Lực lượng chức năng kiểm tra việc kinh doanh thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, thiết bị y tế, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Mối đe dọa sức khỏe cộng đồng
Thuốc giả, vốn từng được nhìn nhận như một vấn đề cục bộ, nay đã trở thành thách thức có tính hệ thống đối với sức khỏe cộng đồng. Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, mạng lưới phân phối phức tạp và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, các loại thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng đang len lỏi cả vào những kênh phân phối chính thống nhất.
Trong đợt cao điểm phòng chống hàng giả từ ngày 15/5 đến ngày 15/6, Bộ Y tế phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra 38 cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, phát hiện 17 cơ sở vi phạm. Tại Hà Nội, 2 nhà thuốc lớn là Đức Anh và An An cũng bị phát hiện buôn bán thuốc giả. Cụ thể, Đức Anh bán thuốc Nexium - loại điều trị dạ dày phổ biến - cùng nhiều loại thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc; còn An An phân phối thuốc điều trị hô hấp Theophylline extended-release tablets giả.
Mới đây nhất, Công an TPHCM đã khởi tố 19 bị can trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, do hai vợ chồng điều hành thông qua vỏ bọc công ty mỹ phẩm. Đường dây này đã làm giả gần 70.000 chai dầu gió các nhãn hiệu nước ngoài, tương đương giá trị hàng thật hơn 6 tỷ đồng.
Những vụ việc điển hình nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong những tháng đầu năm 2025, hệ thống kiểm nghiệm cả nước đã lấy hơn 16.000 mẫu thuốc và phát hiện 16 mẫu không đạt chất lượng. Đây là con số khiêm tốn nếu đặt trong bối cảnh hàng trăm triệu đơn thuốc được kê mỗi năm.
Khó quản lý chợ thuốc trên không gian mạng
Sự hạn chế đó càng rõ rệt nếu đặt cạnh thực tế nóng bỏng từ các con số tổng hợp của Chính phủ. Theo Thông báo số 341/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025 và tổng kết đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, cả nước đã xử lý hơn 50.000 vụ vi phạm, khởi tố hơn 1.800 vụ án với hơn 3.200 bị can; riêng đợt cao điểm tháng 5, 6 đã xử lý hơn 10.400 vụ, khởi tố hơn 200 vụ việc. Đây là bằng chứng cho thấy hàng giả - trong đó có thuốc giả không còn là hiện tượng cá biệt, mà là một vấn đề mang tính hệ thống, có tổ chức và quy mô rộng lớn.
Không chỉ hệ thống giám sát còn bị động, sự xuất hiện ngày càng dày đặc của thuốc giả trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội đã biến không gian số thành một “chợ thuốc ngầm” khó kiểm soát. Với vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng có thể mua bất kỳ sản phẩm nào, từ thuốc giảm đau đến thuốc điều trị ung thư, mà không cần đơn hay xác minh nguồn gốc.
Vấn đề nằm ở chỗ: hệ thống còn lỏng lẻo thì người dân càng dễ trở thành nạn nhân. BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng phần tích: “Thuốc giả có thể không chứa hoạt chất, chứa sai liều lượng hoặc bị pha trộn tạp chất độc hại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh, mà còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc, khiến bệnh trở nên khó chữa hơn, thậm chí đe dọa tính mạng. Với những bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tim mạch hay ung thư, việc sử dụng thuốc giả đồng nghĩa với việc đánh mất cơ hội sống”.
Hệ lụy của thuốc giả là đa tầng. Trên khía cạnh y tế, nó làm trầm trọng hóa các biến chứng, kéo dài thời gian nằm viện, gia tăng chi phí điều trị và làm hao hụt nguồn lực bệnh viện. Về kinh tế, thuốc giả gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành dược, làm méo mó thị trường, khiến doanh nghiệp chân chính bị cạnh tranh bất bình đẳng. Về mặt xã hội, đáng lo ngại nhất là sự suy giảm niềm tin: khi ngay cả những nhà thuốc lớn cũng bán thuốc giả, khi thuốc kê đơn vẫn có nguy cơ bị làm nhái, thì mối quan hệ giữa bệnh nhân - bác sĩ - dược sĩ không còn được đảm bảo bằng nền tảng tin cậy vốn có.
Trong hoàn cảnh đó, thuốc giả không chỉ là một sản phẩm vi phạm, mà là dấu hiệu rõ ràng của một lỗ hổng hệ thống - từ giám sát kỹ thuật, xử lý vi phạm đến nhận thức cộng đồng. Và chừng nào những lỗ hổng này chưa được bịt kín, người bệnh vẫn sẽ là người gánh chịu hậu quả - đôi khi bằng chính mạng sống của mình.
Tuyên chiến không khoan nhượng với thuốc giả
Nếu phần nổi của vấn đề thuốc giả là những vụ việc bị phát hiện, thì phần chìm - và cũng nguy hiểm hơn cả - chính là khoảng trống trong công tác quản lý lâu nay.
Vừa rồi, tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội chiều 2/7, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ sự trăn trở sâu sắc về vấn nạn hàng giả, đặc biệt là thực phẩm và thuốc giả. Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là hành vi “vô cùng độc ác”, nhất là khi nạn nhân là trẻ em cần sữa để phát triển, người già cần thuốc để khỏi bệnh, nhưng lại gặp phải sản phẩm giả gây hại thêm cho sức khỏe.
Phát biểu không chỉ mang tính cảnh báo mà còn thể hiện thông điệp chính trị rõ ràng: Không thể có vùng cấm, không có ngoại lệ trong cuộc chiến này.
TS Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, cơ quan này đang rà soát toàn diện các quy định liên quan đến quản lý dược phẩm, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tăng nặng hình phạt với các hành vi tái phạm, có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng cho người bệnh. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đẩy mạnh hậu kiểm, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các nhà thuốc và cơ sở bán lẻ, nhất là các điểm có dấu hiệu bất thường về nguồn gốc thuốc, doanh số hoặc quảng cáo sai sự thật.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng cơ sở dữ liệu thuốc toàn quốc nhằm quản lý từ khâu cấp phép, phân phối đến kê đơn và bán lẻ. Các công nghệ như mã định danh sản phẩm, truy xuất QR, nền tảng dữ liệu liên thông sẽ là công cụ hỗ trợ phát hiện và chặn thuốc giả từ sớm.
Cuộc chiến chống thuốc giả, không chỉ là trách nhiệm hành chính. Đó là phép thử về năng lực quản lý, khả năng ứng dụng công nghệ và đặc biệt - là thước đo đạo lý của một xã hội. Khi các hành vi gian dối có thể trực tiếp gây hại đến mạng sống, thì sự im lặng không còn là trung lập - mà là tiếp tay. Vì vậy việc cần làm ngay là phải hành động một cách toàn diện.
Đức Trân