Tuyển dụng giáo viên trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tuyển đúng, tuyển đủ

Tuyển dụng giáo viên trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Tuyển đúng, tuyển đủ
6 giờ trướcBài gốc
Cô và trò Trường THPT Nam Đàn 2 (Nghệ An). Ảnh: INT
Ghi nhận thực tế, có nơi tạm dừng việc tuyển dụng, nơi chủ động giải pháp để tuyển đúng, tuyển đủ giáo viên theo số biên chế được giao, không để có biên chế mà không thực hiện tuyển dụng.
Nhiều nơi tạm dừng tuyển dụng
Huyện Than Uyên (Lai Châu) vẫn còn tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên. Cụ thể, cấp tiểu học thừa 67 người, trong khi THCS thiếu 60. Thiếu nhiều nhất là giáo viên tiếng Anh, sau đó đến Tin học. Việc tuyển dụng với 2 môn này khó khăn vì thiếu nguồn tuyển.
“Năm 2024, huyện thông báo tuyển 7 giáo viên tiếng Anh nhưng chỉ nhận được 1 hồ sơ”. Ông Đoàn Văn Đạt - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên chia sẻ thông tin này và cho biết thêm: Năm 2025, ngành Giáo dục Than Uyên được giao 1.365 biên chế viên chức, hiện có 1.344 và còn 21 biên chế viên chức chưa tuyển dụng.
Dù còn biên chế, nhưng địa phương không thực hiện tuyển vì một số lý do. Thứ nhất, hằng năm huyện vẫn thực hiện tinh giản. Ví dụ, dù còn 21 biên chế, nhưng số phải tinh giản trong năm 2026 là 35. Thứ hai, thời điểm này chưa tiến hành tuyển dụng được do thực hiện sáp nhập, bỏ cấp hành chính trung gian là huyện. Trong khi đó, quy định phân cấp trong tuyển dụng hiện còn một số nội dung chưa rõ ràng.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT tại Công văn 1581/BGDĐT-GDPT ngày 8/4/2025 nêu rõ: Tuyển dụng, sắp xếp, điều động, biệt phái, phát triển đội ngũ nhà giáo do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở GD&ĐT) thực hiện thống nhất trên toàn tỉnh để điều tiết chung, xử lý tình huống thừa thiếu giáo viên cục bộ. Tuy nhiên, tại Quyết định 579/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ nêu: “... chuyển toàn bộ nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp huyện hiện nay về xã, phường, đặc khu thực hiện”.
“Tại Công điện 61/CĐ-TTg ngày 10/5/2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không để xảy ra tình trạng có biên chế mà không thực hiện tuyển dụng. Nhưng thực tế huyện Than Uyên có những khó khăn như nói ở trên”, ông Đoàn Văn Đạt cho hay.
Thông tin từ ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), thời điểm này huyện chưa tiến hành công tác tuyển dụng giáo viên cho năm học 2025 - 2026 mà đợi sau khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp (khoảng từ ngày 1/7). Đây cũng là tình hình chung của các huyện trên địa bàn tỉnh.
Hiện Kỳ Sơn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, chủ yếu ở cấp THCS. Theo đó, thừa giáo viên các môn khác và thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học. Giải pháp khắc phục là phân công giáo viên tiếng Anh dạy liên trường, dạy trực tuyến; sử dụng nguồn giáo viên văn hóa có chứng chỉ Tin học để bố trí dạy thêm môn Tin. Giáo dục mầm non cũng thiếu giáo viên, đặc biệt khi triển khai Nghị định 66/2025/NĐ-CP ngày 12/3/2025 của Chính phủ. Về biên chế, ngành Giáo dục huyện Kỳ Sơn vẫn còn 107 chỉ tiêu chưa tuyển dụng.
Ông Phạm Viết Phúc cho biết, từ nay đến 1/7 (khi kết thúc chính quyền cấp huyện) chỉ còn 1,5 tháng, tuyển dụng trong thời gian này vẫn thuộc thẩm quyền của UBND huyện; nhưng thời gian 1,5 tháng không thể đủ triển khai (thường một đợt tuyển dụng thực hiện đúng các thủ tục cần đủ thời gian mới đảm bảo).
“Sau khi bỏ chính quyền cấp huyện, mong các cấp, ngành sớm có hướng dẫn để điều phối hài hòa giáo viên giữa các xã. Với Kỳ Sơn, từ thực tế thiếu nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh, Tin học, chúng tôi mong có phương án khắc phục bất cập này. Đơn cử như việc cho tuyển dụng giáo viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng, sau đó tạo điều kiện để thầy cô học nâng cao trình độ, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định”, ông Phạm Viết Phúc đề xuất.
Tương tự Than Uyên, Kỳ Sơn, một số địa phương việc tuyển dụng giáo viên cũng chờ sau khi xóa bỏ cấp huyện. Không chỉ chưa thực hiện tuyển dụng, có địa phương đang triển khai thì UBND huyện có quyết định tạm dừng (Tân Kỳ, Nghệ An); thậm chí đã hoàn thành tuyển dụng nhưng bị tỉnh thu hồi (Ia Grai, Gia Lai).
Giờ học tại Trường THCS Hà Lộc (Phú Thọ). Ảnh: NTCC
Bảo đảm đội ngũ cho năm học mới
Tại Phú Thọ, ông Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, địa phương đang triển khai kế hoạch tuyển dụng viên chức giáo dục. Chỉ tiêu tuyển là 258; trong đó có 136 chỉ tiêu giáo viên tiểu học, 68 chỉ tiêu giáo viên THCS, 29 chỉ tiêu giáo viên giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Thời gian theo kế hoạch của UBND tỉnh là hoàn thành trước 25/5/2025.
Năm học 2024 - 2025, huyện Cao Phong (Hòa Bình) ban hành Kế hoạch tuyển dụng 19 chỉ tiêu biên chế giáo viên đã được sở Nội vụ thẩm định. Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Kim Tuyến - Bí thư Huyện ủy Cao Phong, thực hiện Kết luận 128-KL/TW ngày 7/3/2025 của Bộ Chính trị, sở Nội vụ có Công văn 831/SNV-TCBC&CCVC ngày 12/3/2025 về việc tạm dừng việc tuyển dụng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, việc tuyển dụng tại huyện vẫn tạm dừng theo nội dung Công văn chỉ đạo.
Để đảm bảo đủ số lượng viên chức, giáo viên cho các cấp học trong thời gian tới theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Công điện 61/CĐ-TTg ngày 10/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Cao Phong sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, thống kê số lượng biên chế còn thiếu để tiếp tục đề nghị tỉnh, sở Nội vụ thẩm định cơ cấu và cho chủ trương tuyển dụng kịp thời, không để tình trạng có biên chế mà không thực hiện tuyển dụng.
Đồng thời, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện sắp xếp, điều tiết giáo viên giữa các trường trên địa bàn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; tăng cường cử giáo viên biệt phái, dạy liên trường, liên cấp.
Tại Đồng Tháp, bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc sở GD&ĐT cho biết: Ngày 12/5/2025, UBND tỉnh Đồng Tháp có văn bản về việc quản lý, sử dụng chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, phổ thông. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị sở GD&ĐT, UBND huyện/thành phố khẩn trương thực hiện tuyển dụng giáo viên bảo đảm đủ số biên chế được cấp có thẩm quyền giao; không để công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng giáo viên.
Đồng thời, thực hiện các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng giáo viên; tiếp tục rà soát, điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu... Trường hợp chưa tuyển đủ, cần bố trí nguồn lực để hợp đồng giáo viên theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ..., sở GD&ĐT báo cáo công tác tuyển dụng giáo viên năm học 2024 - 2025; thống kê nhu cầu bổ sung biên chế giáo viên đến năm học 2030 - 2031 và gửi về UBND tỉnh tổng hợp, chậm nhất đến ngày 20/5/2025. Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo nhu cầu bổ sung biên chế giáo viên đến năm học 2030 - 2031 để gửi về Bộ GD&ĐT theo quy định.
Ngày 10/5, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm biên chế giáo viên mầm non, phổ thông và nghỉ hè cho trẻ em, học sinh năm 2025.
Nêu rõ “còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương, với khoảng 60.000 biên chế được giao chưa tuyển dụng trong khi còn thiếu hơn 120.000 giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông công lập”, Công điện yêu cầu địa phương “có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tuyển đúng, tuyển đủ giáo viên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, không để xảy ra tình trạng có biên chế mà không thực hiện tuyển dụng”.
Hiếu Nguyễn
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/tuyen-dung-giao-vien-trong-boi-canh-sap-xep-tinh-gon-bo-may-tuyen-dung-tuyen-du-post731185.html