Tuyển nữ Việt Nam vắng bóng dần những cầu thủ trụ cột.
FIFA chính thức tăng số đội tham dự World Cup nữ 2031 lên 48 đội, mở ra cơ hội vàng cho các đội bóng ở nhóm trung bình khá như Việt Nam. Trên lý thuyết, điều này đồng nghĩa với việc châu Á vốn chỉ có 6 suất trực tiếp sẽ có thể được mở rộng thêm 1-2 suất nữa. Nhưng cơ hội chỉ là một phần. Điều quan trọng hơn là tuyển nữ Việt Nam sẽ giành vé đi World Cup lần nữa như thế nào?
World Cup 2023 là lần đầu tiên tuyển nữ Việt Nam tham dự. Đội hình khi đó có độ tuổi trung bình khá cao. Những cựu binh như Huỳnh Như, Tuyết Dung, Chương Thị Kiều, Trần Thị Kim Thanh,... là trụ cột không thể thay thế. Nhưng chỉ chưa đầy 1 năm sau, nhiều cái tên trong số này không còn giữ được phong độ đỉnh cao hoặc dần chuyển hướng sang công tác huấn luyện. Thậm chí, một số cầu thủ còn không thi đấu thường xuyên do chấn thương.
Vấn đề nằm ở chỗ, trong những đợt tập trung gần đây, ban huấn luyện gần như không tìm ra được thế hệ kế cận tương xứng về trình độ. Lực lượng mới gọi đa phần là cầu thủ trẻ, thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế và chưa có sự thể hiện thực sự nổi bật ở cấp độ CLB. Tức là, lớp kế cận có nhưng chưa đủ sức để tạo niềm tin.
Một trong những dấu hỏi lớn nằm ở chính hệ thống đào tạo trẻ. Nếu như bóng đá nam có hàng chục trung tâm lớn nhỏ, thì ở sân chơi nữ, số lượng đội bóng tham gia giải VĐQG chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, nhiều đội như TP.HCM, Hà Nội hay Thái Nguyên phải “gồng gánh” ở nhiều tuyến. Mật độ thi đấu và ngân sách eo hẹp khiến công tác đào tạo trẻ gần như bị xem nhẹ.
TP.HCM là ví dụ, đãi ngộ từ một số đối thủ khiến họ bất đắc dĩ chia tay nhiều trụ cột như Bích Thùy, Kim Thanh… Họ đăng quang giải vô địch quốc gia 2024 nhưng đội hình lại phụ thuộc phần lớn vào những cầu thủ đã ờ phía bên kia sườn dốc sự nghiệp, trong đó có cả những cầu thủ Việt kiều. Lực lượng trẻ gần như không có ai nổi bật. Nếu ngay cả nhà vô địch cũng phải “vá víu” bằng những lựa chọn cuối cùng, thì giấc mơ World Cup của tuyển nữ rõ ràng đang thiếu nền móng bền vững.
FIFA tăng số đội tham dự World Cup nữ 2031. Nhưng làm thế nào để bóng đá nữ Việt Nam dự World Cup?
Ở một khía cạnh khác, không thể không nhắc tới bài toán con người trong ban huấn luyện. HLV Mai Đức Chung người được ví như “cây đại thụ” của bóng đá nữ Việt Nam đã cống hiến gần hết sự nghiệp cho đội tuyển. Nhưng sau hàng chục năm, câu hỏi đặt ra là: “Tại sao vẫn chỉ có Mai Đức Chung?”.
Trong số những người “mặn mà” với bóng đá nữ hiện tại, HLV Văn Thị Thanh là người có bằng cấp cao nhất khi sở hữu bằng pro AFC. Nhưng cựu tuyển thủ người Hà Nam chỉ có kinh nghiệm làm trợ lý ở các đội tuyển nữ trẻ và gần đây dẫn dắt đội nữ Thái Nguyên, thiếu kinh nghiệm thực chiến ở các sân chơi tầm cỡ châu lục.
HLV Đoàn Thị Kim Chi nhiều lần cùng đội nữ TP.HCM vô địch ở các đấu trường trong nước, vừa rồi là tấm vé vào chung kết giải vô địch các CLB nữ châu Á. Đồng thời đây là “cánh tay đắc lực” của HLV Mai Đức Chung ở tuyển nữ Việt Nam trong nhiều năm. Dẫu vậy, HLV Đoàn Thị Kim Chi lại thiếu các chứng chỉ quan trọng để “đứng lớp”.
FIFA mở cánh cửa, nhưng tuyển nữ Việt Nam phải tự bước qua. Trẻ hóa là điều bắt buộc, nhưng trẻ hóa không đồng nghĩa với việc thiếu nền tảng. Lớp kế cận không thể chỉ “xuất hiện theo mùa” hoặc phụ thuộc vào Việt kiều.
Điều cần nhất lúc này là một chiến lược tổng thể: nâng chất giải nữ quốc gia, đầu tư bài bản cho tuyến trẻ, mở rộng đào tạo HLV trẻ, tạo ra nhiều cơ hội thi đấu quốc tế… Nếu không, cơ hội World Cup 2031 sẽ tiếp tục là giấc mơ xa vời. Lúc đó, câu hỏi "Ai sẽ thay thế Huỳnh Như?" vẫn sẽ tiếp tục bị bỏ ngỏ.
Hải Giang