Tương lai khó đoán định của đồng euro

Tương lai khó đoán định của đồng euro
9 giờ trướcBài gốc
Đồng tiền giấy mệnh giá 100 euro (trái) và 100 USD tại Paris (Pháp). Ảnh: AFP/TTXVN
Những yếu tố từ chính sách thương mại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, sự phân hóa chính sách tiền tệ giữa Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cùng tình hình bất ổn địa chính trị đã đưa đồng euro tiến gần hơn đến mức ngang giá với đồng USD.
*Diễn biến đáng chú ý
Trong phiên giao dịch 10/1, đồng euro đã giảm xuống mức 1,03 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022. Đây là dấu hiệu cho thấy đồng tiền này đang tiến sát ngưỡng ngang giá với đồng USD - một cột mốc mang ý nghĩa tâm lý lớn đối với thị trường tài chính.
Hồi mùa Hè năm 2022, đồng euro từng trượt xuống thấp hơn đồng USD, chạm mức 0,95 USD/euro. Khi đó, cú sốc từ việc Fed tăng lãi suất mạnh, phản ứng chậm trễ của ECB, và cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã gây áp lực lớn lên đồng tiền chung này.
Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, sự phục hồi của đồng USD sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2024 lại một lần nữa làm gia tăng áp lực lên đồng euro. Báo cáo việc làm tháng 12/2024 của Mỹ lạc quan và triển vọng Fed duy trì lãi suất cao đang khiến USD ngày càng mạnh hơn.
*Những yếu tố gây áp lực lên đồng euro
Chính sách thương mại của Mỹ: Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết áp dụng các chính sách bảo hộ thương mại, bao gồm việc tăng thuế nhập khẩu lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và 10-20% với hàng hóa từ châu Âu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của EU, như ô tô và dược phẩm, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, khiến sức cạnh tranh của hàng hóa châu Âu tại Mỹ giảm mạnh.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu ngoài khối, với giá trị xuất khẩu đạt 502,3 tỷ euro vào năm 2023. Việc tăng thuế có thể làm giảm nhu cầu đối với đồng euro, tạo áp lực giảm giá bền vững.
Sự phân hóa chính sách tiền tệ giữa Fed và ECB: Fed dự kiến duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài để kiểm soát lạm phát tại Mỹ, trong khi ECB có khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm đối phó với tăng trưởng kinh tế yếu tại châu Âu.
Sự khác biệt này làm tăng sức hấp dẫn của đồng USD đối với nhà đầu tư toàn cầu, đẩy dòng vốn ra khỏi các tài sản định giá bằng euro. Theo ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, trong kịch bản tiêu cực nhất, đồng euro có thể giảm tới 10% so với đồng USD nếu chính sách thương mại và tiền tệ của Mỹ được thực hiện đầy đủ.
Tình hình địa chính trị và năng lượng: Những căng thẳng địa chính trị, bao gồm yêu cầu tăng chi tiêu quốc phòng của các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và sự không chắc chắn về cam kết của Mỹ đối với Ukraine (U-crai-na), đã làm gia tăng bất ổn tại châu Âu.
Bên cạnh đó, giá khí đốt tại châu Âu vẫn cao, và EU vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ từ Mỹ. Những yếu tố này tiếp tục tạo áp lực lên đồng euro, khiến khả năng phục hồi trở nên khó khăn hơn.
Các đồng tiền giấy euro. Ảnh: IRNA/TTXVN
*Triển vọng trong năm 2025
Với bối cảnh hiện tại, khả năng đồng euro chạm mức ngang giá với USD ngay trong nửa đầu năm 2025 là hiện hữu. Triển vọng này sẽ phụ thuộc vào mức độ thực thi chính sách của Mỹ và khả năng ứng phó của châu Âu.
Hầu hết các ngân hàng đầu tư đều dự đoán chính sách của ông Trump sẽ gia tăng sức ép giảm giá lên đồng euro. Danske Bank kỳ vọng đồng USD sẽ ngang giá với đồng euro trong 12 tháng tới, trong khi ngân hàng Wells Fargo dự báo tỷ giá giữa hai đồng tiền sẽ ở mức 1 euro đổi 0,98 USD vào cuối năm 2025. Mặc dù ngân hàng UBS vẫn kỳ vọng đồng euro sẽ phục hồi lên mức 1,1 USD/euro vào cuối năm 2025, ngân hàng này cũng đã phải điều chỉnh dự báo của mình theo hướng giảm.
Minh Trang (Theo euronews, theroanokestar.com)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/tuong-lai-kho-doan-dinh-cua-dong-euro/360038.html