Chuyên gia về Việt Nam tại Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc Kiều Quân. Ảnh: TTXVN phát
Theo chuyên gia Kiều Quân, ngày 18/1/1950, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trung Quốc cũng trở thành quốc gia đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, mở ra trang mới cho tình hữu nghị truyền thống giữa người dân và quan hệ hợp tác song phương. Trong 75 năm qua, quan hệ hữu nghị là dòng chính trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, các nhà lãnh đạo tiền bối của hai nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông..., đã xây dựng và dày công vun đắp tình hữu nghị này. Cuối thế kỷ trước và đầu thế kỷ này, hai nước đã xác định phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt là “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”. Năm 2008, sau khi hai bên nhất trí thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hợp tác trong các lĩnh vực đã thu được tiến triển tích cực và toàn diện.
Bước vào thời đại mới, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu. Năm 2023, nhằm kế thừa và tôn vinh tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em”, tiếp tục đi sâu và nâng cấp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, các nhà lãnh đạo hai nước đã xác định phương hướng “6 hơn” của quan hệ song phương trong tình hình mới, gồm tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn. Các nhà lãnh đạo hai nước đã nhất trí xây dựng Cộng đồng Chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho việc mở ra giai đoạn mới tốt đẹp hơn nữa trong quan hệ song phương.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trải qua lịch sử 75 năm đầy thử thách, trở nên ngày càng thắm thiết và sâu đậm, không ngừng được củng cố và bước lên tầm cao mới. Đặc biệt trong những năm gần đây, cho dù tình hình quốc tế biến đổi khôn lường, quan hệ hai nước trước sau như một tiến lên phía trước theo chiều hướng đúng đắn, không ngừng đạt được thành quả mới. Điều này có được chủ yếu nhờ tầm nhìn chiến lược và sự dẫn dắt sáng suốt của các nhà lãnh đạo tối cao của hai Đảng, hai nước.
Nhà báo Kiều Quân cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam và Trung Quốc có chế độ xã hội tương đồng, lý tưởng và quan niệm tương thông. Trong những năm qua, nhà lãnh đạo cấp cao nhất hai Đảng hai nước đã thực hiện nhiều chuyến thăm lẫn nhau. Đây là ưu thế lớn nhất và sự bảo đảm chính trị quan trọng nhất trong việc phát triển quan hệ Việt Nam và Trung Quốc. Không những thể hiện đầy đủ trình độ cao và đặc biệt của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, mà còn có lợi cho hai bên giao lưu và học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm quản lý Đảng và nhà nước, tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ song phương không ngừng mở rộng và đi vào chiều sâu trong thời đại mới.
Trong phát triển quan hệ hợp tác, giao lưu Đảng cũng phát huy ưu thế và vai trò đặc biệt. Tháng 2/2025, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng. Kể từ mốc son đó cách đây 95 năm, giao lưu hữu nghị giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cũng trải qua lịch sử 95 năm, hai Đảng tương trợ lẫn nhau và cùng phấn đấu trong quá trình giành độc lập, giải phóng dân tộc của mỗi bên, tham khảo và học hỏi lẫn nhau trong sự nghiệp cải cách mở cửa và đổi mới của mỗi bên. Đầu thế kỷ XXI đến nay, đặc biệt là từ năm 2012, giao lưu Đảng luôn là hòn đá tảng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, phát huy vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước đi vững đi xa.
Ông Kiều Quân khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc núi sông liền một dải, văn hóa gần nhau, giao lưu đi lại và hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước cũng không ngừng được tăng cường. Hiện nay, người dân hai nước qua lại mật thiết, hoạt động giao lưu nhân dân trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, nghệ thuật... phong phú đa dạng; các hoạt động như Diễn đàn Nhân dân Việt Nam - Trung Quốc, Liên hoan Thanh niên Việt - Trung..., đã phát huy vai trò tích cực trong việc thúc đẩy lòng dân tương thông. Bên cạnh đó, “Tứ đại danh tác” của Trung Quốc lưu truyền rộng rãi tại Việt Nam, nhiều phim truyền hình Trung Quốc được phát trên sóng tại Việt Nam. Hàng chục nghìn lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại Trung Quốc, số lưu học sinh Trung Quốc đến Việt Nam học tập cũng tăng ổn định. Những hoạt động giao lưu này không những tăng thêm sự hiểu biết giữa người dân hai nước, mà còn tạo nền tảng ý dân rộng rãi và vững chắc cho hợp tác trong các lĩnh vực.
Chuyên gia Kiều Quân dẫn số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, năm 2024, số du khách nội địa Trung Quốc đến Việt Nam du lịch đạt 3,7 triệu lượt người, tăng 214,4% so với năm 2023. Chuyên gia bày tỏ tin tưởng rằng trong tương lai, số du khách Trung Quốc đến Việt Nam vẫn sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Bên cạnh đó, cùng với hợp tác du lịch xuyên biên giới Việt - Trung phát triển nhanh chóng, số du khách Việt Nam đến Trung Quốc du lịch cũng tăng rõ rệt. Hợp tác du lịch xuyên biên giới có tương lai sáng.
Hiện nay, hợp tác song phương trong các dự án như tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn gồm Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hà Nội,... đang được thúc đẩy vững chắc. Đây chỉ là một phần của kết nối hợp tác trọng điểm trong chương trình đẩy nhanh kết nối cơ sở hạ tầng giao thông đặc biệt là đường sắt và đường bộ cũng như kết nối Sáng kiến “Vành đai và Con đường” và “Hai hành lang, một vành đai” giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Dự kiến trong thời gian tới, hợp tác thiết thực trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông chắc chắn sẽ thu được thành quả lớn hơn.
Theo nhà báo Kiều Quân, hợp tác kinh tế - thương mại luôn là điểm sáng nổi bật của hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, cũng là nguồn động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước tiến lên phía trước. Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là nước đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên toàn cầu, kim ngạch thương mại hai chiều trong nhiều năm liền cũng vượt mốc 200 tỷ USD. Cùng với đó, chiến lược kết nối giữa hai nước không ngừng phát triển và tăng cường, ưu thế bổ trợ lẫn nhau giữa hai nước không ngừng được củng cố, hợp tác - kinh tế thương mại Trung – Việt vẫn có không gian rộng mở hơn. Ngoài ra, tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực hư điện lực, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, kinh tế số, thương mại điện tử, phát triển xanh..., cũng cần tiếp tục khai thác.
Chuyên gia Kiều Quân cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Việt Nam là Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược. Hiện nay, hai nước đều đang hướng tới mục tiêu phát triển hiện đại hóa đất nước, vì vậy cũng mang lại cơ hội lịch sử mới cho hợp tác song phương. Hai nước cần nhân cơ hội kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và “Năm Giao lưu Nhân văn Việt - Trung” tiếp tục nâng cấp và nâng cao chất lượng hợp tác thiết thực trong các lĩnh vực, mang lại nhiều lợi ích hơn cho hai nước và người dân hai nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Công Tuyên - Quang Hưng (TTXVN)