Tương lai chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Trump 2.0

Tương lai chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Trump 2.0
5 giờ trướcBài gốc
Chính sách đối ngoại gắn với lợi ích quốc gia: "Nước Mỹ trên hết"
Lời kêu gọi của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về việc sáp nhập hoặc mua Greenland và kênh đào Panama, sáp nhập Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ và đổi tên Vịnh Mexico cho thấy tầm nhìn về một nước Mỹ mạnh mẽ hơn rất nhiều, dù bị cô lập hơn.
Theo quan điểm của ông Trump, Mỹ không nên gắn chính sách đối ngoại vào các liên minh hay chính sách thương mại tự do, mà là vào những lợi ích của chính mình, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với sự ép buộc về kinh tế hoặc quân sự nhằm vào các đồng minh của họ.
Chuyên gia phân tích Anthony Silberfeld, Quỹ Bertelsmann (Đức) cho biết: “Ý tưởng về việc nước Mỹ tiếp tục vai trò là một cơ quan giám sát toàn cầu là không có khả năng. Chính quyền mới không có hứng thú với điều đó, sẽ nhanh chóng đánh mất mọi uy tín còn lại mà nước Mỹ có được như một lực lượng ổn định trong một môi trường ngày càng bất ổn”.
Đây là một sự thay đổi đáng kể so với chính sách đối ngoại của chính quyền Biden-Harris tiền nhiệm. Chính sách đối ngoại được đánh giá là do dự và dễ đoán của Tổng thống Biden thường không khiến các đối thủ của Mỹ cảm thấy mối đe dọa thực sự, do đó không có nhiều tác dụng răn đe. Ngược lại, sự khó đoán của ông Trump, ý muốn sử dụng quân đội Mỹ và sự kém coi trọng đối với các liên minh truyền thống có thể hạn chế kẻ thù trong khi thúc đẩy các đồng minh của Washington tự thân vận động nhiều hơn.
Tất nhiên, đối với nhiều tuyên bố của ông Trump, cần suy nghĩ về hàm ý để nắm được thông điệp.
Trong trường hợp này, việc ông Trump có thực sự có ý định thêm Canada vào danh sách tiểu bang thứ 51 hoặc có gửi quân đội để khuất phục Panama và Greenland hay không, sẽ không quan trọng bằng việc chủ nhân Nhà Trắng ám chỉ về định hướng cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Vì mục tiêu đó, ông Trump dự đoán một nước Mỹ mạnh mẽ hơn, tập trung vào Tây bán cầu và đảm bảo rằng cả Nga và Trung Quốc đều không xâm phạm vào các khu vực gần biên giới của Mỹ.
Hơn nữa, với việc không đánh giá cao các tổ chức quốc tế và khuynh hướng phá vỡ các chuẩn mực truyền thống, ông Trump có thể sẽ thực hiện nhiều hành động đơn phương hơn để bảo vệ lợi ích của Mỹ, thay vì hợp tác với các đồng minh để thúc đẩy các mục tiêu chung.
Đáng ghi nhận là trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, việc ông Trump phá vỡ các chuẩn mực được thiết lập lâu đời đã mang lại một số thành công thực sự, chẳng hạn như thúc đẩy các nước NATO chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng. Ông Trump luôn gây áp lực yêu cầu các đồng minh NATO tăng mục tiêu chi tiêu quân sự lên khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ mức mục tiêu là ít nhất 2%.
Chi tiêu quốc phòng của các nước NATO tính đến năm 2023. (Nguồn: NATO)
Tuy nhiên, thế giới ngày nay đã hoàn toàn khác so với 8 năm trước và chính sách đối ngoại mới của ông Trump có thể sẽ mang lại cả lợi ích hợp pháp cũng như rủi ro tiềm ẩn.
Ông Andrew Gawthorpe, Đại học Leiden (Đức) nhận định: “Các nhà lãnh đạo thế giới sẽ được hưởng lợi nếu rút ra những bài học đúng đắn từ lần đầu tiên ông Trump nắm quyền, hít thở thật sâu và chỉ phản ứng khi rõ ràng là không còn lựa chọn nào khác”.
Thách thức đối với chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Trump 2.0
Trước mắt, thách thức lớn nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Trump 2.0 gồm: xung đột Nga-Ukraine và Israel-Iran.
Ở Ukraine, ông Trump không hề che giấu mục tiêu chấm dứt chiến tranh của mình, vì ông không coi đó là phạm vi lợi ích của Mỹ, dù chấm dứt chiến tranh là vì lợi ích của mọi người.
Có lẽ sự khác biệt lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Trump 2.0 sẽ được nhìn thấy ở Trung Đông. Không giống như việc bảo vệ Ukraine, ông Trump coi việc ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân là hoàn toàn nằm trong lợi ích của Mỹ. Thái độ của ông Trump đối với Iran là một sự thay đổi so với cách tiếp cận xoa dịu và ngoại giao bằng mọi giá dưới thời hai Tổng thống Barack Obama và Joe Biden.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái).
Cũng theo hướng đó, việc ông Trump thích các đồng minh mạnh mẽ có nghĩa là ông sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn đối với Israel, quốc gia đã tàn phá các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Liban và Gaza, cũng như hệ thống phòng không của chính Iran.
Những lời đe dọa sử dụng quân đội, hoặc ủng hộ một cuộc tấn công của Israel để ngăn chặn một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân của ông Trump đáng tin cậy hơn nhiều so với lời đe dọa của ông Biden và có khả năng sẽ buộc Iran phải mềm mỏng hơn.
Xét về tổng thể, chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump được xác định bằng cách phân định rõ ràng những gì nằm trong và nằm ngoài phạm vi lợi ích của Mỹ. Nói cách khác, việc ông Trump tập trung vào vai trò nổi trội của Mỹ ở Tây Bán cầu gợi nhớ đến các cuộc cạnh tranh quyền lực lớn trong nhiều thế kỷ qua, cũng như cách tiếp cận hiện đại đối với Học thuyết Monroe. Học thuyết này, lần đầu tiên được Tổng thống Mỹ James Monroe đưa ra vào năm 1823, đã định hình chính sách đối ngoại của Mỹ trong suốt đầu thế kỷ 20 và sau đó là trong Chiến tranh Lạnh.
Ngược lại, bằng cách ưu tiên lợi ích của Mỹ hơn các liên minh, ông Trump có thể vô tình khuyến khích kẻ thù của Washington tạo ra phạm vi ảnh hưởng của riêng họ bằng vũ lực nếu cần thiết.
Hiệu quả của chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump như thế nào vẫn còn phải chờ xem. Nhưng xét đến những thành tựu đối ngoại khá lu mờ của chính quyền Biden trong 4 năm qua, thì nước Mỹ đang hào hứng tới việc thử một điều gì đó mới mẻ, bất kể điều đó có vẻ không chính thống đến đâu.
Châu Anh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/tuong-lai-chinh-sach-doi-ngoai-my-duoi-thoi-trump-20-297535.htm