Các trò chơi dân gian tại Lễ hội. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)
Mỗi độ Xuân về, khi những cánh đào phai bung nở rực rỡ khắp núi rừng, đồng bào dân tộc Tày ở Hà Giang lại nô nức tổ chức Lễ hội Lồng Tồng - một lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện khát vọng về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hạnh phúc.
Trải dài từ huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê đến thành phố Hà Giang, Lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là Lễ hội xuống đồng) được tổ chức vào những ngày đầu tháng Giêng, thu hút đông đảo bà con và du khách thập phương.
Không chỉ là dịp để cầu mong điều tốt đẹp, Lễ hội còn là không gian văn hóa đặc sắc, nơi người dân thể hiện lòng biết ơn với thần linh, trời đất, đồng thời gắn kết cộng đồng thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống.
Dân tộc Tày thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái, có dân số đông nhất trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam với khoảng 1,6 triệu người, chủ yếu sống tại các tỉnh miền núi phía Đông Bắc.
Theo Niên giám thống kê tỉnh Hà Giang, tính đến ngày 31/12/2023, tỉnh có 205.773 người dân tộc Tày, chiếm hơn 20% dân số toàn tỉnh.
Trải qua thời gian, đồng bào Tày vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc nơi đây.
Tại huyện Bắc Quang, Lễ hội năm nay diễn ra tưng bừng với các nghi lễ nông nghiệp cổ xưa như lễ tạ ơn trời đất, cúng Thành hoàng, Thần Nông.
Bà Hoàng Thị Kết, một người dân tham gia lễ hội, chia sẻ: "Mỗi năm đến hội, ai cũng háo hức, mong được tung còn trúng vòng để cả năm may mắn, mùa màng tốt tươi."
Trong khuôn khổ Lễ hội tại xã Xuân Giang (huyện Quang Bình), Đại hội Thể dục Thể thao huyện Quang Bình lần thứ IV cũng được tổ chức, tạo nên bầu không khí sôi động, rộn ràng sắc Xuân.
Sự kiện không chỉ khuyến khích phong trào rèn luyện sức khỏe, mà còn thắt chặt tình đoàn kết, tạo môi trường giao lưu gắn kết giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã. Đây cũng là hoạt động thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, hướng tới Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030.
Đại hội thu hút hơn 400 vận động viên tranh tài ở 7 môn thi đấu hấp dẫn như bóng đá, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo… góp phần làm nên không khí hội Xuân rộn ràng và hào hứng.
Nằm cách trung tâm tỉnh lỵ gần 60km, Lễ hội Lồng Tồng tại huyện Bắc Mê năm nay diễn ra tại thôn Nà Nèn (thị trấn Yên Phú) với phần lễ trang trọng do thầy cúng thực hiện để cầu mong thần linh phù hộ. Sau phần lễ, hội tung còn sôi nổi thu hút cả người già lẫn trẻ nhỏ tham gia.
Anh Nông Thái Sơn, dân tộc Tày - một thanh niên địa phương, phấn khởi nói: "Tung còn không chỉ là trò chơi mà còn là phong tục lâu đời của dân tộc Tày. Ai ném trúng vòng sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới."
Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, Lễ hội Lồng Tồng còn là dịp để người dân địa phương gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tiết mục hát then, đàn tính, múa xòe rộn ràng đã góp phần làm nên không khí hội Xuân vui tươi, phấn khởi.
Tại xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), Lễ hội năm nay còn đặc biệt hơn khi kết hợp với công bố Giải thưởng ASEAN Homestay Standard Award 2025 - 2027.
Việc được nhận giải thưởng Homestay ASEAN là vinh dự thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), đồng thời là dịp để quảng bá thương hiệu du lịch cộng đồng của tỉnh Hà Giang, nâng cao hiệu quả xúc tiến và phát triển thương hiệu du lịch Hà Giang, điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á.
Trong khi đó, tại xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên), bên cạnh các nghi lễ truyền thống, người dân còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như kéo co, thi cấy, nhảy bao bố…
Chị Lành Thị Thêu, một nghệ nhân hát then, chia sẻ: “Tôi rất vui khi thấy lớp trẻ vẫn hào hứng với các làn điệu then cổ. Đó là dấu hiệu tốt để văn hóa Tày được gìn giữ lâu dài.”
Lễ hội Lồng Tồng không chỉ là sự kiện văn hóa mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của đồng bào dân tộc Tày. Những nghi thức cúng lễ, những trò chơi truyền thống hay những bữa cơm sum vầy đều mang đậm dấu ấn của một nền văn hóa lâu đời, gắn bó chặt chẽ với đời sống nông nghiệp.
Thi cấy lúa tại Lễ hội. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)
Cụ Hoàng Văn Chung, một bậc cao niên ở xã Xuân Giang (huyện Bắc Quang) tự hào nói: “Từ nhỏ tôi đã theo cha mẹ đi Lễ hội Lồng Tồng. Nay dù tuổi đã cao, tôi vẫn cố gắng tham dự để truyền lại cho con cháu những nét đẹp của tổ tiên, của truyền thống dân tộc."
Với những giá trị đặc sắc, Lễ hội Lồng Tồng không chỉ là một ngày hội vui xuân mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với thiên nhiên, giữa thế hệ trước với thế hệ sau.
Mỗi mùa Xuân về, người dân Hà Giang lại náo nức trẩy hội, tiếp nối dòng chảy văn hóa và gìn giữ bản sắc dân tộc Tày nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc./.
(TTXVN/Vietnam+)