Tuy Phong: Nâng cao vị thế của đồng bào dân tộc thiểu số

Tuy Phong: Nâng cao vị thế của đồng bào dân tộc thiểu số
7 giờ trướcBài gốc
Đồng chí Nguyễn Hoài Anh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng chúc tết sư cả người Chăm ở xã Phú Lạc (cũ).
Đầu tư cơ sở hạ tầng làm bệ phóng phát triển
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông, điện – nước – trường – trạm tại các xã vùng đồng bào DTTS như Phan Dũng, Phú Lạc, Phong Phú… thuộc huyện Tuy Phong – tỉnh Bình Thuận (cũ), nay là xã Tuy Phong (tỉnh Lâm Đồng) đã được cải thiện rõ rệt. Toàn bộ hệ thống đường giao thông đã được bê tông hóa, 98,7% hộ dân có điện lưới và nước sạch. Hơn 278 tỷ đồng được đầu tư trong giai đoạn 2009–2014 cho thủy lợi, trường học, trạm y tế và các công trình phúc lợi cộng đồng. Tỷ lệ hộ nghèo tại vùng DTTS giảm từ gần 17% xuống còn 16,99% và tiếp tục duy trì xu hướng giảm sâu (giảm từ 2,75% trong giai đoạn 2019 – 2021 xuống 0,27% năm 2022–2023). Hơn 613 hộ đã thoát nghèo theo chuẩn đa chiều trong đầu năm 2024. Hơn 64 hộ được cấp nhà tái định cư và gần 6.000 người có thẻ bảo hiểm y tế…
Thời gian qua, xã Tuy Phong đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Các mô hình kinh tế hiệu quả như trồng lúa nước, trồng rau màu, chăn nuôi bò, dê… đã được nhân rộng, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, nhờ chuyển đổi cơ cấu trồng trọt và chăn nuôi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như máy móc nông nghiệp, hệ thống tưới phun, nhà lưới… nhờ đó vùng DTTS luôn đạt sản lượng lúa ổn định từ 10.000–35.000 tấn/năm. Tổng đàn bò khoảng 2.500 con, thu nhập 3–4 triệu đồng/hộ từ bảo vệ rừng, nhiều hợp tác xã đảm nhận cung ứng vật tư và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Những con số và kết quả nổi bật đã chứng tỏ vùng đồng bào DTTS tại xã Tuy Phong đang từng ngày khởi sắc. Từ đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách an sinh giảm nghèo, sản xuất nông nghiệp đến bảo tồn văn hóa và vận động cộng đồng cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa đã tạo nên một “diện mạo mới” tràn đầy hy vọng. Trong giai đoạn sắp tới, với định hướng đến năm 2030, Tuy Phong tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con DTTS trên nền tảng tự lực và cộng đồng đoàn kết.
Đường, trường, trạm vùng đồng bào DTTS ngày càng khang trang.
Đa dạng đời sống văn hóa
Có thể khẳng định rằng, đời sống văn hóa của đồng bào DTTS ở Tuy Phong không chỉ là di sản quý báu mà còn là động lực tinh thần thúc đẩy phát triển bền vững. Trong dòng chảy hội nhập ngày càng phát triển với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và địa phương, cộng đồng các DTTS nơi đây đã và đang từng bước xây dựng và làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của mình, từ đó gìn giữ một phần quan trọng của bản sắc văn hóa Bình Thuận trước đây và hiện nay là tỉnh Lâm Đồng.
Bánh gừng - món bánh truyền thống của đồng bào Chăm.
Điểm nổi bật là trong quá trình hội nhập và phát triển, đồng bào các DTTS tại Tuy Phong luôn giữ vững bản sắc riêng nhưng cũng chủ động hòa nhập, cùng với Nhân dân địa phương xây dựng đời sống cộng đồng văn minh, tiến bộ. Họ không chỉ bảo tồn văn hóa của dân tộc mình, mà còn tham gia tích cực vào các hoạt động chung như xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng và bảo vệ môi trường rừng... Các mô hình “Gia đình văn hóa” và “Khu dân cư văn hóa” được triển khai sâu rộng, với hơn 95% hộ đồng bào DTTS đăng ký thực hiện nếp sống văn minh. Các hoạt động như cưới hỏi, ma chay, lễ hội dần được tổ chức tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục và quy định pháp luật… Ngoài ra, các hoạt động của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc xã đóng vai trò tích cực trong việc vận động bà con xóa bỏ nhiều hủ tục, mê tín dị đoan, bài trừ tảo hôn và hôn nhân cận huyết... Nhiều thanh thiếu niên DTTS hiện nay chủ động, tích cực tham gia vào các đội văn nghệ quần chúng tại xã, trường học, góp phần “hồi sinh” các giá trị truyền thống trong đời sống hiện đại.
Chăn nuôi bò trên vùng cao Tuy Phong.
Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, ngành và sự đồng lòng của đồng bào các DTTS, tin rằng vị thế của đồng bào DTTS ở xã Tuy Phong nói riêng và các xã có đồng bào DTTS trong tỉnh nói chung sẽ ngày càng được nâng cao, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Lâm Đồng.
Hồng Trinh
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/tuy-phong-nang-cao-vi-the-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-381518.html