Đại úy Jean Pouget sau này là thiếu tá, sĩ quan tùy tùng kiêm thư ký riêng của tướng Henri Navarre sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đã bỏ ra hàng chục năm sưu tầm tài liệu, gặp gỡ nhân chứng, hệ thống lại những hồi tưởng và hoàn thành cuốn sách “Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ”.
Jean Pouget đã tới Việt Nam từ năm 1946 với cấp bậc trung úy, được chứng kiến những trận đánh đầu tiên của cuộc chiến tranh Việt - Pháp. Sau khi trở về Pháp với cấp bậc đại úy, Jean Pouget lại được cử tới Việt Nam lần thứ 2 trong cùng một chuyến bay với tướng Navarre, được dự những cuộc họp quan trọng, được giữ các tài liệu tuyệt mật đến tháng 4/1954, Pouget nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, trực tiếp tham gia các trận đánh cuối cùng và cũng là những trận đánh ác liệt nhất trên đồi A1.
Những trang đầu tiên của cuốn sách đã hé mở trong chúng ta thấy bối cảnh khi Navarre sang đảm nhận nhiệm vụ cũng là thời điểm Pháp sa lầy chiến tranh hơn 6 năm. Pháp đang tìm giải pháp tháo gỡ trong danh dự. Về mặt binh pháp, người Pháp sẽ hạn chế giao tranh với Việt Minh ở đồng bằng và luôn tìm cách giành lại thế chủ động.
Một mệnh đề khác cũng buộc phải giải đó là: quân đội nhà nghề Pháp quá nặng nề, có thói quen ăn uống theo đồ hộp mang sẵn, đi giày vừa với bàn chân, hành quân phải dùng ô tô, tác chiến phải có hỏa lực yểm trợ. Còn về phía Việt Nam, quân đội họ đi chân đất, ăn hai bát cơm một bữa, thức ăn là măng rừng và tiến công về ban đêm.
Tướng Navarre đã giải bài toán hóc búa này bằng việc bảo vệ không gian chiếm lĩnh, chiến lược con nhím: tổ chức các cứ điểm phòng ngự thật kiên cố để tự bảo vệ. Chiến lược này có thể không mang lại chiến thắng song đảm bảo được sự tồn tại để chờ thời cơ. Do vậy người Pháp đã chọn vùng Tây Bắc một căn cứ dễ phòng ngự, dễ tiến công, từ đó có thể tung biệt kích đi khắp nơi. Lý tưởng nhất đó chính là thung lũng lòng chảo Điện Biên Phủ.
Cuối năm 1953, đầu năm 1954, điều mà Navarre cũng như nhiều tướng lĩnh Pháp khác quan tâm và đặt câu hỏi đó là: liệu Việt Minh có thể duy trì sức chiến đấu ở Điện Biên Phủ được bao lâu. Tướng Navarre là một điển hình của tướng lĩnh thuần túy nhất trong giới quân sự phương Tây. Navarre ưa dữ liệu, tự học và nghiên cứu rất nhiều về chiến tranh Việt Nam qua các giai đoạn. Có lẽ vì quen nghiên cứu trên dữ liệu, dựa trên tính toán thực tế, nên Navarre cũng như nhiều người Pháp luôn tin rằng họ có cơ may chiến thắng khi chiến đấu với Việt Minh trên chiến trường Tây Bắc.
Nhưng chính đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nói rằng: sự tính toán hợp lý vẫn chưa phải đã có giá trị. Chính Nhân dân mới là người tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần.
Cuộc chiến tại Điện Biên Phủ đã trở thành một lời giải thích kín đáo giữa hai phía Việt và Pháp. Với người lính Việt Minh, đó là những người không chịu khuất phục. Đối với phía Pháp, đó là những người lính thuộc mọi chủng tộc... sát cánh bên một địa điểm mà đôi lúc họ đã quên và chỉ còn là một sự tiêu biểu cho kỷ niệm của bổn phận đè nặng lên họ. Điện Biên Phủ đúng là đã trở thành “điểm hẹn của lịch sử” như cách nói của tướng Giáp, một nỗi ám ảnh với nhiều tướng Pháp thời bấy giờ.
Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc thời đại chủ nghĩa thực dân. Nếu ngày 14/7 đã trở thành ngày Quốc khánh Pháp thì ngày 7/5 cũng trở thành ngày phi thực dân hóa trên toàn thế giới. Đó cũng là nội dung mà Jean Pouget đăng trên trên báo Pháp ngày 7/5/1974.
Đúng là Jean Pouget không chỉ viết những gì tướng Navarre tuyên bố công khai, mà còn tiết lộ những điều tướng Navarre viết trong báo cáo mật và cả những lời bộc lộ riêng tư thầm kín. Do vậy, sách đã cung cấp với người đọc nhiều sự thật quý giá về Điện Biên Phủ.
Đã có rất nhiều cuốn sách, bài báo của các tướng lĩnh, chính khách, học giả và nhà báo nước ngoài viết về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Người ta vẫn không ngừng đặt ra câu hỏi vì sao một nước nhỏ, nghèo, lạc hậu về công nghệ, vừa tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, quân đội còn non trẻ lại có thể đánh thắng thực dân Pháp. Và tại sao Pháp lại thua?
Những thông tin sinh động, toàn diện, với tâm thế “người trong cuộc” của Jean Pouget thêm lần nữa cung cấp và khẳng định với toàn thế giới rằng: Xét đến cùng, quân đội viễn chinh Pháp đến từ một nơi xa xôi dẫu có trang bị vượt trội về binh lực và vũ khí, và dưới sự chỉ huy của nhiều viên tướng có tiếng tăm, thì họ vẫn bị đánh bại bởi một dân tộc cùng nhau ra trận, mang theo ý chí, khát vọng cháy bỏng về hòa bình, độc lập, tự do. Chính sức mạnh lòng dân đã giải rất nhiều bài toán khó như con người, hậu cần lương thực, khí tài, đạn dược. Cũng chính sức mạnh lòng dân cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, chỉ huy tài ba của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự anh dũng của bộ đội Việt Nam, sự hy sinh hết mình của lực lượng phục vụ kháng chiến... là những “ngòi nổ” hội tụ để “quả bộc phá” vang lên đúng thời điểm, làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.
Mạc Danh