Tưởng bị ung thư hóa ra là rối loạn thích ứng

Tưởng bị ung thư hóa ra là rối loạn thích ứng
3 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa
Đáng chú ý, ở trẻ vị thành niên, tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là ngang nhau, mỗi giai đoạn và lứa tuổi lại có những biểu hiện đặc trưng riêng.
Một trường hợp điển hình được ghi nhận tại Viện Sức khỏe Tâm thần là nữ bệnh nhân 46 tuổi nhập viện trong tình trạng khó ngủ, ăn uống kém, sút cân và lo lắng kéo dài. Khai thác bệnh sử cho thấy, bệnh nhân có tăng huyết áp nhưng do điều trị thường xuyên nên huyết áp ổn định, gia đình không ai mắc bệnh lý tâm thần. Người bệnh có tính cách hay lo lắng, cầu toàn.
Trước khi vào viện 5 tháng, do chồng làm ăn thua lỗ, nợ nần nên người bệnh bị căng thẳng, hay suy nghĩ về chuyện kinh tế gia đình, lo lắng không trả nợ được. Đặc biệt, người bệnh thường xuyên rơi vào tình trạng hồi hộp trống ngực, lo lắng bất an, mệt mỏi, ít nói cười, ăn kém ngon miệng và sút cân.
Khi bị sút cân, người bệnh suy diễn là mình bị mắc ung thư nên đi khám, nhưng không phát hiện bệnh gì. Trước biểu hiện trên, các bác sĩ đã chuyển khám tâm thần. Tại Viện Sức khỏe tâm thần, sau khi thăm khám các bác sĩ xác định: bệnh nhân có rối loạn stress, có triệu chứng lo âu, trầm cảm… Từ kết quả thăm khám, bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị rối loạn thích ứng với phản ứng hỗn hợp lo âu, trầm cảm.
Người bệnh được nhập viện điều trị nội trú kết hợp nhiều liệu pháp điều trị, như dùng thuốc chống trầm cảm, giải lo âu, an thần kinh; đồng thời trị liệu tâm lý cá nhân, thư giãn luyện tập. Sau 3 tuần điều trị, các triệu chứng thuyên giảm, người bệnh ăn ngủ được, nhận thức được stress và có giải pháp đối phó stress. Hiện người bệnh đã được ra viện và hẹn tái khám.
TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng Đơn vị Điều trị các rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với người trưởng thành, rối loạn sự thích ứng thường biểu hiện qua các dấu hiệu của trầm cảm và lo âu. Trong khi đó, trẻ vị thành niên lại dễ nhận thấy các triệu chứng của rối loạn hành vi như cáu giận không kiểm soát, cãi cọ người lớn, nói dối và né tránh trách nhiệm. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến rối loạn này bao gồm căng thẳng thời thơ ấu, gặp khó khăn trong cuộc sống, bị lạm dụng, gia đình tan vỡ hoặc được bao bọc quá mức.
Stress là yếu tố tác động trực tiếp, và nếu không có stress, rối loạn sự thích ứng sẽ không xảy ra. TS.BS Dương Minh Tâm cho biết, rối loạn thường xuất hiện sau một hoặc nhiều sang chấn tâm lý, nhưng có thể không bộc lộ ngay mà phát triển theo thời gian.
Theo TS.BS Dương Minh Tâm, rối loạn sự thích ứng thường kéo dài trên ba tháng và thường đi kèm với các bệnh mãn tính như ung thư hay đái tháo đường... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể gây mất ngủ, mâu thuẫn gia đình, giảm hiệu suất công việc, và thậm chí dẫn đến tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát.
Để phòng ngừa rối loạn sự thích ứng, việc quản lý stress là yếu tố then chốt. Một lối sống lành mạnh, tinh thần lạc quan và sự hỗ trợ từ gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Người bệnh cần được chăm sóc bằng phương pháp kết hợp, tùy thuộc vào tình trạng và thời gian mắc bệnh, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Minh Nhật
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tuong-bi-ung-thu-hoa-ra-la-roi-loan-thich-ung-407197.html