Tuổi thọ nam giới Việt Nam thấp hơn nữ
Theo dữ liệu điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ năm 2024 của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ bình quân của Việt Nam năm 2024 đạt 74,7 tuổi. Trong đó, tuổi thọ của nữ giới là 77,3 tuổi và nam giới là 72,3 tuổi.
Tương tự các điều tra, nghiên cứu của nhiều nước trên thế giới, tuổi thọ của đàn ông thường thấp hơn phụ nữ.
Tại Việt Nam, giai đoạn 2019-2024, tuổi thọ của đàn ông có mức tăng 1,3 tuổi, trong khi phụ nữ chỉ tăng 1 tuổi.
Ngoài ra, thống kê cho thấy, người sống ở thành thị có tuổi thọ cao hơn so với người sống ở nông thôn. Nam giới thành thị có tuổi thọ trung bình 74,3 tuổi, cao hơn 2,4 tuổi so với nam giới vùng nông thôn là 71,9 tuổi.
Tuổi thọ đàn ông thường thấp hơn phụ nữ (Ảnh minh họa)
Dựa vào kết quả điều tra, tuổi thọ trung bình của đàn ông Tây Nguyên, gồm 5 tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông thấp nhất cả nước, chỉ đạt 69,6 tuổi. Đây cũng là vùng duy nhất mà tuổi thọ của đàn ông nằm dưới mốc 70 tuổi, kém 2,7 tuổi so với mức chung của cả nước.
Ở khu vực Tây Nguyên, Lâm Đồng là tỉnh duy nhất có tuổi thọ trung bình của nam giới trên 70 tuổi. Theo đó, đàn ông ở đây có tuổi thọ trung bình là 71,4 tuổi và phụ nữ là 76,6 tuổi, đều thấp hơn so với bình quân cả nước.
Xét trên phạm vi toàn quốc, Lai Châu là tỉnh mà đàn ông có tuổi thọ trung bình thấp nhất cả nước, chỉ ở mức 62,9 tuổi. Các vị trí tiếp theo thuộc về Điện Biên (67 tuổi) và Kon Tum (67,1 tuổi). Đây là nhóm các tỉnh nam giới có tuổi thọ trung bình thấp nhất Việt Nam.
Đông Nam Bộ là vùng có tuổi thọ đàn ông trung bình cao nhất cả nước, đạt 73,9 tuổi. Trong 5 tỉnh/thành thuộc khu vực này (gồm TPHCM, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai), Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi mà đàn ông sống thọ nhất với 74,2 tuổi.
Nguyên nhân nào khiến tuổi thọ nam giới thấp hơn nữ giới ?
Theo phân tích từng độ tuổi tử vong do Tổng cục Thống kê cung cấp, kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ tử vong ở cả nam và nữ là cao ở lứa tuổi 0 - 4, giảm dần đến nhóm 5 - 9 tuổi và duy trì ở mức thấp khá ổn định giữa các nhóm tuổi cho đến 40 - 44 tuổi.
Mức độ tử vong của nam cao hơn so với của nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong dân số. Đặc biệt là ở nhóm 1 - 4 tuổi, mức độ tử vong ở nam cao hơn khoảng 6 lần so với nữ.
Càng về những nhóm tuổi cao hơn thì mức độ khác biệt giữa nam và nữ giảm dần và đến những nhóm tuổi cao nhất thì mức độ này gần như bằng nhau (tỉ số tử vong nam/nữ xấp xỉ bằng 1).
Mức độ tử vong ở trẻ em nam cao hơn nhiều so với trẻ em nữ cũng chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến tuổi thọ bình quân tính từ khi sinh của nam thấp hơn của nữ khá nhiều.
Một số nghiên cứu cho thấy khoảng cách tuổi thọ giữa hai giới bắt đầu từ khi sinh ra, vì trẻ sơ sinh trai có khả năng tử vong cao hơn trẻ sơ sinh gái.
Trẻ trai có nhiều khả năng sinh non hơn và cũng có tỉ lệ tử vong cao hơn trong tuần đầu tiên của cuộc đời.
Một lý do chính là trẻ em trai có xu hướng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn, có thể là do hệ thống miễn dịch kém phát triển. Một lý do khác là trẻ em trai dễ mắc một số rối loạn di truyền hơn do chỉ có một nhiễm sắc thể X.
Có nhiều nguyên nhân khiến nam giới có tuổi thọ thấp hơn nữ giới (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, điều tra cũng cho thấy nam giới chết vì tai nạn, hành vi bạo lực, tử tự cao hơn hẳn so với nữ giới. Đây cũng là nguyên nhân khiến nam giới có tuổi thọ trung bình thấp hơn.
Trong phiếu của điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, có câu hỏi để thu thập thông tin nhằm đánh giá nguyên nhân chết (đặc biệt là các trường hợp chết do tai nạn). Các nguyên nhân bao gồm chết do bệnh tật/chết già, tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn khác, tự tử và các nguyên nhân khác.
Số liệu phân tích cho thấy phần lớn các trường hợp chết xảy ra trong 12 tháng trước thời điểm tổng điều tra là do bệnh tật/chết già (92,4%).
Trong số các trường hợp chết do tai nạn, tai nạn giao thông chiếm tỉ trọng lớn nhất, cao gấp hơn hai lần so với tai nạn lao động (tương ứng là 3,3% và 1,3%).
Tỉ trọng ca tử vong vì các loại tai nạn của nam giới cao gấp ba lần so với nữ giới (8,6% so với 2,8%).
Xu hướng tương tự cũng quan sát được ở cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn cũng như ở các vùng kinh tế - xã hội. Vùng Tây Nguyên có tỉ trọng các trường hợp chết vì tai nạn giao thông lớn nhất (6,3%).
Tỉ trọng chết do tự tử ở nam giới cao gấp hơn hai lần so với nữ giới (1,0% so với 0,4%). Vùng Tây Nguyên có tỉ trọng các trường hợp chết do tự tử cao nhất (3,7%), Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có tỉ trọng chết do tự tử thấp nhất (0,5%).
Thúy Ngà