Tuyến đường sắt trên cao đi xuyên tâm TP.HCM liệu có khả thi?

Tuyến đường sắt trên cao đi xuyên tâm TP.HCM liệu có khả thi?
một ngày trướcBài gốc
UBND TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ GTVT về quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM.
Đánh giá tác động của đường sắt trên cao xuyên tâm TP.HCM
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng nội dung hồ sơ đồ án thì tuyến xuyên tâm An Bình - Bình Triệu - Sài Gòn (Hòa Hưng) - Tân Kiên dự kiến đi trên cao và nằm chủ yếu trong phạm vi lộ giới các tuyến đường theo quy hoạch sẽ là một thuận lợi.
"Tuy nhiên, do tuyến đi trong nội đô sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị; ảnh hưởng đến số làn xe, bề rộng mặt đường, vỉa hè theo quy hoạch, đặc biệt tại các vị trí nhà ga; ngoài ra, còn một phần trùng chức năng với hệ thống đường sắt đô thị của TP", văn bản của UBND TP nêu.
Vì vậy, TP kiến nghị Bộ GTVT rà soát, đánh giá kỹ lưỡng đủ luận cứ chứng minh tính cần thiết thực sự, tác động xã hội và đến các dự án/công trình đô thị, người dân bị ảnh hưởng liên quan dọc tuyến.
Bên cạnh đó, TP.HCM kiến nghị Bộ GTVT cập nhật kịp thời các dự án đường sắt quốc gia đang trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
"Các nội dung quy hoạch đường sắt đầu mối cần thống nhất về quy mô mặt cắt ngang, đảm bảo phù hợp với các tuyến đường sắt đang được chuẩn bị đầu tư qua địa bàn TP. Điều này nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý quỹ đất, thu hồi đất và triển khai các dự án trong tương lai" - UBND TP.HCM nêu rõ.
Ngoài ra, UBND TP cũng nêu rõ việc thể hiện phạm vi chiếm dụng đất của các ga và trạm khách. Theo đó, các ga đầu mối chưa đầy đủ thông tin về kích thước mặt cắt ngang, chiều dài, chiều rộng hay các phương án kết nối giao thông với khu vực đô thị xung quanh. "TP kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam bổ sung các nội dung này vào hồ sơ quy hoạch để có đủ cơ sở đánh giá và góp ý chi tiết", văn bản UBND TP đề xuất.
Sơ đồ đường sắt trên cao chạy từ Bình Triệu về ga Sài Gòn và đi ga Tân Kiên. Ảnh: Liên danh tư vấn
Về Depot Long Trường và các ga đầu mối đường sắt như Thủ Thiêm, Tân Kiên, UBND TP.HCM nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ việc bố trí vị trí các ga nhằm hạn chế tác động đến các quy hoạch đô thị hiện hành. Đặc biệt, việc thay đổi mặt cắt ngang so với các quy hoạch cũ như Quy hoạch 1556 cần được giải trình rõ, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đánh giá cụ thể những ảnh hưởng trong dài hạn.
TP.HCM cũng đề nghị Bộ GTVT lưu ý vấn đề nghiên cứu phát triển TOD (khu đô thị định hướng giao thông công cộng) xung quanh các ga đầu mối, đảm bảo các nhà ga được quy hoạch có kết nối hiệu quả với hệ thống giao thông đô thị, phát huy tối đa hiệu quả khai thác.
"Để thực hiện điều này, cần sự phối hợp giữa Cục Đường sắt Việt Nam và các cơ quan chức năng của TP.HCM nhằm rà soát, giải quyết các vướng mắc liên quan đến các dự án quy hoạch dọc tuyến", UBND TP đánh giá.
Khó đánh giá tính hiệu quả trong "một sớm một chiều"
Trao đổi với pv PLO, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng đường sắt nội đô hay còn gọi là đường sắt đi xuyên trung tâm TP.HCM đã được quy hoạch từ lâu nhưng đến nay chưa triển khai.
"Dự án này hoàn toàn khả thi và cần thiết vì đường sắt đi xuyên trung tâm TP sẽ phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa tốt hơn. Chính vì vậy, các đô thị lớn trên thế giới đều cố gắng đưa đường sắt nội đô vào mạng lưới giao thông. Việc còn lại là nằm ở TP, nếu quyết tâm đầu tư cao thì sẽ thực hiện được" - ông Cương nói.
Mặt khác, ông Cương đánh giá đường sắt nội đô đảm bảo vận tải hành khách khối lượng lớn, song cần lưu tâm là việc kết nối ga trung tâm với hạ tầng giao thông hiện hữu cho hài hòa.
Về phương án, ông Cương cho rằng đường sắt nội đô có thể đi ngầm hoặc đi trên cao, nhưng nên ưu tiên phương án đi trên cao để tránh xung đột với đường bộ, giảm chi phí so với đi ngầm, phương án đi trên cao không phá vỡ cảnh quan đô thị mà ngược lại, nó tạo ra cảnh quan khác cho TP.HCM.
"Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả dự án đường sắt trên cao, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế - xã hội. Nếu chọn đi trên cao thì phải tính đến việc xử lý tiếng ồn, việc áp dụng TOD...", ông Cương phân tích.
Còn PGS.TS Chu Công Minh - Giảng viên bộ môn cầu đường Đại học Bách Khoa nhận định hệ thống đường sắt càng mạnh thì càng giảm áp lực giao thông cho hệ thống đường bộ, chính vì vậy, đường sắt nói chung và đường sắt nội đô nói riêng nên được khuyến khích đầu tư thực hiện mặc dù chi phí rất cao.
Đường sắt trên cao đi giữa đường trung tâm TP. Ảnh: liên danh tư vấn
Mặt khác, nếu nói về sự tiện lợi của giao thông công cộng thì đường sắt trên cao khó cạnh tranh vì không tiện lợi bằng xe buýt, nhưng không vì vậy mà loại bỏ phương tiện giao thông này. Ông Minh cho rằng TP.HCM vẫn phải làm để trong tương lai hình thành nên hệ thống kết nối, tạo nên một bức tranh tổng thể thì mới phát huy tối đa hiệu quả chứ không thể đánh giá trong "một sớm một chiều".
Bên cạnh đó, theo ông Minh, TP phải rút kinh nghiệm về công tác giải phóng mặt bằng trong mỗi dự án nói chung và dự án về đường sắt trên cao nói riêng từ thực tế thời gian qua vì đa phần các dự án trì trệ đều từ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Quay lại việc xây đường sắt trên cao sẽ chiếm mặt bằng rất lớn cho các cầu cạn, phải giải phóng thêm hành lang cho tuyến đường sắt, mở rộng các tuyến đường hiện hữu lên gấp 2, gấp 3 lần dẫn đến kinh phí đền bù giải tỏa sẽ rất lớn và có thể gây xáo trộn đời sống người dân. Nói tóm lại, Ông Minh hy vọng các dự án đường sắt trên cao nên được khuyến khích, song cần tính toán kỹ càng các phương án trước khi triển khai để hài hòa lợi ích các bên.
Tháng 7-2024, Liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam và Trung tâm Tư vấn - Đầu tư phát triển GTVT (liên danh tư vấn) đã có báo cáo cuối kỳ lập quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối TP.HCM. Trong đó đề xuất làm tuyến đường sắt trên cao Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên.
Đoạn tuyến đường sắt Bình Triệu - Sài Gòn - Tân Kiên dài hơn 30km "xuyên tâm" TP.HCM qua nhiều quận huyện.
Tuyến đường sắt trên cao bắt đầu từ ga Bình Triệu, đi trên cao qua TP Thủ Đức, các quận Bình Thạnh, Gò Vấp về quận 3 vào ga Sài Gòn. Sau đó, tuyến tiếp tục đi trên cao (trên cầu cạn) giữa đường 3/2, có đoạn đi bên cạnh cầu vượt thép, có đoạn đi trên cầu vượt thép vào quận 6, về quận Bình Tân và kết thúc ở địa phận huyện Bình Chánh.
NHƯ NGỌC
Nguồn PLO : https://plo.vn/tuyen-duong-sat-tren-cao-di-xuyen-tam-tphcm-lieu-co-kha-thi-post827127.html