Những điểm mạnh này là một phần của tầm nhìn rộng hơn trên phạm vi toàn thế giới về con đường tiến đến sự thịnh vượng trong một nền kinh tế toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt.
Những báo cáo tươi sáng nhất liên quan đến Hy Lạp, nền kinh tế bị lên án mạnh mẽ nhất. Từ tháng 6 năm 2012 đến tháng 2 năm 2013, hơn 175 triệu đô-la tiền mới đã được bơm vào thị trường cổ phiếu Hy Lạp, và theo Wall Street Journal, “mọi thứ từ bất động sản đến cổ phiếu năng lượng ở Hy Lạp đều có người mua”.
Tháng 4 năm 2013, xét trên tiến độ cắt giảm chi tiêu Chính phủ và tiến đến mục tiêu cân bằng ngân sách, bộ ba quyền lực đã đồng ý giải ngân thêm tiền cứu trợ cho Hy Lạp. Ngày 14 tháng 5 năm 2013, Fitch nâng xếp hạng tín dụng của Hy Lạp, và trong một bài báo bàn về nền kinh tế Hy Lạp, tờ New York Times viết, “Quyết tâm cải thiện năng lực cạnh tranh, chủ yếu thông qua việc cắt giảm mạnh chi phí tiền lương, cuối cùng cũng đem lại ‘trái ngọt’.
Điều này thể hiện rõ nhất trong ngành du lịch, khu vực chiếm 17% tổng sản phẩm nội địa. Doanh thu được kỳ vọng sẽ tăng thêm 9% đến 10% trong năm nay.”
Hy Lạp cũng đang hưởng lợi từ quá trình tư nhân hóa tài sản thuộc sở hữu của Chính phủ. Người ta hy vọng khu đất rộng 1.500 mẫu Anh trước đây vốn là sân bay Athens sẽ thu hút được 6 tỉ euro tiền đầu tư để xây dựng một khu phát triển đa chức năng tạo ra hơn 21.000 việc làm thu nhập cao.
Sức mạnh của đồng euro là điều không cần bàn cãi. Ảnh: Reuters.
Một câu chuyện khác mới đây ở Hy Lạp liên quan đến những sự kiện có ý nghĩa như một cuộc thử nghiệm có kiểm soát, một điều mà các nhà kinh tế học luôn tìm kiếm nhưng hiếm khi tìm thấy. Trước năm 2010, cơ sở vật chất ở cảng Piraeus - một cảng lớn ở Hy Lạp thuộc quyền sở hữu của Chính phủ. Năm 2010, Chính phủ bán một nửa cảng với giá 500 triệu euro cho Cosco, một công ty vận tải biển của Trung Quốc, và giữ phần còn lại. Một phép so sánh giữa bên do Trung Quốc kiểm soát và bên do Hy Lạp kiểm soát trong năm 2012 đã cho thấy sự đối lập rõ rệt:
Bên phần cảng của Cosco, lưu lượng hàng hóa đã tăng hơn hai lần sau một năm qua, lên 1,05 triệu container. Và mặc dù biên lợi nhuận vẫn rất nhỏ, chủ yếu vì công ty Trung Quốc đang tốn nhiều tiền để cải tạo và nâng cấp cảng. Bên phần cảng do Hy Lạp điều hành đã mệt mỏi với hàng loạt vụ đình công trong ba năm trước khi Cosco xuất hiện. Trên phần cảng của Hy Lạp, công đoàn quy định phải có chín người phụ trách một giàn cẩu, trong khi bên Cosco chỉ cần bốn người.
Phép so sánh này minh họa hoàn hảo cho thực tế là về bản chất, ở người lao động Hy Lạp hay cơ sở hạ tầng của Hy Lạp không có gì là không cạnh tranh được. Hy Lạp chỉ cần linh hoạt hơn về nguyên tắc làm việc, cắt giảm chi phí đơn vị lao động và tìm được nguồn vốn mới. Vốn từ Trung Quốc là một phần hiển nhiên của giải pháp, và các nhà đầu tư Trung Quốc như Cosco sẵn sàng rót vốn khi Hy Lạp đảm bảo một môi trường kinh doanh hiệu quả.
Sự phát triển ở Tây Ban Nha cũng đáng khích lệ không kém. Chi phí đơn vị lao động của nước này đã giảm hơn 7% so với Đức, và các nhà kinh tế học kỳ vọng con số này còn giảm nữa. Tháng 2 năm 2012, Thủ tướng Tây Ban Nha, ông Mariano Rajoy, ban hành những điều luật để cải thiện độ linh hoạt của lao động bằng cách cho phép người sử dụng lao động cắt giảm biên chế nếu tình hình kinh doanh khó khăn, giảm tiền trợ cấp mất việc, và thương lượng lại những hợp đồng bắt đầu có hiệu lực trong suốt giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản trước năm 2008. Kết quả là năng lực cạnh tranh của Tây Ban Nha tăng mạnh trong khu vực sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp xe hơi.
Tác động tích cực xảy ra tức thì. Renault thông báo kế hoạch đẩy mạnh sản xuất ở thành phố Palencia, miền Bắc Tây Ban Nha. Công ty Ford Motor và Peugeot cũng thông báo sản lượng đã tăng ở các nhà máy của họ tại Tây Ban Nha. Tháng 10 năm 2012, Volkswagen thông báo một khoản đầu tư trị giá 800 triệu euro vào nhà máy của họ gần Barcelona. Tất cả những kế hoạch đầu tư và mở rộng sản xuất này sẽ tạo nên những hiệu ứng lan tỏa tích cực, vì những nhà sản xuất lớn kể trên liên kết chặt chẽ với một mạng lưới nhiều nhà cung ứng phụ tùng và nhà thầu phụ trên khắp Tây Ban Nha.
Tiền lương thấp hơn dẫn đến số lao động có việc làm và sản lượng đầu ra tăng lên ở Tây Ban Nha là sự phủ nhận hùng hồn đối với lý thuyết tiền lương cứng nhắc của Keynes và Krugman, và nó đang diễn ra trên diện rộng, từ Hy Lạp tới Ireland. Mặc dù sự điều chỉnh này rất khó khăn và đau đớn, nhưng những thay đổi mà nó tạo ra lại bền vững, và giúp châu Âu định vị mình như một khu vực sản xuất có khả năng cạnh tranh toàn cầu và là thỏi nam châm thu hút dòng vốn.
James Rickards/Bách Việt Books & NXB Dân Trí