Tuyên ngôn công nghệ mới của Trung Quốc

Tuyên ngôn công nghệ mới của Trung Quốc
2 ngày trướcBài gốc
Trên con đường vươn tới vị thế siêu cường kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đang viết lại câu chuyện của mình. Không còn là "công xưởng của thế giới" với lợi thế nhân công giá rẻ và sản xuất hàng loạt, quốc gia này giờ đây đặt cược vào một tương lai nơi công nghệ tiên phong dẫn dắt sự phát triển.
Từ mạng 6G, điện toán lượng tử, robotics đến AI, chiến lược công nghiệp hóa kiểu mới của Trung Quốc không chỉ là một kế hoạch kinh tế, mà còn là một tuyên ngôn về tham vọng đổi mới sáng tạo, đưa khoa học từ phòng thí nghiệm ra thị trường và định hình các ngành công nghiệp của tương lai.
Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2025 (CDF 2025) diễn ra cuối tuần trước tại Bắc Kinh, các quan chức cấp cao khẳng định công nghiệp hóa thế hệ mới và tích hợp đổi mới khoa học - công nghệ với đổi mới công nghiệp sẽ là động lực then chốt giúp Trung Quốc phát triển lực lượng sản xuất chất lượng cao trong năm nay, Xinhua cho biết.
Đặt cược vào “công nghệ tương lai”
Tại CDF năm nay, người ta chứng kiến sự xuất hiện của nhiều "lực lượng mới" trong sự phát triển của Trung Quốc, điển hình như Unitree Robotics, Horizon Robotics và RedNote.
Theo Global Times, khi Trung Quốc chuyển mình từ "công xưởng thế giới" thành "cái nôi sáng tạo", những sản phẩm công nghệ cao mà quốc gia này mang lại ngày càng gia tăng sức hút trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mở cửa.
Minh chứng rõ nhất là sự xuất hiện của mô hình AI DeepSeek khiến phố Wall phải giật mình. Trong lĩnh vực xe điện, Trung Quốc đã vượt qua các cường quốc công nghiệp như Đức, Nhật, Mỹ để vươn lên vị trí dẫn đầu toàn cầu về doanh số.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nước này cũng đang chiếm khoảng hơn 90% chuỗi cung ứng toàn cầu về pin mặt trời.
Trong cuộc đua về robot và máy tính lượng tử, Trung Quốc đang thách thức vị thế của Mỹ. Unitree Robotics ra mắt robot bốn chân G1 (2024) với giá chỉ bằng 1/10 Spot của Boston Dynamics nhưng vẫn linh hoạt, tải trọng tốt. Họ còn chuẩn bị tung ra robot hình người G1 với giá 16.000 USD.
“Nỗi lo về việc 'Trung Quốc thiếu hồn và cốt' giờ đây đã lắng xuống. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự trỗi dậy mạnh mẽ và ngày càng nhanh chóng của đất nước", nhà sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi, từng khẳng định trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 17/2.
"Thiếu hồn và cốt" - cụm từ xuất hiện từ năm 1999, từng ngụ ý về sự phụ thuộc vào công nghệ cốt lõi từ nước ngoài của Trung Quốc, trong đó "cốt" ám chỉ ngành công nghiệp bán dẫn - nền tảng của các thiết bị điện tử, còn "hồn" đề cập đến hệ điều hành - linh hồn của mọi hệ thống công nghệ.
Chip bán dẫn, pin năng lượng, robot hình người, công nghệ lượng tử... là những ngành công nghệ mũi nhọn của Trung Quốc.
Phát biểu tại CDF 2025, ông Lý Lạc Thành, Bí thư Đảng ủy Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT), cho biết trong năm 2025, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cung ứng khoa học - công nghệ chất lượng cao.
Cụ thể, CCTV cho biết nước này sẽ triển khai các hành động phát triển bền vững cho các chuỗi ngành sản xuất chủ chốt, đồng thời lên kế hoạch cho các dự án khoa học - công nghệ quốc gia quy mô lớn trong các lĩnh vực tiên phong như chế tạo robot hình người, sản xuất sinh học, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo hiện thân (embodied AI) và công nghệ 6G.
Đưa doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới
Trung Quốc hiểu rằng để biến khoa học thành động lực kinh tế, doanh nghiệp phải đóng vai trò trung tâm.
Hiện nay, hơn 570 công ty công nghiệp Trung Quốc lọt vào danh sách 2.500 doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất thế giới.
Theo Cục Thống kê Quốc gia, chi tiêu R&D năm 2024 đạt 497,2 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm trước, đứng thứ hai toàn cầu sau Mỹ. Tỷ lệ R&D/GDP đạt 2,68%, vượt mức trung bình của EU, theo China Daily.
Không chỉ dựa vào các tập đoàn lớn, Trung Quốc còn thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Ông Lý Lạc Thành nhấn mạnh tại CDF 2025: "Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các công ty kỳ lân (unicorn) và linh dương (gazelle) phát triển bứt phá".
Trung Quốc thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện các hoạt động R&D. Ảnh: Xinhua và The New York Times.
Để làm được điều này, chính phủ đang cải cách thể chế, mở rộng nền tảng giao dịch công nghệ quốc gia và tối ưu hóa môi trường đầu tư, nhằm kết nối tài chính, nhân tài và dữ liệu trên phạm vi toàn cầu.
Hệ sinh thái đổi mới cũng được củng cố qua mô hình hợp tác "doanh nghiệp - đại học - viện nghiên cứu". "Chúng tôi muốn xây dựng các ‘hệ sinh thái nhỏ’ tại địa phương, từ đó tạo nên một ‘hệ sinh thái lớn’ tích hợp toàn cầu", ông Lý nói.
Đây là chiến lược không chỉ giúp Trung Quốc tự chủ công nghệ, mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Rót tiền vào Trung Quốc là đầu tư vào tương lai"
Dù tập trung vào nội lực, nhìn xa hơn, chiến lược "lực lượng sản xuất chất lượng mới" của Trung Quốc không chỉ dành cho nội địa.
Với bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng, trong khi Trung Quốc ngầm ám chỉ Mỹ đang dựng lên bức tường sắt ngăn cách, sa lầy trong tư duy "được - mất" thì nước này lại gửi lời mời chân thành tới các nhà lãnh đạo toàn cầu với thông điệp “Giải phóng toàn diện động năng phát triển”.
Đặc biệt, các quan chức cùng truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục nhấn mạnh về hình ảnh "cây ngô đồng" vững chãi, luôn chào đón những "chim phượng hoàng vàng" từ khắp nơi trên thế giới.
Có thể thấy, điểm nổi bật tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) năm nay là sự gia tăng số lượng "bạn mới" tham dự và phạm vi quốc tế ngày càng mở rộng.
Sự kiện có sự góp mặt của các tập đoàn đa quốc gia đến từ 21 quốc gia, với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Apple, Pfizer (Mỹ), Siemens, BMW (châu Âu), Samsung (Hàn Quốc), Mizuho Financial Group (Nhật Bản) cùng đại diện doanh nghiệp từ Malaysia, Brazil và các nước thuộc "Nam bán cầu”.
Các khách mời là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới tại CDF 2025. Ảnh: cnsphoto.
Tại Diễn đàn, ông Lý Lạc Thành cũng nhấn mạnh Trung Quốc khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài thành lập trung tâm R&D tại nước này, đồng thời hợp tác với doanh nghiệp trong nước để nghiên cứu công nghệ.
Điều này càng được củng cố khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hợp tác và đầu tư trong cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài hôm 28/3.
Ông Tập khẳng định rằng các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc "duy trì trật tự toàn cầu" và kêu gọi họ hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc không chỉ là điểm đến an toàn, ổn định mà còn là mảnh đất đầy tiềm năng cho các công ty ngoại.
“Rót tiền vào Trung Quốc chính là đầu tư vào tương lai", ông tuyên bố.
"Các quan chức Trung Quốc đang gửi đi những tín hiệu đúng đắn", ông Sean Stein, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc nhận định, theo WSJ.
Ông Evan Greenberg, CEO của tập đoàn bảo hiểm Chubb và đồng chủ tịch Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, cũng cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc có toàn quyền theo đuổi chiến lược an ninh quốc gia của riêng mình, nhưng đồng thời cũng nhận thấy rõ vai trò không thể thiếu của khu vực tư nhân trong việc giúp Trung Quốc đạt được các mục tiêu phát triển.
“Trung Quốc vẫn cần vốn, công nghệ và tri thức từ phần còn lại của thế giới”, ông Greenberg nói.
Phương Linh
Nguồn Znews : https://znews.vn/tuyen-ngon-cong-nghe-moi-cua-trung-quoc-post1541360.html