Trong những câu chuyện em được biết, em rất ấn tượng và xúc động về câu chuyện của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một người con gái Hà Nội đầy nghị lực và giàu lòng yêu nước. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1966, nghe theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, chị đã xung phong vào miền Nam tham gia kháng chiến. Những năm tháng thanh xuân hào hùng ấy được chị ghi lại trong một cuốn nhật ký và giờ đây nó được xuất bản thành một cuốn sách rất nổi tiếng “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
Khi đọc cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, qua những trang viết em không chỉ mường tượng được công việc cứu chữa thương binh của chị Trâm, mà còn cảm nhận được biết bao tâm tư, tình cảm của chị cùng nỗi nhớ gia đình, bạn bè và tình yêu quê hương, đất nước.
Học sinh tham quan Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Ảnh: PV
Khi nghĩ đến bác sĩ Đặng Thùy Trâm, em thấy mình đã may mắn vì được sống trong hòa bình, được đến trường mỗi ngày và được ba mẹ yêu thương, chăm sóc. Có những lúc em cảm thấy áp lực vì học tập, mệt mỏi... nhưng rồi em nghĩ lại, những điều đó thật nhỏ bé so với những gì các anh hùng liệt sĩ hy sinh cho đất nước. Tri ân không chỉ dừng lại ở những việc thắp hương hay dọn dẹp nghĩa trang mà quan trọng hơn, đó là cách sống và trau dồi, học tập mỗi ngày.
Ngày 27/7 sắp tới, em sẽ cùng ba mẹ đến viếng nghĩa trang liệt sĩ ở gần nơi gia đình em đang sinh sống. Em muốn đứng trước những ngôi mộ, thắp nén nhang tưởng nhớ anh linh những người đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập cho đất nước. Em tự hứa với bản thân rằng phải cố gắng học tập thật tốt, sống tử tế và biết quan tâm chia sẻ với mọi người xung quanh. Đó là lời cảm ơn thiết thực nhất đối với những người đã hy sinh thân mình để giành lại sự độc lập, hòa bình cho chúng ta ngày hôm nay. Em mong rằng sau này khi lớn lên, bản thân em có thể trở thành người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp hơn.
LÊ HẠO NHIÊN - Lớp 8, Trường THCS Trần Phú