Tương lai thị trường tài chính Mỹ: Lợi ích đi kèm rủi ro

Tương lai thị trường tài chính Mỹ: Lợi ích đi kèm rủi ro
5 giờ trướcBài gốc
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters).
Theo bài viết của tác giả Jeff Sommer đăng tải trên tờ The New York Times, thị trường tài chính không ưa những gì không chắc chắn.
Câu nói khôn ngoan đó của Phố Wall giúp giải thích sự thăng trầm của thị trường tài chính Mỹ kể từ chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 và thậm chí còn sớm hơn nữa.
Cổ phiếu và lợi suất trái phiếu bắt đầu tăng từ đầu tháng 10/2024, khi Phố Wall tin rằng ứng cử viên đảng Cộng hòa sẽ thắng cử. Đà tăng của thị trường đã tăng tốc sau khi ông Trump thực sự giành chiến thắng.
Tuy nhiên, đối với các thị trường, sự không chắc chắn vẫn chưa biến mất. Nó chỉ đang đến từ một hướng khác. Do cách tiếp cận chính trị và kinh tế của Tổng thống đắc cử Trump rất gây xáo trộn và phi truyền thống, thị trường đang cố gắng hấp thụ những ý nghĩa của quá trình chuyển giao quyền lực ở Washington, chuyển đổi thất thường giữa sự phấn khích, bối rối và thỉnh thoảng là những đợt lo lắng cao độ.
Chiến thắng của ông Trump là động lực của thị trường
Một số khía cạnh trong cương lĩnh điều hành của ông Trump là “liều thuốc an thần” cho thị trường. Ông hứa hẹn giảm thuế doanh nghiệp và cắt giảm các quy định: Những đảm bảo này đang được diễn giải rộng rãi như một công thức cho lợi nhuận công ty “béo bở” và một thị trường chứng khoán thịnh vượng.
Tổng thống đắc cử Mỹ cũng được kỳ vọng sẽ gia hạn các khoản cắt giảm thuế mà ông đã ký thành luật vào năm 2017 và sẽ hết hạn vào cuối năm 2025. Trong ngắn hạn, những biện pháp này sẽ giúp kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nhưng không phải tất cả chính sách tiềm năng của ông Trump đều tích cực cho tăng trưởng. Ông Trump tự nhận mình là “người ủng hộ thuế quan”, kêu gọi tăng mạnh thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nâng thuế quan đối với tất cả các quốc gia khác ở mức độ thấp hơn.
Ông cũng hứa hẹn giảm mạnh nhập cư và thực hiện một chiến dịch trục xuất lớn - một thảm họa cho hàng nghìn gia đình, đồng thời làm giảm nguồn cung lao động ở Mỹ. Học thuyết kinh tế học cơ bản cho chúng ta biết rằng việc tăng thuế quan và giảm lực lượng lao động có thể làm chậm nền kinh tế và thúc đẩy lạm phát.
Một số công ty có thể được hưởng lợi từ các chính sách cụ thể này. Cổ phiếu của các công ty nhà tù tư nhân như Geo và CoreCivic, có thể xây dựng và vận hành các trung tâm giam giữ tạm thời, đã tăng trong khi cổ phiếu của những công ty trong nước nhỏ hơn, với ít doanh thu quốc tế, tăng vọt sau cuộc bầu cử.
Ngoài ra, cổ phiếu của các công ty cung cấp dịch vụ cho nha sĩ cũng tăng giá nhờ tác động của chính sách y tế có thể được ban hành.
Nhưng chỉ số chứng khoán S&P 500 đã mất đà tăng điểm kể từ sau đợt phấn khích ban đầu của thông tin một chính phủ mới sắp được thành lập, ngược lại lợi suất trái phiếu liên tục tăng.
Xử lý các tín hiệu chính sách khác nhau từ chính quyền mới và kết hợp chúng vào quan điểm rộng hơn về lợi nhuận và lãi suất là không đơn giản. Không có gì ngạc nhiên khi thị trường tài chính đang vật lộn để hiểu tất cả những điều này.
Luôn có sự không chắc chắn với một chính quyền mới do Tổng thống đắc cử Trump điều hành. Nhưng như ông Lee Ferridge, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô cho khu vực Bắc Mỹ của tập đoàn dịch vụ tài chính khổng lồ State Street, đã nói trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Trump, với lời kêu gọi về áp đặt thuế quan và trục xuất, là một điều gì đó khác biệt.
Ông nói: “Tôi nghĩ vấn đề là các chính sách này mạnh mẽ hơn nhiều so với bất kỳ chính sách nào khác mà chúng ta đã nói đến trong lịch sử.
Chúng ta có thể gọi chính sách này là mạnh mẽ, cực đoan, hay phi truyền thống tùy theo quan điểm riêng của mỗi người, song thực tế là nước Mỹ đang hướng tới một phiên bản mới dưới thời Tổng thống đắc cử Trump".
Nguy cơ thâm hụt ngân sách gia tăng
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích, nhiều rủi ro cũng đang chờ đợi nền kinh tế và thị trường Mỹ. Một trong số đó cần phải nhắc đến là vấn đề thâm hụt ngân sách ngày càng tăng.
Các chương trình chính sách đối nội khác nhau của Tổng thống đắc cử Donald Trump có khả năng làm tăng thâm hụt ngân sách liên bang vốn đã ở ngưỡng cao thứ ba trong lịch sử. Đây là yếu tố đe dọa gây lạm phát và làm xáo trộn thị trường trái phiếu. Nó là một vấn đề lớn, rất phức tạp.
Đầu tiên, theo các nhà phân tích phi đảng phái, thuế quan sẽ tăng thu ngân sách, nhưng không đủ để bù đắp cho việc giảm doanh thu từ những khoản cắt giảm thuế mà Tổng thống đắc cử Donald Trump ủng hộ.
So với quy mô của nền kinh tế Mỹ, thâm hụt ngân sách năm nay đánh dấu mức thâm hụt cao thứ ba trong lịch sử “Xứ cờ hoa”: hơn 6% và đang tiếp tục gia tăng. Tổng nợ công của Mỹ là 123% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một con số cực kỳ lớn. Và các chính sách tài khóa của ông Trump có vẻ sẽ làm tăng những con số này.
Chắc chắn có khả năng sẽ có thêm các đề xuất cắt giảm chi tiêu chính phủ lớn từ Ban Hiệu quả Chính phủ mới được thành lập không chính thức của ông Trump - một cơ quan tư vấn do tỷ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, và ông Vivek Ramaswamy, cựu giám đốc điều hành trong ngành dược phẩm từng tranh cử vị trí ứng cử tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa, đứng đầu.
Tuy nhiên, khi nào mà các chương trình chi tiêu quân sự, bảo hiểm y tế cho người già và người khuyết tật (Medicare) và An sinh Xã hội vẫn được coi là bất khả xâm phạm, như ông Trump hứa hẹn, các khuyến nghị của ủy ban này sẽ không đủ để đảo ngược thâm hụt ngân sách ngày càng tăng. Thậm chí chúng có thể gây xáo trộn các lĩnh vực chính của chính phủ và nền kinh tế, nếu được ban hành.
Không có bất kỳ ngành công nghiệp và doanh nghiệp nào muốn bị chính phủ quản lý quá mức, nhưng sự an toàn của thực phẩm, thuốc men, nước, đi lại bằng máy bay, đầu tư, tiết kiệm, tham gia giao thông và vô số hoạt động khác đã phụ thuộc vào một lượng đáng kể những quy định của chính phủ trong nhiều thập kỷ.
Khi công việc của ủy ban này bắt đầu, rất nhiều người tham gia thị trường tài chính sẽ đặt cược vào cổ phiếu, trái phiếu hoặc quyền chọn dựa trên những suy nghĩ mới nhất của tỷ phú Musk hoặc ông Ramaswamy. Thị trường sẽ biến động mạnh mẽ.
Nhìn chung, thâm hụt ngân sách có khả năng sẽ tăng. Triển vọng này giúp giải thích cho sự tăng mạnh lợi suất trái phiếu kể từ tháng 9/2024 - khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất. Các quan chức Fed đã ám chỉ rằng họ không “vội vàng” cắt giảm lãi suất thêm và các chính sách của ông Trump có thể dễ dàng khiến lãi suất dài hạn tiếp tục tăng.
Nhà giao dịch trên sàn chứng khoán New York. (Ảnh: Bloomberg).
Người tiêu dùng và nhà đầu tư
Điều đó sẽ không tốt cho người tiêu dùng. Lãi suất thế chấp, hiện đang ở mức khoảng 7% cho các khoản vay 30 năm, sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Vào tháng 9/2024, Fed dự báo lãi suất quỹ liên bang sẽ giảm xuống 3,4% vào cuối năm 2025, nhưng việc đạt được mục tiêu đó đã trở nên khó khăn hơn.
Với kỳ vọng lãi suất Mỹ sẽ không giảm nhiều hơn nữa, đồng USD đã mạnh lên - mặc dù ông Trump nói rằng ông ủng hộ một đồng USD yếu hơn.
Nếu ông thực thi đúng tuyên bố về thuế quan, các quốc gia bị ảnh hưởng bởi việc nâng thuế sẽ có động lực làm suy yếu đồng tiền của họ hơn nữa, để làm cho sản phẩm quốc gia cạnh tranh hơn.
Đồng USD mạnh hơn giúp ích cho người Mỹ khi đi du lịch nước ngoài, nhưng nó gây tổn hại cho người tiêu dùng trong nước và các tập đoàn lớn có hoạt động quốc tế.
Đây chỉ là một vài ví dụ về một vấn đề phân tích phức tạp: Chiến thắng của ông Trump có thể gắn liền với một thị trường chứng khoán tăng (xu hướng thị trường tăng diễn ra trong hầu hết các giai đoạn sau bầu cử khi có một tổng thống mới được xác lập), nhưng nó không phải là một tình huống “đôi bên cùng có lợi” cho thị trường.
Trên phạm vi rộng hơn của mỗi ngành kinh tế, sự thay đổi đang diễn ra. Cổ phiếu ngành y tế đang suy giảm. Nhưng cổ phiếu của Henry Schein, một công ty ở Long Island cung cấp hàng hóa và thiết bị cho nha sĩ, cũng như cổ phiếu của hai đối thủ cạnh tranh với công ty này, đã tăng mạnh trong những ngày gần đây.
Tại sao lại xảy ra điều đó? Một phần là vì ông Robert F. Kennedy Jr., người mà ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, muốn loại bỏ chất fluoride ra khỏi nước uống, một động thái có thể làm tổn hại cho sức khỏe cộng đồng, nhưng lại là tin tốt cho hoạt động kinh doanh của ngành nha khoa.
Đồng thời, tiền điện tử đang tăng vọt. Lý do có lẽ là vì ông Trump, ông Musk và các nhân vật có quyền lực mới khác đã nói rằng họ ủng hộ việc quản lý nhẹ nhàng hơn, nếu có, đối với tài sản kỹ thuật số. Những tuyên bố từ các cộng sự của Tổng thống đắc cử Trump sẽ ảnh hưởng đến thị trường.
Đối với hầu hết các nhà đầu tư, sự không chắc chắn gia tăng có một số ý nghĩa thiết yếu. Hãy bám sát những điều cơ bản về đầu tư và xác định một kế hoạch lâu dài. Các nhà đầu tư cổ phiếu dài hạn nên cố gắng duy trì ở lại thị trường, ngay cả khi thị trường trở nên khó khăn.
Các nhà đầu tư cần chuẩn bị bằng cách nắm giữ đủ những khoản đầu tư an toàn để có có thể đem lại lợi nhuận và vượt qua mọi biến động.
Nếu lãi suất tăng, giá trái phiếu sẽ giảm theo quy luật toán học của trái phiếu, vì vậy các quỹ trái phiếu có thể bị lỗ. Trái phiếu kho bạc Mỹ ngắn hạn, quỹ thị trường tiền tệ và trái phiếu có kỳ hạn ngắn hơn có thể là lựa chọn tốt hơn cho số tiền đầu tư có khả năng rút ra sớm.
May mắn cho các nhà đầu tư, ông Trump theo dõi sát sao thị trường chứng khoán và luôn muốn thị trường tăng điểm. Về khía cạnh này, ông Trump có thành tích tốt.
Ngoài sự hỗn loạn do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020, cách thức điều hành nền kinh tế của Chính phủ Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ lần đầu của ông Trump đã giúp thị trường phát triển tích cực.
Trong thời gian ông Trump lãnh đạo nước Mỹ, chỉ số S&P 500 đã mang lại lợi nhuận hơn 81%, bao gồm cả cổ tức. Chỉ số này cũng “phát đạt” dưới thời Tổng thống Joe Biden, với tổng lợi nhuận hơn 64%.
Dù chính quyền của ông Trump có đưa ra bất kỳ chính sách gì, một điều có thể chắc chắn rằng thị trường tài chính Mỹ đã hoạt động tốt dưới thời hầu hết các đời tổng thống, bất kể đảng phái nào hay chính sách có sự khác biệt gì.
Các công ty như Nvidia - công ty sản xuất chất bán dẫn (chip) tiên tiến dùng cho hệ điều hành trí tuệ nhân tạo (AI), đang có hiệu suất mạnh mẽ. Miễn là lợi nhuận doanh nghiệp tăng tốc, thị trường vẫn có thể duy trì được đà tăng trưởng.
Theo TTXVN
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/tuong-lai-thi-truong-tai-chinh-my-loi-ich-di-kem-rui-ro.html