Trong bài phát biểu St. Petersburg hôm 20/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết việc soạn thảo một bản ghi nhớ với Ukraine về một hiệp ước hòa bình trong tương lai là một quá trình phức tạp và kéo dài.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Tass
“Ý tưởng về bản ghi nhớ hòa bình với Ukraine đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để hoàn tất nội dung của văn bản thực sự phù hợp với thực tế. Việc tìm ra hình thức pháp lý thích hợp và các bên đủ thẩm quyền để ký vào bản ghi nhớ này, nếu đạt được trong tương lai, cũng là một nhiệm vụ không hề dễ dàng” - ông Medvedev nhấn mạnh.
Quan chức Nga thừa nhận rằng “nhiệm vụ khó khăn nhất hiện nay là làm sao để bản ghi nhớ và thỏa thuận ngừng bắn có thể chứa đựng được những nội dung cần thiết nhằm tạo nền tảng vững chắc cho một nền hòa bình lâu dài”.
Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, quá trình để Moscow và Kiev xây dựng một văn bản thống nhất về bản ghi nhớ hòa bình và ngừng bắn sẽ rất phức tạp, do đó không thể có một thời hạn cố định. Thông tin này được các hãng thông tấn Nga đăng tải sáng ngày 20/5.
"Hiện chưa có thời hạn nào và không thể có bất kỳ thời hạn nào. Rõ ràng là mọi người đều muốn thực hiện điều này càng nhanh càng tốt, nhưng, tất nhiên, vấn đề nằm ở các chi tiết," hãng thông tấn nhà nước RIA dẫn lời ông Peskov nói với các phóng viên.
Quan chức Điện Kremlin giải thích thêm về quy trình dự kiến: "Dự thảo sẽ được cả phía Nga và Ukraine xây dựng, các dự thảo văn kiện này sẽ được trao đổi, và sau đó là các cuộc tiếp xúc phức tạp để phát triển một văn bản duy nhất".
Cùng ngày, trả lời đài Rossiya-24, ông Leonid Slutsky - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma Quốc gia Nga và lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do Nga, cho rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “không thực sự muốn đàm phán hòa bình với Nga”. Theo ông Slutsky, lý do là bởi Tổng thống Zelensky “nhận thức rõ rằng nếu chấp nhận đàm phán, điều đó có thể dẫn đến sự chấm dứt quyền lực hoặc thậm chí là một bản án chính trị đối với ông”.
Đồng thời, ông Slutsky đã bày tỏ quan ngại về sự thiếu thiện chí từ phía Kiev trong việc nối lại đàm phán. Nhà lập pháp Nga cho biết ông Zelensky đã “bị chấn động” khi thấy Tổng thống Donald Trump thúc đẩy hòa bình và đề xuất nối lại đàm phán Nga-Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Ông cảnh báo rằng nếu Mỹ giảm bớt hỗ trợ quân sự và chuyển gánh nặng cho châu Âu, Kiev sẽ rơi vào thế khó.
Các tuyên bố trên được quan chức Nga đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo sau cuộc điện đàm với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/5 rằng Moscow sẵn sàng làm việc với Kiev để xây dựng một bản ghi nhớ về hiệp ước hòa bình, có thể bao gồm các điều khoản liên quan đến lệnh ngừng bắn và nguyên tắc giải quyết xung đột.
Hòa bình cho Ukraine còn mờ mịt
Trước tuyên bố lạc quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Nga và Ukraine sẽ ngay lập tức khởi động tiến trình đàm phán về một lệnh ngừng bắn, các nhà phân tích vẫn tỏ ra thận trọng khi cho rằng triển vọng về một bản ghi nhớ hòa bình Moscow-Kiev vẫn rất mong manh.
Hiện tại, Ukraine chưa đưa ra phản hồi chính thức nào về những tuyên bố nói trên từ phía Nga. Tuy nhiên, lập trường của Kiev từ trước đến nay vẫn đòi hỏi Nga phải rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine, bao gồm cả bán đảo Crimea, trước khi xem xét các cuộc đàm phán hòa bình.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh các điều kiện nhằm "loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của chiến tranh", đó là yêu cầu Ukraine từ bỏ mong muốn gia nhập NATO và công nhận các vùng lãnh thổ đã được sáp nhập Nga.
Nhà phân tích chính trị độc lập Alexandra Filippenko của Litva nói với đài DW: “So với các điều kiện đưa ra tạo vòng đàm phán hòa bình tại Istabul vào tháng 3/2022, Nga không dịch chuyển một tấc" và thậm chí còn củng cố lập trường cứng rắn hơn. Điều này cho thấy khả năng đạt được thỏa thuận hòa bình Nga – Ukraine là cực kỳ mong manh nếu không có thay đổi từ phía Moscow”.
Trong khi đó, giáo sư Anuradha Chenoy, chuyên gia về quan hệ Nga và Trung Á tại Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ) nhận định, bản ghi nhớ hòa bình Ukraine được Tổng thống Putin đề cập đầu tuần này được xem như một tiền đề cho thỏa thuận ngừng bắn, nhưng không mang tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, nếu được Mỹ bảo trợ, bản ghi nhớ này có thể là nền tảng cho một thỏa thuận hòa bình thực chất giữa Nga và Ukraine.
Theo giáo sư Chenoy, điều quan trọng là thỏa thuận ngừng bắn phải được bảo đảm bởi các cơ chế quốc tế rõ ràng, đặc biệt là vai trò của Mỹ trong giám sát và thực thi.
Trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio ngày 20/5 cho biết, ông mong đợi Nga sẽ đưa ra đề xuất ngừng bắn ở Ukraine trong vài ngày tới, qua đó sẽ cho thấy mức độ nghiêm túc của Moscow.
Ngoại trưởng Rubio lưu ý thêm rằng Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tuyên bố sẽ đưa ra các điều khoản riêng của họ "có thể trong vài ngày tới, hy vọng là trong tuần này".
Theo ông Rubio, phía Nga sẽ đưa ra "những điều khoản tổng quát cho phép chúng ta tiến tới lệnh ngừng bắn, và việc ngừng bắn sau đó sẽ cho phép chúng ta bước vào đàm phán chi tiết để chấm dứt cuộc xung đột".
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump vẫn mong đạt được hòa bình tại Ukraine và “chưa từ bỏ nỗ lực đối thoại với cả Moscow và Kiev.
Nguyễn Phương