Tương lai nào chờ đón ngành Dầu mỏ?

Tương lai nào chờ đón ngành Dầu mỏ?
14 giờ trướcBài gốc
Những biến động mạnh mẽ
Dầu mỏ sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong các lộ trình năng lượng của tương lai
Bên cạnh cuộc xung đột Nga - Ukraine thì căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông, đặc biệt là nguy cơ tấn công vào các cơ sở dầu khí của Iran lần lượt là những yếu tố khiến giá dầu chạm các mức cao mới trong năm 2024.
Có thể thấy, các cuộc xung đột tại Trung Đông như một gã khổng lồ “phủ bóng” thị trường dầu mỏ toàn cầu. Nguy cơ Israel tấn công vào các cơ sở dầu khí của Iran - một trong những nhà khai thác dầu lớn trên thế giới cũng làm dấy lên những lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung. Điều này từng khiến giá chuẩn dầu thô Brent vượt mốc 80 USD/thùng.
Ngoài ra, sự suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu từ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng kéo theo mức tiêu thụ năng lượng nói chung sụt giảm đáng kể, đặc biệt là dầu mỏ. Chưa kể, không ít quốc gia trên thế giới đang nỗ lực phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời và gió nhằm thay thế dầu mỏ.
Trong một diễn biến khác, không ít yếu tố đang kìm hãm đà tăng của giá dầu, tạo ra những xung đột nhất định giữa nguồn cung và cầu.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác (OPEC+) không ngừng nỗ lực điều tiết, ổn định thị trường và đối phó với những biến động giá cả. Bên cạnh đó, chính sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà khai thác dầu cùng với sự gia tăng nguồn cung năng lượng tái tạo như chiếc dây cương “ghìm chân” thị trường dầu mỏ toàn cầu trước nguy cơ tăng phi mã.
Như vậy trên thực tế, một mặt, căng thẳng địa chính trị đẩy giá dầu tăng cao, nhưng mặt khác, các yếu tố nói trên lại kìm hãm đà tăng này, dẫn đến thế cân bằng mong manh trên thị trường dầu mỏ, khiến giá dầu trải qua những biến động mạnh chỉ trong thời gian ngắn.
Các nhà phân tích cho rằng, trong tương lai, giá dầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố phức tạp, đòi hỏi các quốc gia và doanh nghiệp phải có những chiến lược thích ứng linh hoạt.
Muôn vàn thách thức
Giá dầu biến động và giảm nhanh là điều đáng lo ngại của bất cứ nhà máy lọc dầu nào trên thế giới, bởi nếu điều này trở thành sự thật, nó sẽ “thổi bay” toàn bộ lợi nhuận tích lũy trước đó.
Biên lợi nhuận lọc dầu trên khắp châu Á báo giảm và chạm mốc mức thấp nhất kể từ năm 2020. Điều này có thể dẫn đến nhiều hạn chế hơn về công suất hoạt động tại các nhà máy lọc dầu châu Á, bao gồm Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, do nguồn cung nhiên liệu đang tăng lên sau khi nhu cầu đạt đỉnh vào mùa hè, tỷ suất lợi nhuận hiện đang ở mức thấp nhất trong 4 năm.
Tại Trung Quốc, nhu cầu yếu trong năm 2024 cũng làm giảm đáng kể sản lượng lọc dầu. Sinopec - nhà máy lọc dầu lớn nhất châu Á xác nhận mối lo ngại của thị trường về nhu cầu nhiên liệu yếu ở Trung Quốc. Nhà phân tích Emma Li của Vortexa dự kiến sản lượng lọc dầu của Trung Quốc sẽ giữ ở mức 14,7 triệu thùng/ ngày trong 3 tháng đầu năm 2025.
Những dự báo trái chiều
Thị trường dầu mỏ thế giới đã trải qua năm 2024 với nhiều biến động về giá cả và nguồn cung
Trong một dự báo đưa ra hồi tháng 8-2024, ông lớn dầu khí Mỹ ExxonMobil cho rằng, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu khó có khả năng suy giảm vào năm 2050, khi dân số và nhu cầu năng lượng trên toàn thế giới đang trên đà tăng.
Một báo cáo khác được công bố mới đây của Exxon nhận định, nhu cầu dầu sẽ ổn định sau năm 2030, duy trì ở mức trên 100 triệu thùng/ ngày cho đến năm 2050. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), con số này tương đương nhu cầu dầu toàn cầu năm ngoái ở mức 102,2 triệu thùng/ngày.
Thế nhưng, dự báo trên lại cao hơn đáng kể so với những tính toán của ông lớn dầu khí Anh BP, khi cho rằng nhu cầu dầu sẽ giảm xuống còn khoảng 75 triệu thùng/ngày vào năm 2050.
Exxon ước tính hiện có khoảng 4 tỉ người trên thế giới không được tiếp cận đủ nguồn năng lượng cần thiết. Với dự báo dân số toàn cầu sẽ ở mức gần 10 tỉ vào năm 2050, việc đáp ứng nhu cầu năng lượng cơ bản sẽ dẫn đến mức tăng dự kiến 15% trong tổng mức sử dụng năng lượng toàn cầu.
Mặc dù ghi nhận những tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng, Exxon nhấn mạnh. Tới năm 2050, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên dự kiến vẫn chiếm hơn một nửa nguồn năng lượng toàn cầu, ngay cả khi sự gia tăng của xe điện làm giảm nhu cầu xăng tại các trạm bơm.
Exxon cho biết phần lớn dầu mỏ trên thế giới hiện đang và sẽ tiếp tục được sử dụng cho các quy trình công nghiệp, chẳng hạn như sản xuất hóa chất, cũng như cho các hoạt động vận tải hạng nặng như vận chuyển bằng tàu biển… Mặc dù vậy, công ty Mỹ vẫn kỳ vọng lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ giảm khoảng 25% vào giữa thế kỷ, nhờ việc cải thiện hiệu quả năng lượng, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng các công nghệ mới trong việc giảm phát thải, chẳng hạn như thu giữ và lưu trữ carbon.
Tổng thư ký OPEC Haitham Al-Ghais khẳng định rằng, dầu mỏ sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong các lộ trình năng lượng trong tương lai, vì các sản phẩm dầu mỏ rất cần thiết cho hoạt động của nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo ông Al-Ghais, các quốc gia thành viên OPEC đều có những kế hoạch điện khí hóa quốc gia rõ ràng, coi đây là yếu tố quan trọng giúp giảm phát thải. Các nguồn năng lượng được cho là cần thiết để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong tương lai, giảm phát thải cũng như giải quyết tình trạng thiếu năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng.
Các bình luận trên của ông Al-Ghais được đưa ra sau khi IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tiếp tục giảm do xe điện ngày càng phổ biến.
Tổng thư ký OPEC nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng dầu mỏ sẽ tiếp tục là thành phần quan trọng của các lộ trình năng lượng trong tương lai. Điều này được chứng minh thực tế rằng các sản phẩm dầu mỏ rất cần thiết cho hoạt động của các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như lĩnh vực điện”.
Minh Quân
Nguồn PetroTimes : https://petrotimes.vn/tuong-lai-nao-cho-don-nganh-dau-mo-723291.html