Từng bước tháo gỡ khó khăn triển khai dạy học 2 buổi/ngày

Từng bước tháo gỡ khó khăn triển khai dạy học 2 buổi/ngày
4 giờ trướcBài gốc
Học sinh Trường THCS Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) trong một hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Khôi Nguyên
Chuẩn bị kỹ các bước
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, để triển khai dạy học 2 buổi/ngày đòi hỏi các trường có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong đó, điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên phải được tính đến đầu tiên. Tiếp đó, mỗi trường phải thiết kế chương trình học phù hợp với thực tiễn và nhận được sự thống nhất từ phía cha mẹ.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hoài Đức, ông Vương Văn Lâm, nhấn mạnh: “Bất cứ trường nào cũng mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh thông qua nhiều hình thức. Mô hình dạy học 2 buổi/ngày là một trong các phương án, nhưng để áp dụng thực tế thì không phải trường nào cũng sẵn sàng. Trên địa bàn huyện chưa có trường THCS nào thực hiện việc dạy 2 buổi/ngày vì không đủ điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất”.
Ông Lâm viện dẫn, Văn bản 7291 năm 2010 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học đã quy định, việc này chỉ thực hiện ở những nơi học sinh có nhu cầu, cha mẹ học sinh tự nguyện cho con em tham gia học tập; được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền quản lý trực tiếp của ngành Giáo dục và địa phương. Hiện, các trường áp dụng Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT nên việc dạy học 2 buổi/ngày cần chờ thêm hướng dẫn mới.
Tại quận Hà Đông (Hà Nội), phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường học có điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tiếp tục duy trì kế hoạch dạy học như trước. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng GD&ĐT, nhà trường phải xây dựng thời khóa biểu không quá 7 tiết/ngày, trong đó buổi sáng 4 tiết, chiều 3 tiết. Ngoài các nội dung kiến thức theo chương trình, nhà trường có thể tăng cường thêm tiết học về kỹ năng sống cho học sinh.
Nam Định là địa phương đang áp dụng dạy học 5 ngày/tuần và nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật từ ngày 17/3 với cấp trung học trên địa bàn. Bà Phạm Thị Kim Oanh - Tổ phó Tổ Toán Tin, Trường THCS Trần Bích San (TP Nam Định) cho biết, căn cứ hướng dẫn của sở GD&ĐT, nhà trường đã xây dựng, điều chỉnh kế hoạch, thống nhất phương pháp giảng dạy phù hợp với lịch học mới. Đồng thời tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, ứng dụng công nghệ thông tin vào bài dạy.
Mô hình dạy học 5 ngày/tuần giúp đồng bộ lịch làm việc giữa học sinh, phụ huynh với các cơ quan hành chính; tối ưu hóa việc sử dụng phòng học, thiết bị dạy học tại nhà trường. Phụ huynh giảm bớt nỗi lo quản lý con vào buổi chiều. Học sinh bớt áp lực, mệt mỏi vì phải học 5 tiết/buổi và có thể về sớm phụ giúp bố mẹ làm việc nhà, phát triển kỹ năng mềm, gắn kết với gia đình nhiều hơn.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) cho biết, để có thể triển khai dạy học 2 buổi/ngày, các trường phải có đủ giáo viên, cơ sở vật chất và chương trình dạy học cũng như tổ chức đủ các hoạt động trong 2 buổi phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi. Hiện, Bộ GD&ĐT chưa yêu cầu cấp trung học bắt buộc dạy 2 buổi/ngày, nơi nào đủ điều kiện mới làm. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc này dự kiến ban hành trong tháng 5.
Bên cạnh mặt thuận lợi, khó khăn cũng xuất hiện khi thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Bà Nguyễn Thị Tươi - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân, Hà Nam) cho hay, nhà trường đang dạy 5 buổi sáng, 2 buổi chiều và nghỉ thứ Bảy. Chỉ còn 3 buổi chiều cán bộ, giáo viên của trường tập trung cho họp, hoạt động chuyên môn, làm phổ cập giáo dục hay bồi dưỡng học sinh giỏi.
Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: Những ưu việt khi áp dụng dạy học 2 buổi/ngày với cấp trung học thì ai cũng rõ, tuy nhiên để triển khai phải giải được bài toán cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Các thiết bị phục vụ giảng dạy có đảm bảo chất lượng không? Nếu tổ chức bán trú cho học sinh thì phải đi kèm về an toàn thực phẩm…
Ngoài ra, các trường cần rà soát, điều chỉnh nội dung chương trình để phù hợp với thời lượng học 2 buổi/ngày, đảm bảo tính khoa học, thiết thực và không gây quá tải cho học sinh. Đổi mới phương pháp đánh giá theo hướng vì sự tiến bộ của học sinh. Giáo viên cần được bồi dưỡng về phương pháp dạy học tích cực, tổ chức hoạt động đa dạng, quản lý lớp học hiệu quả trong thời gian học kéo dài và đảm bảo cơ chế đãi ngộ.
Trường THCS Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện có gần 2.000 học sinh ở 42 lớp nhưng chỉ có 28 phòng học. Hiệu trưởng nhà trường Đoàn Thị Thanh Hương tâm sự, dù muốn triển khai mô hình dạy học 2 buổi/ngày nhưng “lực bất tòng tâm” vì không đủ phòng học. Nhà trường tuân thủ đúng theo quy định tại Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT và thực hiện các giải pháp để đảm bảo chất lượng học sinh cuối cấp chuẩn bị thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Theo quan điểm của PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục), vấn đề cốt lõi để triển khai thành công mô hình dạy học 2 buổi/ngày nằm ở đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Có những trường trung học ở vùng cao Mèo Vạc (Hà Giang), học sinh đều bán trú hoặc nội trú nhưng khi triển khai hết sức khó khăn do thiếu giáo viên, thầy cô bị quá tải công việc.
“Câu chuyện chúng ta cần bàn là tập trung làm sao để giải quyết được tình trạng thiếu trường lớp, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhà giáo ở các địa phương, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. Một khi các nhà trường có trong tay đội ngũ giáo viên vững vàng về trình độ chuyên môn, cộng với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị đi kèm được đồng bộ theo hướng hiện đại thì khi đó việc dạy học 2 buổi/ngày mới thực hiện được”, vị chuyên gia phân tích.
Khôi Nguyên
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/tung-buoc-thao-go-kho-khan-trien-khai-day-hoc-2-buoingay-post728681.html