Đồng 10, 20 và 50 euro . Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo tài chính hàng đầu của Đức Handelsblatt, người đứng đầu công ty quản lý tài sản DJE Kapital này đã cảnh báo rằng giá cổ phiếu công nghệ có thể giảm tới 20%. Ông cho rằng, “các nhà đầu tư đã đầu tư quá mức và điều này thật nguy hiểm!”.
Tuy nhiên, chuyên gia 82 tuổi này tin rằng tình trạng thị trường chứng khoán châu Âu kém hiệu quả hơn so với Phố Wall trong dài hạn có thể chấm dứt, nếu các nước châu Âu kích thích nền kinh tế thông qua việc tăng chi tiêu chính phủ. Việc bãi bỏ phanh nợ của Đức là điều không thể tránh khỏi. Chuyên gia Ehrhardt cũng tin vào khả năng chỉ số chứng khoán chủ chốt của Đức - DAX đạt mốc 30.000 trong bốn năm là "điều có thể xảy ra".
Trong quỹ đầu tư quốc tế của mình, chuyên gia Jens Ehrhardt thậm chí còn có nhiều chứng khoán Đức hơn chứng khoán Mỹ, một điều có vẻ như đi ngược xu hướng hiện nay. Ông cũng nhìn thấy cơ hội trong năm nay đối với các cổ phiếu ngân hàng Nhật Bản. Trong trường hợp xung đột tại Ukraine chấm dứt, cổ phiếu của các ngành xây dựng và xi măng châu Âu sẽ lên ngôi, cũng như cổ phiếu Ba Lan.
*Đồng euro suy yếu
Về căng thẳng thương mại đang diễn ra do thuế quan của Mỹ, ông Ehrhardt cho rằng, một điều rõ ràng là mọi thứ sẽ không diễn ra như trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump. Lần này, các quốc gia bị ảnh hưởng đang phản công. Ông dự đoán sẽ có một cuộc chiến tranh thương mại lớn. Tổng thống Trump hành động như thể ông đang giúp ích cho người Mỹ, nhưng thực tế không phải vậy. Nếu nhìn vào thị trường có thể thấy thuế quan làm đồng USD mạnh hơn và làm thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống.
Ông Ehrhardt cho rằng đồng euro sẽ trở thành một loại tiền tệ thực sự yếu. Tỷ giá đồng euro có khả năng nhanh chóng giảm xuống dưới mức ngang giá với đồng USD và nhanh chóng đạt mức 1 euro đổi 0,95 USD. Đồng euro sẽ mất giá. Thị trường chứng khoán Đức cũng đang phản ứng trước thông tin về thuế quan: Cổ phiếu ô tô đang giảm, trong khi cổ phiếu từ các ngành như tài chính, tiện ích, bảo hiểm và viễn thông lại tăng mạnh.
*Cổ phiếu công nghệ nhiều rủi ro
Chỉ vài ngày trước, tin tức về công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo (AI) DeepSeek của Trung Quốc đã khiến cổ phiếu công nghệ phương Tây sụp đổ, đặc biệt là ngôi sao chứng khoán trước đây - Nvidia...
Có lẽ thị trường đều cho rằng Trung Quốc không thể theo kịp trong lĩnh vực này nhưng họ dường như cũng có thể xoay xở được với những con chip giá rẻ.
Trong mọi trường hợp, người ta phải tự hỏi liệu có sai lầm do đầu tư quá lớn vào ngành công nghệ chip hay không. Các công ty công nghệ lớn đã đầu tư hàng trăm tỷ USD để nâng năng lực tính toán, trong đó những chip hiệu suất cao đắt tiền đóng vai trò chính.
Theo ông Ehrhardt, có thể nói các nhà đầu tư đã bỏ quá nhiều tiền vào lĩnh vực này và như vậy thật nguy hiểm.
Điều này được phản ánh trong xếp hạng. Chỉ số MSCI thế giới dành cho cổ phiếu công nghệ có tỷ suất giá trên thu nhập rất cao là 43. Ngay cả chỉ số toàn cầu nói chung, vốn cũng bị chi phối bởi các cổ phiếu công nghệ, cũng có tỷ suất giá trên thu nhập là 23...
Cổ phiếu của Apple hay Microsoft đều rất đắt. Nếu loại trừ cái gọi là "Bảy công ty công nghệ lớn nhất" khỏi chỉ số S&P 500, thì chỉ số chuẩn mực phổ biến nhất đối với Phố Wall này có lẽ đã không tăng chút nào trong hai năm qua.
Biểu tượng đồng Euro tại Frankfurt, Đức. Ảnh: THX/ TTXVN
*Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Ông Ehrhardt nhận định, cho đến nay, các công ty công nghệ đã tăng được lợi nhuận trung bình 30% mỗi năm. Trong tương lai, con số này dự kiến sẽ giảm một nửa xuống còn 15%. Giá trị cao cũng gây thêm áp lực. Ở Phố Wall, chỉ có cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng còn các công ty khác được định giá khá tốt, bởi vậy việc giảm đầu tư chút ít vào cổ phiếu công nghệ cũng là điều nên làm.
Trong luận án Tiến sĩ của mình, ông Ehrhardt đã đề cập sâu đến cuộc khủng hoảng lớn năm 1929. Vào thời điểm đó, các khoản vay trên thị trường chứng khoán tương đương 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ. Ngày nay, những khoản vay này chỉ còn từ 2-3% và do đó sẽ ít bị tổn thương hơn.
Nhưng theo ông, như vậy cũng không có nghĩa là không nguy hiểm, đặc biệt khi lãi suất hiện nay tăng cao. Tình hình sẽ không khả quan nếu sử dụng các số liệu truyền thống như tỷ lệ giá trên thu nhập hoặc so sánh lợi tức cổ phiếu với lợi tức trái phiếu chính phủ.
Theo chuyên gia Ehrhardt, so với mức trung bình dài hạn, giá cổ phiếu Mỹ cần phải thấp hơn hiện nay khoảng 20%.
Các nhà đầu tư tư nhân tham gia đặc biệt nhiều vào thị trường Mỹ. Họ cũng sẽ nhanh chóng thoát ra nếu tình hình trở nên nghiêm trọng và như vậy sẽ thúc đẩy thêm xu hướng đi xuống. Nhưng các cuộc khảo sát thường kỳ của Ngân hàng Bank of America đối với những nhà quản lý quỹ quốc tế cũng phản ánh một tình hình dễ bị tổn thương, đó là lượng cổ phiếu nắm giữ cao hơn bao giờ hết, còn lượng tiền mặt nắm giữ lại thấp hơn bao giờ hết.
Về khả năng đảo ngược xu hướng tụt hậu của thị trường chứng khoán châu Âu so với thị trường chứng khoán Mỹ trong hơn một thập kỷ qua, chuyên gia Ehrhardt nhận định, trong một thời gian dài, châu Âu được các nhà đầu tư lớn từ Mỹ coi là không đáng đầu tư. Tình hình này chỉ được cải thiện kể từ cuối năm ngoái nhưng không đáng kể. Trên thực tế, tỷ suất giá trên thu nhập trung bình thấp hơn 40% so với Mỹ và giá trị trên sổ sách thấp hơn tới 50%. Điều này có nghĩa là ở châu Âu, cổ phiếu rẻ hơn nhiều xét về lợi nhuận và giá trị.
*Chỉ số DAX có khả năng lên mốc 30.000
Đức nằm trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) nên sẽ không tốt cho Đức nếu Chính phủ Pháp và các nước khác trong Eurozone chi tiêu nhiều trong khi Đức lại không hành động như vậy. Chuyên gia Ehrhardt cho rằng Chính phủ Đức cần nâng mức chi tiêu và cải cách phanh nợ hiện đang kìm hãm khả năng chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, các khoản chi tiêu phải dành cho đầu tư và cơ sở hạ tầng chứ không phải tiêu dùng. Chỉ có như vậy mới thúc đẩy được kinh tế, cộng với xuất khẩu tốt hơn nhờ đồng euro yếu, thị trường chứng khoán châu Âu thực sự có thể hoạt động tốt hơn Phố Wall.
Liên quan đến cuộc bầu cử liên bang sẽ diễn ra vào ngày 23/2 tới, ông Ehrhardt phân tích, chỉ số chứng khoán chủ chốt của Đức – DAX hiện ở mức hơn 21.000 điểm, và các nhà đầu tư đang dự đoán Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sẽ giành chiến thắng. Câu hỏi duy nhất là CDU sẽ thành lập chính phủ liên minh với đảng nào, nếu cần, vì một chính phủ thiểu số sẽ làm giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán.
Ông cũng đồng tình với lập luận cho rằng chỉ số DAX có thể đạt mức kỷ lục lớn 30.000 điểm vào cuối nhiệm kỳ lập pháp sau bốn năm nữa, nếu viễn cảnh kinh tế tốt hơn nhờ các biện pháp mạnh tay của chính phủ. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng sẽ tiếp tục hạ lãi suất. Đồng euro có khả năng sẽ mất giá theo, làm lợi cho xuất khẩu.
*Đầu tư "phòng thủ"
Quỹ đầu tư FMM của ông Ehrhardt đã hành động thận trọng trong thời gian qua và không đầu tư nhiều vào cổ phiếu công nghệ. Điều này hiện được chứng minh là đúng đắn khi xung đột thương mại nổ ra. FMM có 18% cổ phiếu Mỹ, 3/4 trong số đó là công nghệ, bao gồm Meta, Netflix, cũng có một phần nhỏ cổ phiếu của Microsoft và Alphabet, nhưng không có Tesla.
Trong danh mục đầu tư của FMM có 22% cổ phiếu Đức, bao gồm các cổ phiếu Deutsche Telekom, Deutsche Börse, SAP và Eon, mặc dù Đức chỉ chiếm 2% trong chỉ số chứng khoán thế giới MSCI. Ngoài ra, FMM đầu tư khoảng hơn 25% vốn vào trái phiếu. Với chính sách đầu tư này, ông Ehrhardt đang thể hiện phương châm phòng thủ.
*Triển vọng đầu tư năm 2025
Chuyên gia Ehrhardt nhận định các cổ phiếu tài chính sẽ có triển vọng tốt, nhất là những ngân hàng Nhật Bản. Lãi suất đang tăng và cùng với đó là biên lợi nhuận cũng tăng, và hoạt động cho vay cũng có khả năng sẽ được cải thiện.
Thu Hằng (P/v TTXVN tại Berlin)