Tuyển đủ, tuyển đúng giáo viên, không để trống lớp

Tuyển đủ, tuyển đúng giáo viên, không để trống lớp
2 giờ trướcBài gốc
Tuyển không được, giữ không xong
Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra ở hầu hết tỉnh, thành trên cả nước, trở thành vấn đề nhức nhối kéo dài suốt nhiều năm qua. Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hiện cả nước thiếu khoảng 120.000 giáo viên, tập trung nhiều nhất ở bậc mầm non và tiểu học, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Không chỉ thiếu về số lượng, ngành giáo dục còn đang phải đối mặt với tình trạng mất cân đối cơ cấu, khi nhiều môn học như Tin học, tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật... không có người giảng dạy.
Điều đáng nói là dù Chính phủ đã giao bổ sung gần 66.000 biên chế giáo viên từ năm 2022, đến nay - sau ba năm triển khai - mới chỉ tuyển được khoảng 6.000 người, chưa đầy 10% chỉ tiêu. Các địa phương cho biết khó khăn lớn nhất nằm ở việc không có nguồn tuyển hoặc có những ứng viên không mặn mà với công việc vì mức lương thấp, điều kiện dạy học thiếu thốn, nhất là tại các huyện miền núi, vùng biên giới.
Học sinh bỏ học thường xuyên nên giáo viên phải lặn lội đến từng nhà để động viên cho con em đến lớp.
Về tình trạng thiếu giáo viên, nhưng giao biên chế cho các địa phương lại không được tuyển dụng hết. Nhiều địa phương cho rằng do thiếu nguồn tuyển, đặc biệt là giáo viên dạy những môn học mới. Theo một đại diện phụ trách công tác tổ chức cán bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM, thì mỗi địa phương thực hiện tuyển dụng theo thời gian khác nhau nên gây ra khó khăn cho các đơn vị tuyển dụng khác, bởi tình trạng ứng viên trúng tuyển "ảo". Một số bộ môn như ngoại ngữ, tin học, âm nhạc… nhu cầu tuyển dụng nhiều nhưng số lượng người đăng ký dự tuyển ít, thậm chí là không có. Bên cạnh đó, mức lương cho giáo viên trẻ khá thấp cũng khiến việc tuyển dụng hoặc thuê giáo viên thêm khó khăn.
Không chỉ ở các thành phố lớn, ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa tình trạng thiếu giáo viên cũng khá trầm trọng. Thầy giáo Nguyễn Văn Tùng, giáo viên Trường TH và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, H.Ia Pa, Gia Lai) đã có 18 năm gắn bó với giáo dục miền núi cho biết: “Khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới tại các trường ở vùng miền núi thì việc thiếu giáo viên càng khiến họ càng vất vả hơn. Ở trường tôi do thiếu giáo viên nên mỗi thầy cô đều phải kiêm nhiệm nhiều bộ môn. Bản thân tôi được đào tạo dạy môn Lịch sử nhưng hiện đang dạy cả Địa lý và Giáo dục địa phương - tổng cộng là dạy ba môn. Nhiều giáo viên phải dạy chéo môn, không đúng chuyên ngành nhưng cũng chỉ tập huấn vài buổi tập huấn rồi đứng lớp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy cũng như gây áp lực cho giáo viên. Trong khi đó, công tác tuyển dụng lại rất khó khăn do ít sinh viên muốn vào ngành sư phạm, đặc biệt là về công tác ở vùng sâu, vùng xa”.
Cô Đặng Thị Coi, trường Mầm non Lý Quốc, huyện Hạ Lang, Cao Bằng cũng chia sẻ: “Công tác giảng dạy tại trường mầm non ở miền núi đòi hỏi giáo viên phải đối mặt với đường xá xa xôi, thiếu thốn và việc di chuyển bằng xe máy hay đi bộ mất nhiều giờ đồng hồ. Chưa kể đến tình trạng học sinh bỏ học thường xuyên nên giáo viên phải lặn lội đến từng nhà để động viên cho con em đến lớp. Hàng ngày đối mặt với nhiều vất vả nên không ít giáo viên đã không trụ nổi với nghề, đành xin nghỉ việc”.
“Hàng ngày đối mặt với nhiều vất vả nên không ít giáo viên miền núi đã không trụ nổi với nghề, đành xin nghỉ việc. Với những chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, tôi mong rằng sẽ giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là các huyện miền núi, vùng biên giới” - Cô Đặng Thị Coi, trường Mầm non Lý Quốc, Cao Bằng
Đổi mới chính sách để giữ chân người thầy
Không chỉ gây áp lực cho giáo viên hiện hữu, tình trạng thiếu hụt kéo dài còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục, đặc biệt là mục tiêu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Từ thực tế ở địa phương, thầy Nguyễn Văn Tùng đề xuất: “Cần có chế độ đặc thù để giữ chân giáo viên không chỉ là cải thiện thu nhập, mà còn để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với nghề. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời và thực chất, việc thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và tiểu học, sẽ còn trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là việc tổ chức dạy học hai buổi/ngày”.
Đây là lý do Chính phủ đã phải vào cuộc quyết liệt với yêu cầu không để tình trạng "có biên chế mà không tuyển được" tiếp diễn thêm nữa. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 61 ngày 10/5/2025 với những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể với thông điệp rõ ràng: tuyển đủ, tuyển đúng, không để thiếu hụt giáo viên làm ảnh hưởng đến việc học của học sinh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ khẩn trương rà soát, đôn đốc, kiểm tra việc tuyển dụng ở từng địa phương để đảm bảo phải tuyển đủ toàn bộ số biên chế đã được giao từ năm 2022. Đồng thời tiếp tục đề xuất bổ sung thêm biên chế nếu vẫn còn thiếu so với định mức quy định.
Thủ tướng Chính phủ còn gợi mở nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, cả trước mắt lẫn về lâu dài, nhằm gỡ “nút thắt” nhân lực cho ngành giáo dục.
Trước mắt, các địa phương được phép ký hợp đồng giảng dạy với giáo viên để bổ sung tạm thời lực lượng thiếu hụt, đặc biệt là tại các vùng khó tuyển. Đây là một biện pháp linh hoạt, cấp thiết trong bối cảnh năm học mới đang đến gần, không thể đợi tuyển biên chế chính thức mới có người đứng lớp.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành chủ động điều tiết nội bộ, sắp xếp, biệt phái giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, tổ chức dạy liên trường, liên cấp khi cần thiết, tránh tình trạng "trường có học sinh mà không có giáo viên". Về lâu dài, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung vào phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Cần sớm có chính sách thu hút giáo viên, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa - nơi khó tuyển, khó giữ chân người dạy.
Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương xác định rõ số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu theo từng năm, từng môn học, làm căn cứ để đặt hàng đào tạo, tăng cường bồi dưỡng, điều chỉnh quy hoạch trường sư phạm. Đồng thời, cần sớm có chính sách thu hút giáo viên, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa - nơi khó tuyển, khó giữ chân người dạy. Cơ chế đãi ngộ, phụ cấp khu vực, hỗ trợ nhà ở, cơ hội thăng tiến… cần được tính toán lại để tăng tính hấp dẫn cho nghề giáo. Đồng thời, có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng giáo dục, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày.
Mới đây tại phiên dự thảo Luật Nhà giáo, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, dự Luật Nhà giáo giao cho cơ quan quản lý giáo dục là cơ quan chủ trì việc tuyển dụng giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập, trực tiếp là Sở GD-ĐT. Quy định này sẽ thuận lợi cho việc tổ chức hội đồng tuyển dụng, từ khâu tổ chức cho đến đề thi, chấm thi. Tinh thần chung là phân cấp, phân quyền, "ở đâu sử dụng lao động, thì nơi đó có quyền được tuyển dụng".
Thiếu giáo viên không chỉ là vấn đề nhân sự mà là một “mắt xích” sống còn trong quá trình đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục . Rõ ràng, nếu không có cơ chế phù hợp và sự vào cuộc nghiêm túc của các bộ ngành liên quan, của địa phương, thì 66.000 biên chế vẫn chỉ là con số “nằm trên giấy”.
Thu Hằng/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/tuyen-du-tuyen-dung-giao-vien-khong-de-trong-lop-post1199297.vov