Tuyến đường mang dấu ấn miền Nam thân yêu

Tuyến đường mang dấu ấn miền Nam thân yêu
một ngày trướcBài gốc
Đường Thuận Hải có điểm bắt đầu từ thôn Cốc Sâm 5, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, kết thúc tại xã Cốc Ly, nơi tuyến đường chia đôi ngả, một hướng về xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà và một hướng về các xã Tả Thàng, La Pan Tẩn, Cao Sơn, huyện Mường Khương. Đường Thuận Hải được mở mới sau khi miền Nam giải phóng, nước nhà thống nhất, 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bình Tuy hợp nhất thành tỉnh Thuận Hải và đặt mối quan hệ kết nghĩa với tỉnh Lào Cai, tuyến đường được đặt tên như thế để đánh dấu sự kiện quan trọng đó. Đường Thuận Hải mới đây được định danh đường tỉnh 154 nhưng hầu hết người dân trong vùng vẫn gọi tên Thuận Hải, chứ không theo tên nào khác.
Trung tuần tháng 4, chúng tôi điều khiển xe bon bon trên đường Thuận Hải đã được rải nhựa láng mượt, dưới cái nắng rắc vàng khắp triền núi. Độ này, trên đường Thuận Hải, xe ô tô hối hả như thoi đưa, hầu hết là xe thu mua, vận chuyển vỏ quế, cành, cây quế. Sáng Chủ nhật nên tuyến đường nhỏ trở nên chật chội hơn ngày thường do lượng phương tiện đi chợ phiên Cốc Ly tăng, trong đó có nhiều xe chở khách du lịch. Trong suốt quãng đường khám phá chợ văn hóa Cốc Ly, nhiều du khách bị mê hoặc bởi cảnh đẹp trên đường Thuận Hải. Đó là tuyến đường uốn lượn quanh co như dải lụa bung nhẹ giữa thung lũng, hai bên là sườn núi đá cao với rừng nguyên sinh ken chặt những đại thụ, bảng lảng mây bay lướt ngang các chòm núi như tiên cảnh.
Ngã ba, nơi tuyến đường Thuận Hải hòa mình vào Quốc lộ 70 là thôn Cốc Sâm 2, xã Phong Niên (Bảo Thắng). Thôn có 118 hộ dân, chủ yếu là đồng bào Nùng. Tuyến đường Thuận Hải đi qua thôn Cốc Sâm 2 có chiều dài 4 km. Giao thông thuận lợi có vai trò như mạch nguồn dinh dưỡng nuôi “cơ thể” kinh tế của địa phương. Chị Lù Thị Hồng, dân tộc Nùng, Trưởng thôn Cốc Sâm 2 bảo, trước đây, cuộc sống của bà con rất vất vả nhưng đến nay, toàn thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Cốc Sâm 2 phát triển kinh tế với thế mạnh là lâm nghiệp và chăn nuôi. Toàn thôn có 7 trang trại lợn với quy mô trên 100 con lợn thịt, mấy chục đầu lợn nái, những hộ nuôi lẻ vài chục con “nhiều không đếm xuể”. Ngoài ra, Cốc Sâm 2 còn phát triển cây ăn quả, trồng rừng với trọng điểm là cây quế. Hiện, Nhà máy quế hồi của Công ty Vinasamex tại thôn Cốc Sâm 2 có giá trị đầu tư hơn 400 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Với công suất chế biến 10 nghìn đến 15 nghìn tấn quế tươi/năm, sản phẩm là 50 nghìn lít tinh dầu, khi Nhà máy đi vào hoạt động sẽ mở ra triển vọng phát triển bền vững cho cả vùng.
Theo hướng xã Cốc Ly, qua giữa bạt ngàn 2 bên đường những cây ăn trái, cây lâm nghiệp chúng tôi chạm vào thôn Cán Hồ, thôn có một nửa số hộ là đồng bào Dao, một nửa là đồng bào Mông. Anh Trương Văn Dũng, 40 tuổi, dân tộc Dao có ngôi nhà xây khang trang nhìn ra mặt đường Thuận Hải. Anh Dũng cho biết, từ ngày tuyến đường được nâng cấp, giao lưu kinh tế, văn hóa sôi động hẳn lên, nhờ đó, đời sống mọi mặt của bà con trong thôn ngày càng được nâng cao. Bản thân cũng nhờ được giao lưu mà tham gia kênh xuất khẩu lao động, sau gần 7 năm làm việc ở Đài Loan, tôi đã có một số vốn kha khá để về quê trồng 2 ha quế, làm trang trại nuôi gà thịt với quy mô khoảng 2 nghìn con. Nhà cạnh đường nên việc xuất bán gà, nhất là bán cho khách du lịch cũng thuận lợi. Năm nay giá gà thấp, anh Dũng tính đường để vợ ở nhà làm nông, giữ nhà cửa còn mình lại tìm đường qua Mông Cổ làm cơ khí.
Thế mạnh của thôn không phải chăn nuôi mà là lâm nghiệp, chủ yếu là quế. Ở Cán Hồ, nhà nào cũng trồng quế, đứng đầu phải kể đến hộ ông Lý Nguyễn Thuận, ông Đặng Văn Chung, mỗi hộ đang có từ 5 - 6 ha quế đến tuổi thu hoạch, nếu tính thêm diện tích mới trồng thì có tới cả chục ha. Những hộ 2 - 3 ha như ông Hiền ở Can Hồ nhiều lắm. Nhiều năm liên tiếp, giá thu mua quế ổn định nên bà con thôn Cán Hồ vui lắm. Tính sơ sơ, mỗi ha quế đến tuổi thu hoạch đại trà cũng có giá trị 500 đến 600 triệu đồng, bởi vậy danh sách những hộ sẵn tiền tỷ từ vườn đồi tại thôn Cán Hồ có nhiều.
Ông Đặng Văn Hiền, Trưởng thôn Cán Hồ, xã Phong Niên.
Trưởng thôn Đặng Văn Hiền bảo, cũng may thuận lợi là có tuyến đường nên giá trị sản phẩm người nông dân làm ra mới sát giá bán trên thị trường, đời sống người dân được nâng lên từng ngày. Thôn Cán Hồ có 131 hộ, đến nay chỉ còn 3 hộ dân diện nghèo, 1 hộ dân diện cận nghèo, số hộ khá, giàu đã vượt quá 50% hộ dân trong thôn.
Ngoài đường Thuận Hải, trên địa bàn tỉnh còn có một số tuyến đường mang dấu ấn, tình cảm của đồng bào các dân tộc Lào Cai với miền Nam thân yêu. Đó là tuyến đường Thủ Dầu Một, trục đường chính tại Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải, nối trung tâm thành phố Lào Cai với Khu công nghiệp - thương mại Kim Thành và kết nối với huyện Bát Xát. Tên của tuyến đường thể hiện “nghĩa tình ruột thịt” của tỉnh Lào Cai với tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Điều đáng nói hơn là đến nay hai tỉnh Lào Cai và tỉnh Bình Dương vẫn duy trì mối quan hệ kết nghĩa thắm thiết. Tại Khu Du lịch Sa Pa cũng có tuyến phố tại trung tâm thị xã mang tên Thủ Dầu Một, rất nhiều du khách tỉnh Bình Dương, tỉnh Sông Bé (cũ) và các tỉnh, thành phố phía Nam khi tới Sa Pa du lịch đã đến tuyến phố này chụp ảnh kỷ niệm.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân 1975, tỉnh Lào Cai đóng góp đáng kể sức người, sức của, trong đó, mối quan hệ nghĩa tình anh em ruột thịt giữa địa phương hai đầu đất nước như Lào Cai và Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương) cũng là một trong những động lực mang đến thắng lợi to lớn của dân tộc ta.
Cao Cường
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/tuyen-duong-mang-dau-an-mien-nam-than-yeu-post401098.html