Tưng bừng khai mạc Hội Gióng Phù Đổng 2025

Tưng bừng khai mạc Hội Gióng Phù Đổng 2025
5 giờ trướcBài gốc
Lễ hội Gióng Đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) năm 2025.
Lễ hội Gióng Đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) năm 2025 diễn ra từ ngày 28/4 - 7/5 (tức mùng 1 - 10/4 âm lịch). Vào ngày 4/5, tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng đã diễn ra lễ khai mạc, hàng vạn lượt người từ mọi nơi trên khắp nơi đã nô nức về dự, trẩy hội.
Lễ hội được tổ chức hằng năm nhằm tái hiện lại các trận đánh oai hùng của Thánh Gióng - người con của làng Phù Đổng đánh giặc ngoại xâm phương Bắc. Đây cũng là một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Trong đó, phần hội từ ngày 28/4 đến 7/5 (tức mùng 1 - 10/4 âm lịch) với các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống như: Hát tuồng, cải lương, quan họ…
Các hoạt động thể dục thể thao như: vật dân tộc, tổ chức hội thi nấu cơm, muối cà dâng Đức Thánh Gióng…
Hội thi nấu cơm cà dâng Thánh được tổ chức lần thứ 2, là sân chơi bổ ích, thú vị và giúp gắn kết dân làng với nhau cũng như giới thiệu rộng rãi về “đặc sản” của quê hương Thánh Gióng”.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra đa dạng hơn nhằm quảng bá và phát huy giá trị tinh thần của Lễ hội Gióng. Mọi hoạt động được tổ chức trên tinh thần vui tươi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm.
Phần lễ diễn ra từ ngày 4 - 7/5 (tức mùng 7 - 10/4 âm lịch) gồm: Lễ tế Thánh tại đền Thượng; ngoại đàn tại sân đền Thượng; rước khám đường; lễ rước cỗ về đền Mẫu; hội trận truyền thống tại Soi Bia.
Phần lễ ở Lễ hội Gióng đền Phù Đổng được coi là bảo tàng sống về tín ngưỡng dân gian và nghệ thuật trình diễn, với nhiều trò diễn xướng dân gian được tái hiện như: Hội trận gồm ba trận đánh của Thánh Gióng, các đám rước: Rước khám đường, rước nước, hát Ải Lao...
Ngoài các Ông Hiệu (Hiệu Cờ, Hiệu Trống, Hiệu Chiêng, Hiệu Trung quân, Hiệu Tiểu Cổ,…), hội trận còn có sự tham gia của đội quân Phù Giá 120 người (mỗi thôn 10 người); Xướng Xuất 4 người (chọn trong đội Phù Giá); đoàn Ải Lao 30 người; làng Áo Đỏ hàng nghìn em; làng Áo Đen hàng trăm người; Bát Tiên 8 người.
Theo các nhà nghiên cứu, Hội Gióng là một kịch trường dân gian rộng lớn với hàng trăm vai diễn, trong đó tiêu biểu nhất là diễn xướng dân gian, tái hiện lại trận đánh giặc Ân. Người được chọn đóng vai Ông Gióng (tức là ông Hiệu Cờ) phải là một người mẫu mực, con cháu thảo hiền và đó là niềm vinh dự lớn đối với bản thân, gia đình, dòng họ và cả thôn làng.
Hình tượng Thánh Gióng sở dĩ có sức sống mãnh liệt trong lòng người dân vì tính dân tộc được thể hiện rất rõ. Thánh Gióng nảy sinh ra từ hoàn cảnh lịch sử, từ vị trí địa lý của cư dân bản địa như vậy nên Thánh Gióng được người dân tôn vinh là biểu tượng cho chống giặc ngoại xâm. Bởi người Việt Nam từ cổ chí kim luôn phải thực hiện hai nhiệm vụ cao cả nhất, đó là dựng nước và giữ nước.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, Lễ hội Gióng còn chứa đựng cả hệ tư tưởng đạo lý và triết học sâu sắc, thể hiện sự hòa hợp trong quốc gia, khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam là đất nước được quốc thái dân an, thái bình thịnh trị.
Cho đến ngày nay, Lễ hội Gióng vẫn luôn là niềm tự hào của người dân làng Phù Đổng. Khi tái hiện lại trận đánh hào hùng của Thánh Gióng, người tham dự và khách thập phương được hiểu hơn về lịch sử, văn hóa nước ta từ thời xa xưa.
Hàng vạn lượt người đã về tham dự, trẩy hội. Qua các hoạt động của lễ hội, người dân, du khách, đặc biệt trẻ em được giáo dục, truyền lửa về lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước đó, năm 2022, xã Phù Đổng đón quyết định công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng”, tạo tiền đề cho việc mở rộng đa dạng những hoạt động trong khuôn khổ lễ hội. Năm 2010, Hội Gióng ở Đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm cùng với Hội Gióng Đền Sóc, huyện Sóc Sơn đã được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Trường Hùng - Nguyễn Ngọc Dũng
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/tung-bung-khai-mac-hoi-giong-phu-dong-2025-20250504200338606.htm