Tình yêu thương của cha mẹ là hành trang quý giá trong cuộc đời. Ảnh minh họa: tvN.
Shannon Thomas giải thích rằng những kẻ bạo hành tâm lý chỉ có thể duy trì trạng thái bình thường trong thời gian ngắn. Quan tâm và tử tế không phải điều cơ bản trong tính cách của họ. Vì những đặc điểm tính cách tử tế, cảm xúc cùng hành vi tích cực ấy đều giả dối, nên người thân độc hại sẽ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường của họ.
Thomas xác nhận rằng việc bị ngược đãi sau một khoảng thời gian được lý tưởng hóa luôn khiến ta đau đớn hơn gấp bội. Chỉ vài khoảnh khắc thưa thớt của lòng tốt giả tạo cũng đủ để thắp lại trong ta hy vọng về sự an toàn và tình yêu thương mình luôn mong muốn nhận được từ gia đình.
Loại tương tác theo hướng độc hại này khiến ta sống giữa hy vọng và sợ hãi. Chúng ta có thể dễ dàng sa vào cảm giác có hy vọng, từ đó buông lỏng và cảm thấy mọi thứ đang bắt đầu biến chuyển theo chiều hướng tốt hơn.
Nhưng ngay khi hy vọng có vẻ sắp thành sự thật, ta lại thấy mình bị đánh gục, bị bỏ rơi một lần nữa. Vòng lặp ngấm ngầm của loại rối loạn chức năng cảm xúc này chính là nguyên nhân khiến việc rời xa những người thân độc hại trở nên khó khăn.
Ai mà chẳng mong được gia đình yêu thương, quý trọng? Có ai muốn thức dậy vào buổi sáng chỉ để người nhà nói và làm những điều khủng khiếp với mình không? Chẳng ai cả, cũng chẳng bao giờ có người nào như thế. Khi mất kết nối do con người thật của mình bị khước từ, nỗi buồn, sự tức giận cùng nhiều cảm xúc khác sẽ nảy sinh.
Cảm giác mình thuộc về nơi nào đó là cảm giác cốt lõi trong trải nghiệm của con người. Ai cũng muốn có một nhóm người yêu thương và cần đến mình. Cha mẹ độc hại trục lợi bằng cách khai thác nhu cầu thiết yếu ấy.
Trải nghiệm chung mà ta có về gia đình độc hại rất đau đớn. Chữa lành khỏi những tương tác gia đình độc hại là một hành trình dài. Cần thời gian để các cá nhân thiết lập lại niềm tin đã ăn sâu bén rễ trong họ về con người thật của mình và của người thân.
Khi ta không nhận thức được chu kỳ bạo hành mà mình đang mắc kẹt, mỗi lần bị lý tưởng hóa, ta sẽ lập tức quay lại, mất đi sự phát triển và các kinh nghiệm đã đạt được, cũng như sự tức giận mà bản thân cảm nhận trước đó. Việc được gia đình nâng lên cao đem lại cảm giác an toàn và tuyệt vời đến nỗi ta thuyết phục bản thân rằng lần này sẽ khác.
Từ trải nghiệm của mình và kinh nghiệm trị liệu cho nhiều người, tôi có thể nói cho bạn biết rằng sự khác biệt đó sẽ chẳng kéo dài lâu đâu. Mỗi lần bị vứt bỏ và hất tung khỏi "tòa tháp tình yêu", ta lại càng chịu nhiều tổn thương về mặt tinh thần hơn, càng mất nhiều thời gian hơn để chữa lành cho bản thân, bởi những vết thương ấy liên tục bị khoét sâu và dẫn lối ta vào con đường sai lầm.
Sherrie Campbell/ Sky books & NXB Dân Trí