Sáng 1-4 (4-3-Ất Tỵ), tại tổ đình Kim Tiên (P.Trường An, TP.Huế) và chùa Phật Học (Quảng Trị), môn đồ pháp quyến đã trang nghiêm tổ chức Lễ tưởng niệm húy nhật Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực với sự tham dự của chư tôn giáo phẩm Tăng Ni cùng đông đảo Phật tử.
Chư tôn giáo phẩm dâng hương tưởng niệm
Tại tổ đình Kim Tiên, chư vị giáo phẩm trưởng thượng các tổ đình, sơn môn pháp phái tại cố đô Huế cũng như các tỉnh thành; chư vị giáo phẩm Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự, Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo VN tại Huế đã đến dâng hương, đảnh lễ tưởng niệm.
Chư tôn đức dâng hương tại Tổ đường, cử hành lễ cúng ngọ truyền thống tại chánh điện và thọ trai trong đạo tình hướng đến vị giáo phẩm từng có vai trò lớn và những đóng góp quan trọng cho Phật giáo VN thế kỷ 20, đặc biệt với vùng đất Thừa Thiên và Quảng Trị trong thời chiến tranh cũng như sau ngày đất nước thống nhất.
Khóa lễ cúng ngọ tại chánh điện tổ đình Kim Tiên
Cùng ngày, tại chùa Phật Học (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), chư Tăng Ni và Phật tử tỉnh nhà đã trang nghiêm vân tập, đảnh lễ tưởng niệm bậc giáo phẩm đã hướng đạo cho quê hương. Chùa Phật Học là ngôi chùa do cố Trưởng lão Hòa thượng phục hưng từ đống hoang tàn. Đối với Phật giáo tỉnh Quảng Trị, Trưởng lão Hòa thượng có vai trò đặc biệt, là vị Thầy gắn bó với đồng bào các giới qua các biến cố lịch sử kể từ lúc ngài đảm trách Chánh Đại diện GHPGVN Thống nhất cho đến giai đoạn sau khi đất nước thống nhất.
Đệ tử, môn đồ pháp quyến cố Trưởng lão Hòa thượng
Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực thế danh Hoàng Văn Trung, pháp danh Tâm Trung, pháp tự Chánh Trực, thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 43. Ngài sinh năm Tân Mùi (1931) tại làng Trà Trì, X.Hải Xuân, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Sinh thời, ngài từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên (1963), Chánh Đại diện Phật giáo tỉnh Quảng Trị (1968), Thành viên Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam (1980), Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN (1981), Phó Trưởng ban Trị sự tỉnh Bình Trị Thiên (1982), Trưởng ban Trị sự sáng lập GHPGVN tỉnh Quảng Trị (1989).
Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực tại chùa Phật Học
Trưởng lão Hòa thượng là một vị giáo phẩm lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ, trung kiên với lý tưởng phụng sự Đạo pháp và Dân tộc, thiết thân với chư huynh đệ trong đạo tình pháp quyến. Với đạo hữu, Gia đình Phật tử, tín đồ, ngài là vị thầy nổi bật với đức hy sinh tận tụy trong những lúc khốn khó nhất của quê hương, là nơi nương tựa an ổn cho Tăng Ni Phật tử tại Quảng Trị. Tinh thần đó được ngài truyền vào hàng đệ tử xuất gia cũng như những cư sĩ cận sự, tạo cảm hứng sống của mẫu người làm việc Phật, luôn nhiệt tâm, đến và đi trong an nhiên tự tại.
Ngài đã an nhiên thị tịch vào lúc 13 giờ 15 phút ngày 5-3-Ất Hợi (1995); trụ thế 65 năm, 43 hạ lạp. Bảo tháp của ngài được tôn trí trong khuôn viên tổ đình Kim Tiên.
Hòa thượng Thích Giác Đạo thay mặt môn phái tổ đình Kim Tiên tặng quà đến các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị
Chiều cùng ngày, phái đoàn đệ tử cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực đã đến thăm viếng chư Tăng Ni đang bệnh duyên, điều trị ở các bệnh viện và các trú xứ trên địa bàn TP.Huế; đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trao tặng tịnh tài trợ duyên cho những bệnh nhân khoa ung bướu và các hoàn cảnh đặc biệt, với tổng số tịnh tài hơn 300 triệu đồng do các vị đệ tử, pháp điệt tùy hỷ đóng góp và thực hiện.
* Trước đó, ngày 31-3 (3-3-Ất Tỵ), chư Tăng Ni đã vân tập về tổ đình Kim Tiên đồng trì tụng kinh Kim cang - một bản kinh Đại thừa mà lúc sinh tiền, Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực đã nhiếp tâm thọ trì; sau đó, thắp nến tưởng niệm, đảnh lễ Tôn sư và hữu nhiễu bảo tháp.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Trưởng lão Hòa thượng Chánh Trực viên tịch, bác Nguyễn Thường - pháp danh Tâm Tưởng, người đã gắn bó với Trưởng lão Hòa thượng từ năm 1966 đã có những chia sẻ đầy xúc động về một bậc chân tu với tấm lòng từ bi và trí tuệ sâu sắc.
Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Chánh Trực, hình ảnh gần gũi trong đời sống thường nhật - Ảnh tư liệu của cư sĩ Tâm Tưởng Nguyễn Thường
"Tôi có cơ duyên gặp gỡ Hòa thượng Chánh Trực khi ngài từ Quảng Trị vào Huế, năm 1966. Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã mở ra một mối nhân duyên kéo dài gần 40 năm. Ấn tượng ban đầu của tôi về Hòa thượng đó là ngài có một phong thái điềm tĩnh nhưng uy nghiêm, mỗi lời nói đều sâu sắc, thể hiện sự vững chãi và trí tuệ giữa thời cuộc biến động.
Hòa thượng sống một đời thanh bần và giản dị. Mỗi bữa ăn của ngài chỉ có miếng chao kho và chén canh nhỏ. Thời đó, cuộc sống khó khăn, ngài luôn chờ mọi người ăn xong mới bắt đầu dùng bữa. Tôi nhớ có lần, khi đoàn cứu trợ từ Sài Gòn ra Hải Lăng, xe bị sa lầy, Hòa thượng đã đợi cơm đến 9 giờ tối mà không một lời phàn nàn.
Ngài luôn quan tâm đến mọi người xung quanh, từ chén nước đến chung trà. Khi chỉ dạy đệ tử, ngài nhắc nhở: "Rót trà theo chiều kim đồng hồ và luôn rót cho thầy sau cùng, vì mình là chủ, phải mời khách trước".
Hòa thượng Chánh Trực không chỉ là một bậc tu hành nghiêm mật mà còn là nhà lãnh đạo sáng suốt, có công rất lớn đối với Phật giáo tỉnh Quảng Trị. Với tầm nhìn sâu rộng, ngài đã có những hoạch định rõ ràng cho Phật giáo Quảng Trị, lo toan cả cho hậu thế.
Còn nhớ, sau năm 1975, khi chùa Lập Thạch bị tận dụng làm hợp tác xã, nhờ sự khéo léo của ngài, vấn đề được giải quyết êm đẹp. Bên cạnh đó, ngài còn thành lập Ban Hộ tự niệm Phật đường, tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển Phật giáo tại địa phương. Đặc biệt, ngài đã thiết lập chương trình cấm túc 72 vị tại gia mỗi mùa An cư kiết hạ với luật lệ và chương trình cấm túc riêng biệt.
Hòa thượng là người cẩn trọng, tình cảm và được Phật tử hết lòng tôn kính. Ngài luôn quan tâm chu đáo đến mọi người xung quanh.
Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in lời ngài dạy về ý nghĩa của bảo tháp: "Những vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức sau khi viên tịch, nếu sinh thời trì niệm kinh gì thì hãy để bộ kinh đó lên trên tháp, nhục thân nằm dưới thì mới gọi là bảo tháp".
Nhất Long ghi
Một số hình ảnh ghi nhận:
* Tại tổ đình Kim Tiên:
* Tại chùa Phật Học Quảng Trị:
Đông đảo Phật tử về chùa Phật Học Quảng Trị tưởng niệm bậc Thầy đã có công đã hướng đạo cho quê hương
Quảng Điền - Nguyên Hiếu/Báo Giác Ngộ