Tuyển người tài bằng biên chế công chức hay ký hợp đồng lương cao?

Tuyển người tài bằng biên chế công chức hay ký hợp đồng lương cao?
7 giờ trướcBài gốc
Một trong những điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9 này là quy định được phép tuyển dụng người tài năng từ khu vực ngoài công lập bằng hình thức tiếp nhận; được phép ký hợp đồng có thời hạn đối với chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức.
Xây dựng khung chính sách linh hoạt giữa biên chế và hợp đồng lao động
Về ý kiến liệu có cần biên chế công chức hay chỉ nên ký hợp đồng lao động với các chuyên gia, người có tài năng, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng mỗi phương án đều có ưu điểm và hạn chế.
Theo ông Nghĩa, ưu điểm của biên chế công chức là tạo sự ổn định về chính sách, chế độ (lương, phụ cấp, bảo hiểm...), từ đó khuyến khích người tài gắn bó lâu dài với khu vực công. Điều này đặc biệt quan trọng với các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao hoặc công việc mang tính chiến lược.
Tuy nhiên, “biên chế suốt đời” đang dần được thay thế bằng đánh giá dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ và KPI cụ thể. Điều này có thể làm giảm tính cứng nhắc của biên chế nhưng vẫn giữ được tính ổn định cần thiết.
Trong khi đó, hợp đồng lao động giúp giảm áp lực lên quỹ biên chế, đồng thời tạo cơ chế đãi ngộ vượt trội, huy động nguồn lực từ ngoài ngân sách Nhà nước. Nhược điểm của hợp đồng lao động là thiếu sự ổn định lâu dài, có thể khiến người tài không muốn gắn bó nếu chế độ không đủ hấp dẫn.
TS. Phạm Trọng Nghĩa là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về Quản trị toàn cầu tại Đại học Princeton, Mỹ (2015-2016) và tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh (2016-2017). Ảnh: Quốc hội
Đại biểu cho rằng, việc ký hợp đồng để thực hiện một số công việc thuộc vị trí việc làm công chức, đặc biệt với các chuyên gia, nhà khoa học, hoặc người có tài năng là cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp với xu hướng quốc tế, khi khu vực công cần thu hút nhân tài từ khu vực tư hoặc các lĩnh vực đặc thù mà không nhất thiết đưa họ vào biên chế.
"Do vậy, tôi cho rằng, ở các vị trí then chốt hoặc cần gắn bó lâu dài như lãnh đạo, quản lý, chuyên môn sâu… nên ưu tiên biên chế công chức để đảm bảo ổn định và trách nhiệm. Với các vị trí mang tính dự án, ngắn hạn hoặc yêu cầu chuyên môn đặc thù như quản lý dự án, nhân viên kỹ thuật, thì hợp đồng lao động là lựa chọn phù hợp, đi kèm là chính sách đãi ngộ cạnh tranh.
Bên cạnh đó, dự thảo cần xây dựng khung chính sách linh hoạt, cho phép chuyển đổi giữa biên chế và hợp đồng lao động dựa trên nhu cầu thực tiễn và năng lực cá nhân, đồng thời đảm bảo quyền lợi tương xứng”, ông Nghĩa phân tích.
Nghiêm túc phân loại công chức để lựa chọn đúng
Trong bối cạnh sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp hiện nay sẽ có một lượng lớn cán bộ, công chức dôi dư. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn có chỉ tiêu tuyển người tài năng thì phải mạnh dạn sa thải công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc, chứ không thể vừa tuyển người mới vừa giữ người cũ.
Khi thực hiện sắp xếp lại và tinh gọn bộ máy sẽ có một lượng cán bộ, công chức dôi dư không nhỏ. Ảnh: Phạm Hải
Để làm được việc này, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, việc đánh giá và phân loại cán bộ dựa trên năng lực là yếu tố hết sức quan trọng. Chỉ có sàng lọc bằng bộ tiêu chí rõ ràng thì mới có thể loại ra khỏi hệ thống người không đáp ứng được yêu cầu công việc.
“Chúng ta cần xây dựng tiêu chí đánh giá minh bạch thông qua bộ tiêu chí đánh giá năng lực cụ thể, bao gồm trình độ chuyên môn, kỹ năng, hiệu suất công việc, thái độ làm việc và khả năng đóng góp cho tổ chức. Các tiêu chí cần được công khai và áp dụng thống nhất.
Để đảm bảo công bằng và khách quan, cần sử dụng phương pháp đa chiều - đánh giá từ cấp trên, đồng nghiệp và tự đánh giá. Dựa trên kết quả đánh giá đó phân loại cán bộ thành các nhóm: xuất sắc, đáp ứng yêu cầu, cần đào tạo thêm, không đáp ứng. Trong đó, nhóm cán bộ có năng lực cao sẽ được ưu tiên giữ lại, nhóm không đáp ứng thì phải loại ra” - đại biểu đề xuất.
Đồng thời, theo ông Nghĩa, cần có chính sách đãi ngộ phù hợp về tiền lương cũng như cơ hội thăng tiến, đặc biệt phải chú trọng tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, khuyến khích sáng tạo và hỗ trợ cân bằng giữa công việc và cuộc sống để giữ chân người tài bên trong hệ thống.
Nguyễn Thảo
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/tuyen-nguoi-tai-bang-bien-che-cong-chuc-hay-ky-hop-dong-luong-cao-2403301.html