Nga có thể cung cấp khí đốt cho châu Âu bằng nhiều tuyến đường. (Nguồn: ubn.news)
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình nhà nước Rossiya 24 ngày 25/12, ông Novak cho biết, tương lai của hoạt động vận chuyển khí đốt tùy thuộc vào sự đồng thuận giữa chính phủ Ukraine và Liên minh châu Âu (EU).
Ông nhấn mạnh: “Về phần mình, chúng tôi luôn khẳng định sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt không chỉ qua tuyến đường hiện có (tức tuyến đường đi qua Ukraine)".
Bất chấp áp lực chính trị, ông Novak khẳng định: "Khí đốt của Nga hấp dẫn hơn về giá và vận chuyển đối với những người mua trong khu vực".
Việc nguồn cung thông qua Kiev sắp kết thúc làm dấy lên những lo ngại đáng kể cho các quốc gia như Slovakia - vốn phụ thuộc nhiều vào Gazprom PJSC để đáp ứng nhu cầu trong nước, dù phần lớn châu Âu đã giảm dần sự phụ thuộc vào khí đốt được vận chuyển thông qua đường của Moscow.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng tuyên bố, nước này sẽ không cho phép khí đốt có nguồn gốc từ Nga quá cảnh.
Sự kiện này xảy ra trong bối cảnh thời tiết trên phần lớn châu Âu được dự báo sẽ lạnh hơn. Điều này có khả năng làm tăng nhu cầu sử dụng khí đốt, trong khi lượng dự trữ đang giảm nhanh hơn bình thường.
Thị trường thắt chặt khiến các nhà giao dịch gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ khí đốt cho năm 2025, khi họ phải cạnh tranh với châu Á để giành nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng đường biển.
Xứ bạch dương cung cấp khí đốt cho châu Âu qua nhiều tuyến khác nhau.
Ngoài tuyến đường qua Ukraine, nhiên liệu còn được vận chuyển qua một nhánh của đường ống TurkStream băng qua Biển Đen.
Mỗi tuyến hiện đang vận chuyển khoảng 15 tỷ mét khối/năm. Nguồn cung cũng được vận chuyển bằng tàu chở LNG.
Ông Novak cho biết, tổng lượng khí đốt của Nga xuất khẩu sang châu Âu trong giai đoạn từ tháng 1-11 năm nay đã vượt quá 50 tỷ mét khối.
Trước đó, vào tháng 9/2024, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Moscow cũng sẵn sàng khôi phục việc cung cấp khí đốt cho châu Âu qua tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) còn lại qua Biển Baltic.
(theo Bloomberg)
Việt An