Khoa học đã chỉ ra rằng thói quen này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân sâu xa hơn bạn nghĩ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không kiểm soát kịp thời.
Thèm đồ ngọt - phản ứng phổ biến của cơ thể
Có tới 90% người trưởng thành từng trải qua cảm giác thèm ngọt.
Theo các nghiên cứu, có tới 90% người trưởng thành từng trải qua cảm giác thèm ngọt, đặc biệt là khi tiếp xúc với các loại thực phẩm chứa đường. Đó là phản ứng hết sức tự nhiên của cơ thể nhằm tìm kiếm nguồn năng lượng nhanh chóng.
Đồ ngọt giúp cải thiện tâm trạng tạm thời
Nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta "khó cưỡng" lại đồ ngọt đến từ nhu cầu cải thiện tâm trạng. Khi ăn đường, nồng độ serotonin - loại hormone gắn liền với cảm giác vui vẻ và thư giãn - trong não sẽ tăng lên, mang lại cảm giác dễ chịu ngay lập tức. Đây chính là lý do nhiều người tìm đến bánh kẹo, trà sữa hay socola khi đang buồn chán hoặc mệt mỏi.
Không chỉ serotonin, nhiều yếu tố khác cũng khiến bạn thèm ngọt
Bên cạnh việc cải thiện tâm trạng, có không ít nguyên nhân khác khiến cơn thèm ngọt xuất hiện thường xuyên hơn:
Mất cân bằng dinh dưỡng: Khi chế độ ăn thiếu đạm, chất béo lành mạnh và chất xơ, đường huyết dễ dao động, từ đó kích thích cảm giác thèm đường.
Căng thẳng tâm lý: Stress kéo dài có thể khiến não bộ tìm đến đồ ngọt như một cơ chế tự an ủi.
Thiếu ngủ: Việc ngủ không đủ giấc làm rối loạn hormone điều chỉnh cơn đói, khiến bạn có xu hướng lựa chọn thực phẩm ngọt và giàu tinh bột để bù đắp năng lượng.
Đồ ngọt luôn là lựa chọn hàng đầu giúp bù đắp nhanh chóng năng lượng bị thiếu hụt.
Nhịn ăn quá mức dễ khiến cơ thể "thèm ngọt"
Hạn chế calo quá mức hoặc bỏ bữa sẽ kích hoạt cơ chế bảo vệ tự nhiên, buộc cơ thể tìm kiếm nguồn năng lượng nhanh. Trong trường hợp này, đồ ngọt luôn là lựa chọn hàng đầu giúp bù đắp nhanh chóng năng lượng bị thiếu hụt.
Thói quen tiêu thụ đường tạo thành vòng lặp khó dứt
Khi bạn ăn đồ ngọt thường xuyên, cơ thể dần hình thành thói quen và ngày càng khó cưỡng lại sức hấp dẫn của chúng. Việc lặp đi lặp lại hành vi này vô tình củng cố sở thích, khiến cơn thèm ngọt trở nên mạnh mẽ hơn theo thời gian.
Hiểu rõ những nguyên nhân gây thèm ngọt sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn hơn về nhu cầu của cơ thể. Để kiểm soát tốt hơn, hãy xây dựng chế độ ăn uống cân đối, hạn chế tiêu thụ đường và ưu tiên những thực phẩm lành mạnh. Điều này không chỉ giúp bảo vệ vóc dáng mà còn góp phần giữ gìn sức khỏe lâu dài.
Quỳnh Hoa