Chiều 9-7, tại Khách sạn Mường Thanh, phường Minh Xuân, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức chương trình Gặp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày Du lịch Việt Nam (9/7/1960-9/7/2025) nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành Du lịch, tạo diễn đàn giao lưu trao đổi kinh nghiệm, định hướng phát triển ngành Du lịch Tuyên Quang sau sáp nhập.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Ngọc Hà tặng hoa, chúc mừng những người làm du lịch trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Du lịch Việt Nam.
Dự buổi Gặp mặt có đồng chí Vương Ngọc Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Báo và phát thanh, truyền hình Tuyên Quang; Sở Nội vụ tỉnh; Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Trung tâm Xúc tiến du lịch, doanh nghiệp du lịch.
Ngày 09/7/1960, theo Nghị định số 26/CP của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Công ty Du lịch Việt Nam được thành lập, chính thức đánh dấu sự ra đời của ngành Du lịch nước nhà. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ngành du lịch bước vào giai đoạn mới, tiếp quản và phát triển hệ thống du lịch ở các tỉnh, thành phía Nam, làm tiền đề cho giai đoạn phát triển sôi động sau này.
Bước ngoặt quan trọng đến từ năm 1986, khi đất nước thực hiện công cuộc Đổi mới và mở cửa hội nhập. Du lịch từ một ngành chủ yếu phục vụ nội bộ và đối ngoại, đã chuyển mình trở thành ngành kinh tế có sức hút đầu tư, tiềm năng tăng trưởng cao và khả năng lan tỏa rộng đến nhiều lĩnh vực khác.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Ngọc Hà phát biểu tại buổi Gặp mặt kỷ niệm.
Năm 1992, Tổng cục Du lịch được thành lập, đánh dấu sự nâng tầm trong công tác quản lý nhà nước đối với ngành. Năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, thể hiện quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng, Nhà nước nhằm kiến tạo cơ sở pháp lý và động lực mạnh mẽ để ngành Du lịch phát triển bứt phá.
Giai đoạn 2020-2025 chứng kiến những nỗ lực mạnh mẽ của ngành du lịch để vượt qua đại dịch COVID-19, thử thách khắc nghiệt chưa từng có trong lịch sử. Nhờ các chính sách trúng và đúng, du lịch Việt Nam đã có bước phục hồi ấn tượng. Năm 2022, lượng khách quốc tế đạt 3,7 triệu lượt, năm 2024 đạt 17,6 triệu lượt, tương đương 98% so với năm 2019 - tỷ lệ phục hồi cao nhất trong khu vực ASEAN, tổng thu từ du lịch đạt 515 nghìn tỷ đồng. Du lịch được Chính phủ đánh giá là điểm sáng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Những nỗ lực của Du lịch Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, các tổ chức giải thưởng, các hãng truyền thông quốc tế ghi nhận. Thành tựu của ngành Du lịch Việt Nam trong 65 năm qua là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp, đối tác quốc tế và đặc biệt là tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, người lao động trong ngành du lịch.
Tại tỉnh Tuyên Quang (chưa sáp nhập) xác định du lịch là 3 lĩnh vực đột phá, tập trung xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tỉnh xác định phát huy truyền thống lịch sử cách mạng, bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp để phát triển các loại hình du lịch nhanh, bền vững.
Các đại biểu dự buổi Gặp mặt kỷ niệm.
Năm 2024 toàn tỉnh đón 2,8 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến địa phương. Riêng tỉnh Hà Giang (cũ) cũng lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2024 đón trên 3,2 triệu lượt khách trong và ngoài nước. Sau khi tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang chính thức sáp nhập vào ngày 1-7, tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh Tuyên Quang (mới) rất đa dạng, phong phú, bổ trợ cho nhau.
Phát biểu tại buổi Gặp mặt kỷ niệm, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Ngọc Hà gửi lời chúc mừng và quan tâm của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy tới lĩnh vực du lịch của tỉnh.
Đồng chí đánh giá cao tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, cần có những giải pháp cụ thể để phát huy, nhất là phấn đấu đưa Khu du lịch Tân Trào, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình, Cao nguyên đá Đồng Văn tiến tới trở thành những khu du lịch quốc gia.
Trước mắt các đơn vị chức năng phối hợp làm tốt việc kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Lễ hội Thành Tuyên; Lễ hội Hoa tam giác mạch. Nhanh chóng kiện toàn Hiệp hội Du lịch của tỉnh trên cơ sở sáp nhập Hiệp hội Du lịch tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang cũ; thành lập Ban Chỉ đạo Du lịch của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, mảnh đất Tuyên Quang rất đẹp, muốn phát huy hết tiềm năng du lịch thì cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân cần đoàn kết, làm việc khoa học, sáng tạo và tâm huyết, chắc chắn du lịch Tuyên Quang có nhiều kỳ vọng, dấu ấn riêng.
Tin, ảnh: Quang Hòa