công trạng nên nhà vua sắc phong ông là Lôi Công Đại vương, cho lập sinh từ thờ phụng ngay khi còn sống.
Trong đình Nguyễn Trung hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong của các triều đại cho tướng quân Đinh Lôi.
Ngoài quê nội Nguyễn Trung, quê ngoại Hương Ngãi, tướng quân Đinh Lôi còn được nhiều nơi thờ phụng - trong đó có làng Cựu Hào xã Vĩnh Hào (Vụ Bản - Nam Định).
Hai làng giao hiếu, gọi bác xưng cháu
Đinh Lôi từ trần ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Thìn trong chuyến đi thuyền lên kinh đô để tấu trình nhà vua. Cuộc kháng chiến năm Ất Sửu (545), có sự đóng góp quan trọng của tướng quân Đinh Lôi mang ý nghĩa lịch sử lớn lao, đưa đến thắng lợi hoàn toàn của quân dân Vạn Xuân và giữ vững nền độc lập nước nhà hơn nửa thế kỷ.
Với công lao to lớn, Đinh Lôi được các triều đại phong kiến sau này tôn phong là “Thượng đẳng phúc thần”. Dân làng Nguyễn Trung (quê nội) và Hòa Ngãi (quê ngoại) thờ ông làm Thành hoàng bảo trợ. Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Thường được dân làng Hòa Ngãi lập miếu phụng thờ. Cùng với hai thôn Nguyễn Trung, Hòa Ngãi còn có 52 nơi khác cùng đón sắc chỉ phụng thờ Đinh Lôi.
Để ghi nhớ và tỏ lòng biết ơn, sau khi tướng quân Đinh Lôi qua đời, người dân thôn Nguyễn Trung đã lập đền thờ và mở hội đúng vào ngày sinh của ông (mùng 10 tháng Giêng). Đặc biệt tại lễ hội, tục giao hiếu với làng Hòa Ngãi được thể hiện trọng đại nhằm tăng mối kết giao nghĩa tình, gắn bó bền chặt, thủy chung giữa hai làng. Để tỏ lòng tôn trọng, người dân cả hai thôn gọi nhau là bác, xưng cháu.
Năm nào cũng vậy, vào thời khắc giao thừa, chủ tế đình là người đầu tiên vào xông đình, đánh trống mừng năm mới, mừng Xuân mới. Sau hồi trống khai Xuân, các gia đình trong làng lần lượt vào đình lễ thánh cầu an, cầu sức khỏe, cầu thuận hòa, cầu may mắn… Sáng sớm ngày mùng một, đội tế chính thức tế lễ đầu năm mới, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làng xóm bình yên, dân làng khỏe mạnh…
Tiếp nối những ngày Tết tươi vui, ngày mùng 10 tháng Giêng làng Nguyễn Trung tưng bừng mở hội. Để lễ hội diễn ra trang trọng, đúng theo các nghi lễ đã quy định, từ sáng ngày mùng 9 các cụ trong hội bô lão lên đình hoàn tất các khâu chuẩn bị. Cũng trong ngày mùng 9, đại diện các cụ trong hội bô lão sắm lễ ra đình Đốm (nơi sinh của tướng quân Đinh Lôi) làm lễ cáo yết.
Sáng mùng 10, người dân tập trung ở quanh sân đình chuẩn bị lễ rước. Đi đầu là đội múa sư tử, vừa múa vừa dẹp đường. Tiếp đến là đội cờ, đội chấp kích, đội nhạc, đội rước ngựa gỗ, rồi đến kiệu hoa 6 người khiêng, kiệu long đình và kiệu bát cống 8 người khiêng… Theo sau là dân làng nối nhau thành hàng dài.
Lễ rước bắt đầu từ đình đá, qua nơi thờ chỉ tới đình Đốm. Sau nghi lễ tắm rửa cho Đức Thánh, đội tế bắt đầu thực hiện nghi lễ tế Thánh. Đội tế gồm 9 người, một người chủ tế, hai người phó hiến (phục vụ chủ tế), hai người dẫn đèn, hai người dẫn lễ (đọc văn tế), một người thông sướng (người điều hành), một người họa hương (thu lệnh). Lễ tế diễn ra kính cẩn và trang nghiêm trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng. Sau lễ tế, mọi người lại tổ chức rước kiệu trở về đình đá. Đến chiều, hội bô lão làm lễ yên vị, kết thúc lễ hội.
Trước kia vào ngày hội làng, dân Hòa Ngãi rước kiệu Thánh vào đình Nguyễn Trung, năm thì dân Nguyễn Trung rước kiệu Thánh tới đình Hòa Ngãi. Để bảo đảm trang nghiêm, người dân trải chiếu trên đường rước kiệu. Khoảng cách từ Nguyễn Trung tới Hòa Ngãi khoảng 7 cây số, nhưng do đi bộ, đến đâu có đình, chùa đều vào lễ có những năm vừa đi vừa về mất tới cả tuần.
Ngày hội làng, cách đón khách của hai thôn cũng rất đặc biệt, chân thành nhưng rất trọng thị. Vào ngày hội, từ sớm, người dân xếp thành hai hàng bên đường từ đầu làng vào tới đình để đón “bác”. Sau khi tham gia các nghi lễ, trong buổi liên hoan thân mật mọi người cùng trò chuyện, hỏi thăm nhau chuyện gia đình, chuyện làng xóm.
Theo các cao niên làng Nguyễn Trung, cách đây khoảng hơn 100 năm, làng họp bàn và quyết định thay các cột gỗ, vì kèo bằng đá cho ngôi đình cổ. Để hoàn thành ngôi đình độc đáo này, người làng mua đá nguyên khối từ Thanh Hóa chở bằng bè về đình để dựng cột, chạm khắc tứ linh. Hiện đình còn 16 cột đá to, mỗi cột nặng hàng chục tấn, được chạm khắc tinh xảo cùng với các vì kèo cũng được làm bằng đá rất kỳ công. Năm 2001, đình Nguyễn Trung được Nhà nước xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật.
Trần Siêu