Lễ hội Lồng Tông truyền thống của đồng bào Tày mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện khát vọng của con người trong sự hòa hợp trời và đất, âm và dương, cầu mong cho mưa thuận gió hòa.
Lễ hội Lồng Tông được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Lễ hội Lồng Tông được chính quyền huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) tổ chức hàng năm với mục đích giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, đồng thời là dịp để giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của huyện tới du khách gần xa.
Lễ hội Lồng Tông huyện Chiêm Hóa năm 2025 được chia làm 2 phần: Phần lễ và phần hội.
Phần Lễ chính được chuẩn bị rất công phu và chu đáo. Các mâm tồng được chuẩn bị bởi 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, chủ yếu được tổ chức cúng tế tại Đền Bách Thần sau đó rước về chính giữa sân vận động tại chân cột cây còn.
Phần lễ trên Đền Bách Thần để cúng tế trời đất và cầu mong các thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, cây cối tươi tốt, vạn vật sinh sôi, mùa màng bội thu.
Phần Lễ tổ chức cúng tế tại Đền Bách Thần
Phần hội được tổ chức tại sân vận động huyện. Sau khi rước mâm Tồng từ Đền Bách Thần, Thầy mo và Chủ tế cùng toàn thể đại biểu đoàn rước sẽ thực hiện nghi lễ cúng tế tại chân cột cây còn.
Tại phần hội có nghi lễ đánh trống khai hội, xuống đồng cày ruộng với mong muốn đường cày may mắn đầu năm dân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu; phát lộc đầu xuân, màn hát múa và diễn xướng của gần 300 em học sinh trường THPT Chiêm hóa, thành viên các câu lạc bộ văn hóa dân gian biểu diễn và nghi lễ tung còn.
Thầy mo và Chủ tế cùng toàn thể đại biểu đoàn rước sẽ thực hiện nghi lễ cúng tế tại chân cột cây còn
Ngoài ra, phần hội còn có các trò chơi dân gian như: tung còn, kéo co, ... và các hoạt động văn hóa, thể thao; trưng bày không gian văn hóa các dân tộc, tham quan các gian hàng trưng bày với những sản vật hấp dẫn của địa phương và trải nghiệm không gian văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.
Các đại biểu tham gia tung còn tại Lễ hội.
Chị Vương Thị Làn (xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) vui mừng, bản thân chị cũng như tất cả mọi người đến lễ hội với tâm trạng rất vui tươi, phấn khởi, náo nức và có rất nhiều hy vọng, hy vọng một năm mới an khang thịnh vượng, một năm mới đầy đủ ấm no, hạnh phúc, nhiều sức khỏe và mọi nhà được bình an.
Lồng Tông cũng là lễ hội tiêu biểu của người Tày tỉnh Tuyên Quang đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Một số hình ảnh tại Lễ hội Lồng Tông Chiêm Hóa:
Đoàn rước mâm Tồng từ Đền Bách thần về nơi tổ chức Lễ Lồng Tông
Rước kiệu về chân cột còn
Thầy cả làm lễ
Các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức phát lộc đầu xuân tại Lễ hội
Tái hiện màn tịch điền
Trò chơi bịt mắt đánh trống
Giá trị truyền thống của những trò chơi dân gian tại ngày hội Xuân đang phát huy tốt vai trò trong các hội Xuân
Cuộc thi đi xe đạp chậm thu hút nhiều lứa tuổi tham gia
Đông đảo Nhân dân và du khách dự lễ hội.
Minh Huế