Tuyên bố chung Đại lễ Vesak 2025: Đoàn kết, nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu

Tuyên bố chung Đại lễ Vesak 2025: Đoàn kết, nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu
7 giờ trướcBài gốc
Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm nay được tổ chức tại Việt Nam mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt.
Đây cũng là cơ hội tốt lành để cộng đồng Phật giáo và bạn bè quốc tế chung vui cùng nhân dân Việt Nam khi kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước và kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Thượng tọa Thích Đức Thiện phát biểu tổng kết Đại lễ Vesak 2025.
Lần thứ 4 Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Việt Nam cũng cho thấy rõ hơn thực tiễn đời sống tôn giáo phong phú, đa dạng, tự do tại Việt Nam.
Ban Tổ chức thấy rõ những cam kết mạnh mẽ và thực thi trong thực tiễn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân.
Trong bối cảnh đó, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc khẳng định vai trò của Phật giáo trong việc củng cố tinh thần đoàn kết, thúc đẩy hòa bình, lòng bao dung và phát triển bền vững trên toàn thế giới.
Vesak năm nay phản ánh nguyện vọng chung trong việc ứng dụng trí tuệ Phật giáo và trách nhiệm đạo đức để đối diện với các vấn đề cấp bách toàn cầu, bao gồm giải quyết xung đột, công bằng xã hội, bền vững môi trường và hợp tác quốc tế, phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs).
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 tại TPHCM đã thành công rực rỡ, đem lại niềm tin, sự lạc quan vào tương lai tươi sáng của nhân loại.
Sự kiện cũng tái khẳng định vai trò của Việt Nam là một trong những trung tâm của Phật giáo thế giới, trung tâm của nền Phật giáo nhập thế gắn với các hoạt động ngoại giao văn hóa, thúc đẩy sự đoàn kết, hòa hợp vì hòa bình, an lạc cho con người.
Sau khi cùng nhau thảo luận trong tinh thần từ bi, trí tuệ và hòa hợp tại các phiên hội thảo, các đại biểu tham dự, nhất trí thông qua và công bố Tuyên bố TPHCM, đưa ra hồi đáp của Phật giáo đối với các thách thức cấp bách của thế giới, dựa trên các nguyên tắc bất bạo động, bao dung vì nhân phẩm con người.
Tuyên bố gồm các điều sau: Điều 1: Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm; điều 2: Nuôi dưỡng bình an nội tâm vì hòa bình thế giới; điều 3: Tha thứ, chữa lành bằng chánh niệm và hòa giải; điều 4: Từ bi Phật giáo trong hành động: Trách nhiệm chung vì sự phát triển con người; điều 5: Chánh niệm trong giáo dục vì tương lai nhân ái và bền vững; điều 6: Thúc đẩy đoàn kết, nỗ lực hợp tác vì hòa hợp toàn cầu.
Cuối cùng, Ủy ban tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc thông báo về việc phê chuẩn và ủng hộ Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc đăng cai tổ chức vào năm 2026.
Trong tinh thần Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, những đại biểu tham dự, tái khẳng định cam kết không lay chuyển trong việc vận dụng trí tuệ Phật giáo, trách nhiệm đạo đức và hành động tập thể để mang lại hòa bình thế giới, bảo vệ phẩm giá con người và duy trì sự an lạc cho hành tinh này.
Hàng nghìn đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự Đại lễ Vesak 2025 trong những ngày qua.
Các đại biểu kêu gọi tất cả các quốc gia ưu tiên các chính sách hòa bình, phát triển bền vững về môi trường và công bằng kinh tế, thay vì chạy đua quân sự và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức.
Ngoài ra, các tổ chức toàn cầu áp dụng các nguyên lý đạo đức Phật giáo trong quản trị, ngoại giao và phát triển bền vững. Tổ chức quốc tế công nhận trí tuệ Phật giáo như nguồn tài nguyên thiết yếu trong giải quyết xung đột và đạo đức toàn cầu.
Cộng đồng Phật giáo quốc tế tham gia trong các nỗ lực hợp tác nhằm định hình lãnh đạo đạo đức, công bằng kinh tế và chữa lành môi trường.
"Hãy để Tuyên bố TPHCM trở thành kim chỉ nam đạo đức, khuôn khổ chiến lược và lời kêu gọi khẩn thiết hướng đến thế giới công bằng hơn, hòa bình hơn và bền vững hơn", Thượng tọa Thích Đức Thiện kết luận.
Tuấn Chiêu
Nguyễn Huế
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/tuyen-bo-chung-dai-le-vesak-2025-doan-ket-no-luc-hop-tac-vi-hoa-hop-toan-cau-2398929.html