Tuy Phong: Nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 06

Tuy Phong: Nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Đề án 06
10 giờ trướcBài gốc
Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa huyện Tuy Phong.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Thời gian qua, công tác thông tin và tuyên truyền về Đề án 06 luôn được huyện quan tâm, chủ động, đẩy mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau, đa dạng về nội dung, phong phú về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án 06 để cán bộ và nhân dân nắm bắt, đồng thuận trong việc triển khai thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu trên địa bàn; tăng tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tra cứu thông tin công dân trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo thẩm quyền, không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú xác nhận thông tin về cư trú; tạo điều kiện cho công dân, đảm bảo đúng quy định của Luật Cư trú 2020. Tổ công tác Đề án 06 huyện đã chỉ đạo UBND cấp xã triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tại địa phương. Tiếp tục phối hợp tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của địa phương nhằm giúp người dân có nhận thức về việc triển khai thực hiện Đề án 06 nói chung, việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua tài khoản định danh điện tử. Phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, Tổ công tác triển khai Đề án 06 các cấp trong công tác tuyên truyền, phối hợp xây dựng “mô hình điểm”…
Bên cạnh đó, Công an huyện Tuy Phong đã chủ động triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06 theo đúng lộ trình, tiến độ đã đề ra. Tăng cường tuyên truyền, thu nhận cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân toàn huyện và thực hiện dịch vụ công trực tuyến của ngành công an. Đặc biệt, chủ động làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để huy động ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tham gia hỗ trợ lực lượng công an hoàn thành các chỉ tiêu; huy động việc tuyên truyền, mời gọi công dân hiện đang cư trú trên địa bàn để làm thủ tục cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án 06, vận động cán bộ, công chức, viên chức, các cơ sở kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử và tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch công quốc gia nhằm thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng Dịch vụ công trực tuyến. Chủ động đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tập trung vào các dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực công an, đảm bảo yêu cầu 100% công an các đơn vị có liên quan phải thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực công an và đẩy mạnh số lượng hồ sơ được tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến trên các lĩnh vực…
Nhiều mô hình phát huy hiệu quả
Công an huyện đã phối hợp các đơn vị chức năng, hướng dẫn công an cấp xã, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở từng bước triển khai các mô hình theo kế hoạch đã ban hành. Trong đó, một số mô hình đã mang lại kết quả thiết thực, góp phần triển khai thành công Đề án 06 trên địa bàn huyện. Nổi bật 100% bộ phận một cửa cấp huyện, xã đã được trang bị 1 ti vi có kết nối mạng và thường xuyên phát video hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công, nhất là tuyên truyền, kết quả thực hiện Đề án 06, các tiện ích người dân, doanh nghiệp được hưởng dưới nhiều hình thức khi thực hiện trực tuyến. Đối với “Mô hình triển khai Dịch vụ công” đã triển khai đến 100% bộ phận một cửa cấp huyện, xã, công an cấp xã, thường xuyên có cán bộ hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mà trực tiếp là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện công tác tiếp công dân. Quá trình tổ chức triển khai mô hình điểm, các cơ quan, đơn vị có liên quan đã tổ chức triển khai, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức, viên chức cách thức đăng nhập, quy trình nghiệp vụ để nắm vững, hướng dẫn được người dân thực hiện.
Đối với “Mô hình triển khai phần mềm lưu trú”, công an các xã, thị trấn đã hướng dẫn, phối hợp các cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở khám chữa bệnh) tại địa phương triển khai thực hiện mô hình. Nhất là hướng dẫn khách lưu trú thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử, cài đặt ứng dụng VNeID và sử dụng chức năng thông báo lưu trú trên VneID. Từ đó đảm bảo 100% khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện đều thực hiện khai báo lưu trú trên ứng dụng VNeID. Đối với mô hình triển khai tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID công an các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VNeID, sử dụng tài khoản đăng nhập vào ứng dụng và sử dụng tiện ích kiến nghị phản ánh về ANTT trên ứng dụng. Từ đó, đã nâng cao tỷ lệ tin báo về ANTT tiếp nhận qua ứng dụng VNeID/tổng số tin báo trên hệ thống…
Trong năm 2024, huyện đã triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thu thập, rà soát, đồng bộ 179.763 nhân khẩu thường trú vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước, tài khoản định danh điện tử cho tất cả công dân đủ điều kiện. Nhờ vậy đã góp phần phục vụ người dân trong đi lại, giao dịch cũng như thực hiện cải cách thủ tục hành chính của Nhà nước…
HỒNG TRINH
Nguồn Bình Thuận : https://baobinhthuan.com.vn/tuy-phong-nhieu-ket-qua-noi-bat-trong-thuc-hien-de-an-06-127819.html