Hình tượng đôi rắn thần ở Đền Tranh cổ
Trong mười hai con giáp, rắn được xếp sau rồng. Tuy nhiên cũng có thể nói ngược lại là rắn đứng trước rồng đến mười bậc trong vòng tròn mười hai địa chi. Trong khi rồng là một "sinh vật" chúng ta không thể nhìn thấy và mang đầy màu sắc huyền thoại, thì rắn lại là một sinh vật có thực và hiện diện xung quanh ta. Tục thờ rắn là một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ với hai ý nghĩa chính là tục thờ thủy thần. Tục thờ này mang ý niệm về sông nước của cư dân làm nông nghiệp. Trong văn hóa Việt, rắn không chỉ là loài động vật bình thường mà còn trở thành một biểu tượng tâm linh.
Ở nhiều làng ven sông Thái Bình và sông Luộc đều truyền nhau những câu chuyện về tục thờ rắn thần làm thành hoàng.
Người đời truyền nhau rằng vào thời Minh thuộc ở đạo Hải Dương, phủ Hạ Hồng, huyện Tứ Kỳ, trang Lạc Dục có một danh gia họ Đặng húy là Chân, lấy bà Vũ Thị Đức là người cùng làng. Hai ông bà một lòng tu đức và hành thiện. Ở tuổi ngoài 40, ông bà vẫn chưa có được mụn con, bèn lập đàn cầu tự. Sau ông bà nhận nuôi 2 người con nuôi là Phạm Thuần và Phạm Lương.
Một hôm, 2 đứa trẻ ra đồng nhặt được 2 quả trứng một quả màu xanh, một quả màu trắng, hình như trứng rồng, đem về để ở ống tre. Qua 30, 40 ngày, một đêm, Thái Bà nằm mộng thấy một người mặc áo vàng chỏ trời, vạch đất bảo rằng: "Hai quả trứng này là trời cho nhà ngươi để sau này cả nhà ngươi được làm thần muôn đời". Nói xong rồi biến mất. Thái Bà tỉnh giấc, kể với Chân công. Ông cho đó là điềm lành sắp đến. Sáng ra, Chân công với Thái Bà lấy trứng ra xem, hốt hoảng nhìn thấy trong ống tre có 2 con rắn. Mỗi khi đức ông đi làm thì 2 con rắn lại theo ông đi, không may ông cuốc phải đứt đuôi một con (tục gọi là ông Cộc, ông Dài). Khi lớn lên, ông bà đem thả ra bến sông Lục Đức (sông Luộc ngày nay). Từ đấy, khúc sông sinh ra sóng to dữ dội, thuyền bè không thể nào đi nổi.
Vào năm Khánh Lịch, có giặc Minh sang xâm lược nước ta. Vua Lê Thái Tổ nghe tin, lập tức triệu quần thần, tiến binh công phá. Hôm đó, Đế ngự thuyền rồng đến bến sông ấy không thể đi được. Lấy làm lạ, Vua lập tức triệu trang đó (tức bến sông Lãng trang) để hỏi đầu đuôi duyên cớ. Nhà Vua liền cho gọi nhà họ Đặng ở Lạc Dục trang ra hỏi. Chân Công sợ bị tội liền bỏ trốn vào ngày 11/11. Khi đến gần phủ Thừa Khánh, châu Thoát Lãng, trang Mai Pha thì trong lòng lo sợ, lâm bệnh mà hóa. Sau do linh ứng mà nơi đó dân cũng lập đền thờ.
Còn Thái Bà nguyện theo Hoàng đế đi đánh giặc. Đức Mẫu liền khấn, tự nhiên có 2 ông rắn (tức là Bạch Long quân và Hắc Long quân) phù thuyền rồng vua đi đánh giặc, khi thắng trận thì biến mất. Còn Thái Bà trở về đến quê nhà thì tự nhiên trời nổi mưa to gió lớn. Thái Bà cũng hóa vào ngày rằm tháng giêng. Sau nhà Vua biết, sắc phong cho bà là Dục Đức Thánh nương công chúa, hàng năm tổ chức quốc tế, đến ngày 16/4 thì tổ chức khánh hạ.
Hình rắn thần ở đền Am (Tứ Kỳ)
Những di tích thờ Thái Bà và 2 ông rắn ngoài đền Kỳ Cùng ở Lạng Sơn thì ở Hải Dương có đền Dọc, đền Am (huyện Tứ Kỳ), đền Tranh (huyện Ninh Giang). Đó là những ngôi đền có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Đền Dọc gần sông Thái Bình, tương truyền là nền nhà và cũng là nơi hóa của bà Thánh Nương. Sau khi bà mất, để nhớ công giúp vua đánh giặc, nhà vua đã truyền cho dân làng Lạc Dục dựng một ngôi miếu và 1 đình quan để hương hỏa phụng thờ bà. Hằng năm, dân làng ở đây tổ chức lễ hội vào tháng giêng là ngày hóa của bà và ngày khánh hạ (16/4). Vào ngày này thường có mưa to gió cuốn, tương truyền đó là biểu hiện cho việc ông Cộc - ông Dài trở về thăm mẹ. Đền Dọc từng nhận được nhiều đạo sắc phong, trong đó sớm nhất là từ thời Cảnh Hưng (1767).
Ở lưu vực sông Luộc thì phổ biến với việc thờ 2 con nuôi của bà là 2 ông Rắn. Ở làng Hà Hải (làng Hới) có ngôi đền Am nằm sát sông Luộc có thờ bà Dục Đức Thánh Nương công chúa và 2 ông rắn thần là: Hà ứng Bạch long quân đại vương và Hải ứng Hắc long quân đại vương làm thành hoàng làng. Đây là ngôi đền hiếm hoi mà gọi rõ thần hiệu của 2 ông rắn thần này. Từ rất sớm, triều đình đã quan tâm đến ngôi đền cũng như các vị thần được thờ cúng trong đền. Chính vì vậy, Đền Am nhận được sắc phong của các vua Lê ngay từ thời vua Lê Dụ Tông (niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 7 - năm 1712) đã nhận được 2 đạo sắc phong và liên tục cho đến thời vua Khải Định thì đền đã nhận được số lượng sắc phong kỷ lục lên tới 20 đạo.
Giống với đền Dọc, đền Am cũng tổ chức lễ hội vào tháng giêng. Giáp với làng Hà Hải - Tứ Kỳ là làng Tranh Xuyên - Ninh Giang cũng có ngôi đền ở sát bờ sông Luộc, gần ngã ba sông Luộc với sông Hóa, thờ 2 ông rắn đó chính là đền Tranh cổ. Ở đây ông Cộc - ông Dài được thờ phụng trong tư cách là thủy quái, đại diện cho những hiểm họa mà sông nước có thể gây ra cho con người.
Thời xa xưa, do dòng chảy chưa được cải tạo gây nên rất nhiều thiệt hại cho thuyền bè qua lại trên sông. Người dân tin rằng một thế lực siêu nhiên có sức mạnh to lớn đã gây nên hiện tượng này. Đứng trước những hiểm họa này, người dân xưa đã tìm được một cách ứng xử về mặt tâm linh, mà họ cho là tối ưu nhất, làm yên lòng thủy quái bằng thái độ tôn trọng, kính sợ và dâng lễ vật. Ở cả 2 ngôi đền này, rắn xuất hiện với hình ảnh của đôi Thanh xà và Bạch xà nằm vắt ngang trên chính điện.
NGUYỄN SƠN