Tuy nhiên, việc thiết lập một nền tảng chính trị bền vững để đưa Syria về quỹ đạo phát triển ổn định dài lâu vẫn có nhiều kịch bản rủi ro, khó đoán định, là bài toán chưa có lời giải.
Cơ sở hạ tầng của Syria bị phá hủy nặng nề. Ảnh: Le Monde
Dưới sự dẫn dắt của Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - một tổ chức đã tách ra từ al-Qaeda để theo đuổi đường lối ôn hòa hơn, nhóm các tổ chức chống chính phủ tại Syria đã giành được chính quyền chỉ sau 11 ngày tiến công, chấm dứt chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Sự kiện này đã làm đảo lộn tình hình địa chính trị không chỉ ở Syria, mà còn ở cả khu vực Trung Đông, vốn luôn chia rẽ. Những biến động mới cũng đặt ra câu hỏi, tương lai của Syria sẽ đi về đâu?
Các nhà phân tích quốc tế dự báo 3 kịch bản chính có thể xảy ra với Syria. Thứ nhất, nếu có sự thỏa hiệp giữa các phe phái và sự ủng hộ của quốc tế, nước này có thể dần đi vào ổn định dưới sự lãnh đạo của một chính phủ liên hiệp rộng rãi. Thứ hai là tiếp tục bị chia thành các vùng ảnh hưởng riêng biệt, với người Kurd kiểm soát phía Bắc, HTS ở khu vực trung tâm, và các nhóm khác nhau ở những khu vực còn lại. Thứ ba là khả năng rơi vào một cuộc nội chiến mới giữa các phe phái, có thể kéo theo sự can thiệp trực tiếp của các thế lực bên ngoài.
Trong bất cứ kịch bản nào, khó phủ nhận thực tế đầy rẫy khó khăn trong việc đưa Syria vào quỹ đạo ổn định. Theo giới quan sát, HTS, với tư cách là lực lượng dân quân hùng mạnh nhất Syria, có tham vọng lớn trong việc thống nhất lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, điều này khó xảy ra trong một sớm một chiều, bởi trên đất nước Syria còn quá nhiều tổ chức vũ trang hoạt động. Ngoài Lực lượng Quân đội quốc gia Syria (SNA), tại đây còn có Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào. Mỗi lực lượng đều cát cứ và muốn mở rộng địa bàn, khiến giao tranh liên tục nổ ra.
Syria cũng hứng chịu bất ổn từ việc lãnh thổ nước này có sự can dự sâu rộng của các thế lực nước ngoài. Gần đây, SDF được Mỹ hậu thuẫn thường xuyên giao tranh với các tổ chức do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Israel cũng thường xuyên tấn công và xâm nhập vùng đệm do Liên hợp quốc quản lý tại Cao nguyên Golan - động thái mà Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mô tả là vi phạm hiệp định đình chiến năm 1974.
Một trong những khó khăn lớn của Syria là vấn đề nguồn lực. Đến nay, khoảng 60% cơ sở hạ tầng tại quốc gia này đã bị phá hủy, đặt ra thách thức tái thiết chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, cần ít nhất 400 tỷ USD để xây dựng lại cơ sở hạ tầng cơ bản của Syria. Dù một số quốc gia bày tỏ sự quan tâm tới tiến trình tái thiết Syria, nhưng sự phức tạp của tình hình chính trị, các lệnh trừng phạt quốc tế, cũng như sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn… đang cản trở dòng vốn đầu tư.
Trong bối cảnh đối mặt với nhiều bất ổn, điều dễ hiểu là dấy lên lo ngại về khả năng Syria đi theo lối mòn của Libya. Sau khi nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi bị lật đổ, Libya đã trở lại thời nội chiến đẫm máu với nhiều chính phủ cạnh tranh nhau và đều tuyên bố tính hợp pháp của mình.
Sau hơn một thập niên xung đột đẫm máu khiến hơn 500.000 người chết và gần 7 triệu người phải rời bỏ đất nước, Syria đang đứng trước một chương mới với những lựa chọn không dễ dàng. Tuy vậy, như giới phân tích đã chỉ ra, lựa chọn phù hợp nhất đối với bộ máy điều hành tại Syria vẫn sẽ là theo đuổi chính sách hòa hợp, thực sự đặt lợi ích của người dân và sự ổn định khu vực lên trên tham vọng chính trị, từng bước chèo lái đất nước ra khỏi bạo lực, trở lại quỹ đạo phát triển.
Hoàng Linh