Trung tâm Hội nghị tỉnh Tuyên Quang mới. (Nguồn: Báo Tuyên Quang)
Tuyên Quang và Hà Giang là hai tỉnh có nhiều nét tương đồng về kinh tế, chính trị, xã hội. Đây là những lợi thế, tiềm năng để hai địa phương liên kết, cùng phát triển sau khi hợp nhất.
Việc sáp nhập hai tỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, xu thế phát triển, đồng thời bảo đảm yếu tố lịch sử của hai tỉnh; tạo điều kiện để liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế, mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Cộng hưởng để phát huy tiềm năng
Nền kinh tế Tuyên Quang chủ yếu dựa vào công nghiệp chế biến là lâm nghiệp. Năm 2024, đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì với tổng thu ngân sách đạt 4.349 tỉ đồng, tăng hơn 41% so với năm trước. Cơ cấu kinh tế của Tuyên Quang có nhiều chuyển biến, xu hướng tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ.Tuyên Quang hiện tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, khai thác tiềm năng rừng bền vững, cùng với đó là du lịch sinh thái tại Tân Trào, Na Hang - Lâm Bình.
Còn tại Hà Giang, địa phương tập trung khai thác tiềm năng du lịch và các sản phẩm nông nghiệp đặc sản. Năm 2024, Hà Giang thu ngân sách đạt 2.475 tỉ đồng, đạt 119,9% kế hoạch Trung ương giao. Kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 280,5 triệu USD. Ngoài du lịch, chè Shan tuyết là biểu tượng nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào thu nhập người dân Hà Giang. Năm 2023, sản lượng loại cây này đạt 91.600 tấn, đứng thứ ba cả nước.
Cột cờ Lũng Cú (Hà Giang cũ) thuộc xã Lũng Cú của tỉnh Tuyên Quang sau khi sáp nhập hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. (Nguồn: ivivu)
Ngoài phát triển kinh tế, Tuyên Quang và Hà Giang có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, xã hội. Đây đều là vùng căn cứ cách mạng, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao như người Mông, Tày, Dao. Địa hình chủ yếu là đồi núi xen lẫn sông suối. Những nét tương đồng là tiền đề để hai địa phương liên kết và hỗ trợ nhau hiệu quả sau sáp nhập. Sau khi tiến hành hợp nhất, tỉnh Tuyên Quang mới có diện tích là 13.795,5 km2; quy mô dân số đạt 1.865.270 người với 125 đơn vị hành chính cấp xã.
Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm
Nhằm tạo nền tảng hạ tầng cho phát triển lâu dài, ngay từ đầu năm 2025, tỉnh Hà Giang (nay là tỉnh Tuyên Quang mới) đã triển khai đồng bộ việc chuyển tiếp, quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công, thúc đẩy động lực tăng trưởng.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy về đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, có tác động xoay chuyển động lực kinh tế của tỉnh.
Ban hành kế hoạch chuyển tiếp quản lý các chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch đầu tư công trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp; trong đó, phân định rõ các nhiệm vụ theo ba giai đoạn: Trước, trong và sau khi có quyết định (hoặc có nghị quyết) của cấp có thẩm quyền về sắp xếp, sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính.
Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư các dự án trọng điểm là nhiệm vụ được tỉnh xác định quan trọng hàng đầu để thúc đẩy động lực tăng trưởng. Do đó, các ngành, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, có quyết tâm cao, nỗ lực, hành động quyết liệt theo phương châm “làm việc nào dứt việc đó”. Chủ động kiểm tra, xử lý vướng mắc phát sinh ngay tại đơn vị, công trường, dự án, bảo đảm kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Hà Giang (nay là Tuyên Quang mới) đang triển khai 12 dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư trên 9.844 tỷ đồng, lũy kế khối lượng thực hiện từ khi khởi công đến nay đạt trên 6.520 tỷ đồng. Lũy kế vốn đã bố trí từ khi khởi công đến nay trên 8.407 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn bố trí năm 2025 trên 2.374 tỷ đồng; lũy kế đã giải ngân kế hoạch vốn 2025 đạt trên 573 tỷ đồng, đến nay đạt trên 44% kế hoạch.
Đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư các dự án trọng điểm là nhiệm vụ được tỉnh Tuyên Quang mới xác định quan trọng hàng đầu để thúc đẩy động lực tăng trưởng. (Nguồn: Báo Tuyên Quang)
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Hà Giang (nay là Tuyên Quang mới), tỉnh đang gấp rút hoàn thiện các dự án đầu tư công trọng điểm, trong đó có 2 dự án được lựa chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (Kết luận số 1091-KL/TU), 2 dự án cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng: Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang, quy mô 2 làn xe, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025; dự án Hệ thống cấp nước suối Sửu về hồ dự trữ điều tiết nước trung tâm xã Phong Quang để bảo vệ nguồn nước trồng, bảo vệ rừng, rừng đặc dụng, chống hạn hán, phát triển nông lâm nghiệp, tận thu cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh môi trường cho xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang (đã hoàn thành 100% phương án giải phóng mặt bằng); dự án Khu liên hợp thể thao và văn hóa tỉnh Hà Giang (giai đoạn I), dự kiến hoàn thành vào tháng 7/2025; dự án Đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang, dự kiến hoàn thành vào dịp 2/9/2025.
Thời gian tới, Hà Giang (nay là Tuyên Quang mới) tiếp tục đồng bộ các giải pháp thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công, tập trung rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng nhiệm vụ, dự án để kịp thời có phương án điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn theo quy định; rà soát, xác định rõ những tồn tại, yếu kém ở từng khâu trong chỉ đạo, điều hành, quản lý đến tổ chức thực hiện của từng dự án để kịp thời xử lý vướng mắc của từng khâu, nhất là về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, thanh quyết toán vốn đầu tư; điều hành linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025.
Trịnh Hạnh