Tuyên án vụ 'bỏ quên' khiến học sinh 5 tuổi tử vong trong ô tô ở Thái Bình

Tuyên án vụ 'bỏ quên' khiến học sinh 5 tuổi tử vong trong ô tô ở Thái Bình
2 giờ trướcBài gốc
Hai bị cáo được hưởng án treo
Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Lâm (SN 1965, trú Tp.Thái Bình, tài xế chở học sinh) bị tuyên 1 năm 9 tháng tù về tội Vô ý làm chết người. Bị cáo Phương Quỳnh Anh (SN 1986, trú Tp.Thái Bình, giáo viên đưa đón) bị tuyên 1 năm 6 tháng tù về cùng tội danh trên.
Ngoài ra, hai bị cáo cùng chịu án 1 năm 6 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" (cho hưởng án treo) là Nguyễn Thị Nhâm (SN 1998, trú huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, giáo viên 1) và Nguyễn Thị Phương (SN 1966, trú Tp.Thái Bình, giáo viên 2).
Nội dung vụ án thể hiện, cháu Trần Gia H. (SN 2019, ở xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) là học sinh lớp Himawary 2 (Trường mầm non Hồng Nhung 2, địa chỉ xã Phú Xuân, Tp.Thái Bình) do bà Đỗ Thị là Chủ tịch hội đồng quản trị; bà Nguyễn Thị Hải là Hiệu trưởng.
Chiếc xe đưa đón học sinh của Trường mầm non Hồng Nhung 2.
Lớp Himawary 2 do Đoàn Thị Nhâm là giáo viên 1, Nguyễn Thị Phương là giáo viên 2 và Hoàng Diệu Quỳnh (SN 2003, trú tại thôn Thiện Châu, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) là giáo viên hỗ trợ.
Trường mầm non Hồng Nhung 2 có dịch vụ đưa đón học sinh từ nhà đến trường và từ trường về nhà bằng ô tô. Nhà trường ký hợp đồng với anh Phạm Văn Đông (SN 1976, trú tại tổ 8, phường Phú Khánh, Tp.Thái Bình) để đưa đón.
Từ ngày 9/10/2023, trường tuyển Phương Quỳnh Anh làm giáo viên đưa đón học sinh. Vào các buổi sáng, nữ giáo viên này sẽ cùng anh Đông đón học sinh đến trường, hết giờ học sẽ đưa các cháu về nhà.
Cháu Trần Gia H. là một trong số các học sinh đăng ký đưa đón bằng xe ô tô của trường. Giáo viên đưa đón sẽ được nhà trường phát một quyển sổ danh sách các học sinh đăng kí đưa đón theo tháng.
Hàng ngày, khi đón học sinh, nhận học sinh từ phụ huynh, giáo viên đưa đón sẽ phải yêu cầu phụ huynh kí nhận bàn giao học sinh vào sổ.
Khi đưa học sinh đến trường, giáo viên đưa đón sẽ phải cho các học sinh xuống xe, giao học sinh đến từng lớp học và kí bàn giao học sinh với giáo viên phụ trách lớp vào sổ.
Khi hết giờ, giáo viên đưa đón sẽ đến từng lớp đón học sinh, kí bàn giao học sinh với giáo viên phụ trách, đưa học sinh lên xe về nhà giao cho phụ huynh, kí nhận bàn giao với phụ huynh.
Đối với giáo viên phụ trách lớp (giáo viên 1 và giáo viên 2) khi học sinh đến lớp sẽ có trách nhiệm điểm danh bằng ứng dụng "Kids Online" của trường mầm non Hồng Nhung 2.
Những học sinh đến lớp, giáo viên phụ trách sẽ mở ứng dụng chụp ảnh các học sinh để điểm danh trên hệ thống của nhà trường, các cháu học sinh không đến lớp giáo viên phụ trách có thể báo trên ứng dụng là vắng "Có phép" hoặc "Không phép", "Chưa xác định".
Từ ngày 23/5/2024, do có công việc gia đình nên Phạm Văn Đông đã có đơn xin nghỉ phép gửi trường mầm non Hồng Nhung 2 và nhờ Nguyễn Văn Lâm lái xe đưa đón học sinh cùng giáo viên đưa đón trong thời gian anh Đông nghỉ phép.
Sau khi kiểm tra giấy tờ của Lâm, nhà trường đồng ý để bị cáo này lái xe đưa đón học sinh thay cho anh Đông. Ngày 29/5/2024, trường tổ chức lễ tổng kết năm học, buổi sáng vẫn có xe ô tô đón học sinh từ nhà đến trường, nhưng buổi chiều không có xe đưa học sinh về nhà.
Cháu bé bị "bỏ quên" thế nào?
Do đó, khoảng 6h ngày 29/5/2024, Đoàn Thị Nhâm gọi điện cho bà ngoại cháu Trần Gia H. thông báo việc nhà trường tổng kết, buổi chiều không có xe ô tô trả học sinh về nhà và dặn bà đến đón.
Khoảng 6h10 ngày 29/05/2024, Lâm cùng Quỳnh Anh xuất phát từ trường mầm non đi đón 10 cháu học sinh đến trường.
Học sinh được đón đầu tiên chính là cháu H. Khi đón, bà ngoại đưa cháu ra xe bàn giao cho Quỳnh Anh. Quỳnh Anh đưa cháu lên xe ô tô sau đó tiếp tục đi đón 9 cháu học sinh khác.
Khi xe ô tô đến trường và dừng trong sân trường, Lâm mở cửa xe để Quỳnh Anh xuống. Quỳnh Anh cho các học sinh xuống xe, không kiểm đếm số lượng học sinh xuống xe.
Khi không thấy học sinh nào xuống nữa, Quỳnh Anh không đi lên xe ô tô kiểm tra. Khi thấy Quỳnh Anh đã đưa học sinh lên lớp, Lâm đóng cửa lên xuống xe rồi điều khiển xe đi ra ngoài cổng trường.
Sau khi khóa cửa xe, Lâm để chìa khóa xe ô tô tại phòng bảo vệ rồi ra về. Tại lớp cháu H. có sĩ số 21 học sinh, khi các cháu đến lớp, Nhâm, Phương, Quỳnh cho các học sinh ăn sáng. Sau đó, Nhâm đưa một số cháu xuống sân trường tập múa chuẩn bị cho lễ tổng kết.
Phương ở lại lớp mở ứng dụng "Kids Online" chụp ảnh các cháu học sinh đến lớp để điểm danh được 18 cháu học sinh, vắng 3. Trong 3 học sinh vắng thì Phương biết có 2 học sinh phụ huynh đã thông báo nghỉ học, chỉ có cháu H. là không rõ phụ huynh đã thông báo với Nhâm hay chưa.
Mặc dù chưa rõ lí do cháu H. nghỉ học và cũng chưa gọi điện cho phụ huynh của cháu để hỏi lý do nghỉ học, Phương vẫn thao tác trên ứng dụng báo cháu H. vắng có phép.
Đến 9h30 cùng ngày, Nhâm quay trở lại lớp thì được Phương thông báo 3 học sinh nghỉ học. Do chủ quan nghĩ buổi sáng Nhâm gọi điện báo bà ngoại cháu H. rằng buổi chiều không có xe trả học sinh nên bà ngoại không nhờ được người đón và cho cháu nghỉ học.
Do đó, Nhâm không gọi điện cho bà ngoại của cháu để xác nhận lại. Nhâm cũng không thông báo với nhà trường về trường hợp cháu H. vắng không có lý do.
Đến khoảng 17h cùng ngày, anh Trần Đức Anh (cậu ruột của cháu H.) đến trường đón, nhưng không tìm thấy cháu.
Sau đó anh gọi điện cho cho bà ngoại xác nhận cháu có đến trường thì anh đã hỏi Phương và Nhâm. Sau đó Quỳnh Anh và Nhâm chạy ra khu vực xe ô tô, nhìn qua kính cửa thì thấy cháu sau ghế lái.
Khi mở được cửa ra thì cháu đã bất tỉnh, mặt mũi tím tái. Cháu được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thái Bình để cấp cứu nhưng được xác định tử vong trước khi đưa vào bệnh viện.
Quá trình làm việc với CQĐT và tại tòa các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi.
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/tuyen-an-vu-bo-quen-khien-hoc-sinh-5-tuoi-tu-vong-trong-o-to-o-thai-binh-20424112515191926.htm