Ca sĩ Tùng Dương và nhạc sĩ trẻ Tăng Duy Tân (trái)
Ca sĩ Tùng Dương: "Chúng ta không cần quá lo ngại vì sự cách biệt thế hệ"
Là một trong số ít ca sĩ kỳ cựu có những bản "hit" được giới trẻ yêu thích hiện nay như "Tái sinh", "Một vòng Việt Nam", "Cánh chim phượng hoàng"..., ca sĩ Tùng Dương cho rằng, mỗi thế hệ sẽ có sự khác nhau về thẩm mỹ âm nhạc, vì mỗi thế hệ có sự cách biệt về lối sống, vốn sống, thời cuộc. Chúng ta không thể đòi hỏi các bạn trẻ phải có những suy nghĩ tương đồng hoặc là sử dụng quá nhiều chất liệu của đàn anh đi trước để làm nên âm nhạc của riêng mình. Thời đại có sự phát triển, đương nhiên âm nhạc cũng có sự cách biệt về thế hệ.
Ca sĩ Tùng Dương
Tùng Dương cho rằng, giới trẻ ngày nay thường du nhập thanh âm của cuộc sống hiện đại nên có những ngôn ngữ hiện đại ở văn nói nhiều hơn chứ không còn thuần túy như các thế hệ trước cần phải ẩn ý văn học hay có chiều sâu về thi ca. Thế hệ ngày nay sử dụng ca từ thiếu chất thơ nhiều hơn vì các bạn ở giai đoạn khác, giai đoạn của sự tự do, của ngôn ngữ thể hiện riêng cá tính riêng.
"Việc tìm tiếng nói chung giữa 2 thế hệ nếu có cách tìm thì không thể ngay và luôn được bởi vì nó là cả một quá trình chuyển giao. Đại diện cấp tiến của thế hệ cũ còn sót lại vẫn chấp nhận sự sáng tạo đột phá của thế hệ mới mà không có cái nhìn quá khắt khe. Luôn luôn ở thời đại nào cũng sẽ có những đại diện mà họ vẫn tôn vinh âm nhạc truyền thống.
Thế hệ trẻ có nhiều ca sĩ sử dụng màu sắc dân gian mà vẫn giữ được tinh thần của nhạc trẻ với phần hòa âm trẻ trung đầy năng lượng - đó là những thanh âm của thời đại ngày hôm nay. Chúng ta không cần quá lo ngại vì sự cách biệt thế hệ. Hãy cứ để nó phát triển tự nhiên, có gì ồ ạt thì sẽ tự điều chỉnh. Giá trị thật thì vẫn sẽ được ghi nhận và tôn vinh đúng đắn", ca sĩ Tùng Dương bày tỏ.
Ca sĩ Hà Myo
Là một ca sĩ hát thuần nhạc truyền thống, "ca sĩ xẩm" Hà Myo cho rằng, việc "cân bằng" thẩm mỹ âm nhạc không chỉ cần thiết đối với giới trẻ mà còn là nhiệm vụ của cả cộng đồng âm nhạc và xã hội nói chung. Sự tiếp nhận cái mới là điều tất yếu, vì âm nhạc luôn thay đổi và phản ánh nhịp sống hiện đại. Tuy nhiên, tôn trọng và bảo tồn âm nhạc truyền thống cũng là một phần quan trọng để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, để tìm được "tiếng nói chung" giữa hai thế hệ, cần có sự tôn trọng, thấu hiểu và đối thoại cởi mở từ cả hai phía.
Ca sĩ Mai Diệu Ly
Ca sĩ Mai Diệu Ly bày tỏ quan điểm, việc mâu thuẫn giữa 2 thế hệ là điều không thể tránh khỏi, không những trong âm nhạc mà cuộc sống cũng vậy. Cách tốt theo Ly nghĩ là nên phổ cập thật nhiều những ca khúc truyền thống được giới trẻ làm mới hiện đại và gần gũi hơn với cộng đồng, xã hội. Ở mặt khác, chúng ta nên khích lệ giới trẻ trẻ hóa lại âm nhạc truyền thống, hãy để họ thỏa sức sáng tạo và tỏa sáng tài năng góc nhìn của họ với một tinh thần yêu nước, yêu và tôn trọng những giá trị âm nhạc từ xa xưa.
Ca sĩ Kuun Đức Nam
Ca sĩ "triệu view" Kuun Đức Nam: "Thời điểm gần đây, khán giả Việt Nam thay vì phải ra nước ngoài để xem những chương trình âm nhạc lớn thì đã có thể thưởng thức tại quê nhà. Những nghệ sĩ Việt Nam làm được những cái điều đó, đó là một bước tiến tuyệt vời. Mọi lĩnh vực trong cuộc sống, đặc biệt là âm nhạc và nghệ thuật, luôn luôn là dòng chảy và những cái mới sẽ xuất hiện, không bao giờ có thể cản được cái dòng chảy đấy. Tất nhiên, những giá trị về văn hóa, giá trị chuẩn mực là những cái giá trị mà chúng ta cần phải lưu giữ và bảo tồn. Theo mình, luôn bảo vệ những cái giá trị về văn hóa và cập nhật thêm những cái xu hướng mới để âm nhạc Việt Nam có thể sánh ngang được với nền công nghiệp âm nhạc lớn như ở trong khu vực hay là ở ở trên thế giới".
Nhạc sĩ Nguyễn Thương
Nhạc sĩ Nguyễn Thương - người sáng tác ca khúc "Khát vọng là người Việt" để mở màn cho Concert 3 và 4 của "Anh trai say hi" - cho hay: "Những concert gần đây có số lượng khán giả xem kỷ lục, Thương thấy đây là một tín hiệu rất đáng mừng khi những concert lớn mang tầm quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam bằng chính những nghệ sĩ và con người Việt Nam tạo ra. Sự đón nhận này không chỉ mang đến thành công cho nền nghệ thuật mà bên canh đó còn thúc đẩy phát triển thêm cho kinh tế nữa.
Những concert vừa qua không chỉ thu hút giới trẻ mà nhiều khán giả ở nhiều lứa tuổi. Bản thân Thương là người thích sự trải nghiệm và những điều mới lạ nên Thương cũng rất ủng hộ những nghệ sĩ trẻ sáng tạo ra những điều mới. Với Thương, nghệ thuật không có sự giới hạn".
Giá trị văn hóa vẫn luôn là sự kế thừa
Trước những concert gần đây có số lượng khán giả xem kỷ lục, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) - đạo diễn Việt Hương bày tỏ cảm xúc "vừa mừng vừa lo". Mừng vì các sự kiện đó đã cuốn hút được giới trẻ, mang một luồng gió mới đến cho âm nhạc trong nước. Còn lo là nếu các sự kiện mà ban tổ chức và các nhà chuyên môn chỉ quan tâm đến thị hiếu không thì chưa đủ, mà mỗi một sự kiện văn hóa đưa ra để giải trí vẫn cần phải có trọng trách làm thế nào có lợi ích cho sự phát triển văn hóa, phát triển âm nhạc của đất nước và mang tính nhân văn, có thẩm mỹ, song song với vấn đề thị hiếu giải trí của công chúng.
NSND - Đạo diễn Việt Hương
Đạo diễn Việt Hương cho rằng, nền tảng giá trị của văn hóa của cha ông luôn là cái gốc. Nó cần phát triển theo thời cuộc nhưng phải giữ được hơi thở hồn cốt của dân tộc là nền tảng để phát triển. Tuy nhiên, NSND Việt Hương vẫn có cái nhìn công bằng và cởi mở, chị cho rằng, làm nghệ thuật mà không có khán giả - làm để "cất tủ" thì không có giá trị trong đời sống. Mà lực lượng khán giả áp đảo hiện nay chính là giới trẻ.
"Theo tôi, làm nghệ thuật phải quan tâm đến tâm lý và xu hướng của khán giả nhưng cũng không nên theo hoàn toàn mà chúng ta phải đưa ra được cả thẩm mỹ nghệ thuật để cùng hoàn thiện và phát triển theo xu hướng thời đại với từng loại hình khác nhau", đạo diễn Việt Hương cho hay.
Đạo diễn, BTV sản xuất truyền hình Nguyễn Tuấn Đức
Chia sẻ quan điểm về văn hóa âm nhạc "hợp chuẩn", đạo diễn, BTV sản xuất truyền hình Nguyễn Tuấn Đức cho rằng: "Tôi nghĩ không có khái niệm "chuẩn" cho văn hóa âm nhạc, vì chuẩn với người này không chắc chuẩn với người khác. Thẩm mỹ âm nhạc và sở thích của nhiều người vốn đã khác nhau, gu thưởng thức nghệ thuật của họ không thể đồng nhất. Hơn nữa âm nhạc lại còn theo nhu cầu lứa tuổi, tầng lớp xã hội, phong tục và nền văn hóa...
Không thể nói dân ca và nhạc cổ truyền hay nhạc vàng, nhạc pop, nhạc ngoại là chuẩn chung của tất cả, mà chỉ chuẩn với một đối tượng nhất định mà thôi. Với tôi, văn hóa âm nhạc chuẩn nhất là giá trị nguyên thủy của âm nhạc, của nghệ thuật, đó là sự kết nối con người với nhau thông qua giai điệu, và chỉ chuẩn khi âm nhạc truyền tải được những giá trị tốt đẹp của tất cả chúng ta, khiến con người hướng thiện, xua tan mệt mỏi và thêm yêu cuộc sống này".
Đạo diễn Nguyễn Tuấn Đức cũng cho rằng, văn hóa concert gần đây đã thực sự trở lại, đó là nơi gắn kết giữ nghệ sĩ biểu diễn và khán giả, họ gần nhau hơn bao giờ hết, sẽ khác nhiều khi ta chỉ xem qua màn hình. Thông qua đó các chương trình/hình thức giao lưu, trao đổi quà tặng... cũng tạo nên một sân chơi mới dành cho giới trẻ gắn kết nhiều hơn thông qua một cộng đồng chung sở thích.
Nhiều người cho rằng chúng ta đang quá khắt khe với thẩm mỹ âm nhạc của người trẻ và cho rằng những cái xưa cũ mới là "chuẩn mực". Theo quan điểm của đạo diễn Nguyễn Tuấn Đức, đó chỉ là góc nhìn một chiều.
"Tôi không phủ nhận sự chuẩn mực của những điều xưa cũ nhưng chẳng phải những điều xưa cũ cũng vẫn bắt nguồn từ sự mới mẻ hay sao? Chúng ta đang thừa hưởng những chuẩn mực, đồng thời cũng đang tạo ra những chuẩn mực mới cho thế hệ sau. Vì giá trị văn hóa vẫn luôn là sự kế thừa, phát huy, phát triển", đạo diễn Nguyễn Tuấn Đức chia sẻ.
An Khê