Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: An Nhiên
Dự kỳ họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Thị Nga; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn...
Tinh gọn bộ máy, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh
Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã xem xét, thông qua Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang sẽ sắp xếp 134 xã, phường, thị trấn để thành lập 48 phường, xã (43 xã, 5 phường); Giữ nguyên 3 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: xã Trung Hà, xã Hùng Đức, xã Kiến Thiết.
Nghị quyết chủ trương hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giangđược HĐND tỉnh thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Theo đó, HĐND tỉnh nhất trí với chủ trương hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, lấy tên tỉnh Tuyên Quang; Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang hiện nay.
Việc hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang hướng đến tinh gọn bộ máy, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, có tính liên kết vùng cao, thuận lợi cho việc hình thành chuỗi giá trị sản xuất, mở rộng thị trường và thu hút đầu tư, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và của cả nước.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: An Nhiên
HĐND tỉnh cũng đã thảo luận, biểu quyết thông qua các nghị quyết quan trọng về phân bổ vốn ngân sách gồm: Nghị quyết quyết định phân bổ, điều chỉnh, bổ sung dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2025 cho các cơ quan, đơn vị sau khi thành lập, sắp xếp và tổ chức lại một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Nghị quyết quyết định điều chỉnh Kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (vốn sự nghiệp), tỉnh Tuyên Quang năm 2025; Nghị quyết về việc giao dự toán thu viện trợ, chi ngân sách cấp tỉnh năm 2025 từ nguồn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài; Nghị quyết về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 – 2025...
Chung sức thực hiện thắng lợi các quyết sách lớn
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy Hà Thị Nga đã nhấn mạnh những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội quý I. 2025. Qua đó, đánh giá cao và biểu dương những đóng góp hết sức quan trọng của HĐND tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Thị Nga khẳng định việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp không chỉ là một cuộc cách mạng về tổ chức mà còn là cơ hội lịch sử, giải pháp căn cơ để chủ động vượt qua thách thức, kiến tạo không gian phát triển mới. Việc hướng đến xây dựng một bộ máy hành chính thực sự hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp chính là động lực mạnh mẽ để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, xây dựng tỉnh Tuyên Quang mới phát triển nhanh và bền vững.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang Hà Thị Nga phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. Ảnh: An Nhiên
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, Bí thư tỉnh ủy Hà Thị Nga đề nghị các cấp, các ngành, ngay sau kỳ họp tập trung thực hiện tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết được HĐND tỉnh thông qua. Đặc biệt, đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính, phải quan tâm làm tốt công tác chính trị tư tưởng; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách cho cán bộ bị ảnh hưởng; làm tốt công tác bàn giao, tiếp nhận...bảo đảm bộ máy mới vận hành thông suốt, hiệu quả ngay từ những ngày đầu.
Song song với việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, phải tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Quan tâm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm đạt và vượt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên 9%; quyết tâm hoàn thành kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30.8.2025.
Chủ tọa điều hành kỳ họp. Ảnh: An Nhiên
Bên cạnh đó, việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy phải được tiến hành đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030. Cụ thể: Đại hội cấp cơ sở hoàn thành trước 30.6; cấp trên cơ sở hoàn thành trước 31.8; Đại hội Đảng bộ tỉnh tổ chức sau khi hợp nhất hai tỉnh, hoàn thành trước 31.10.2025. Việc xây dựng các văn kiện đại hội phải bảo đảm chất lượng, có tầm nhìn, gắn với tình hình mới sau sắp xếp đơn vị hành chính. Đặc biệt, công tác nhân sự phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy trình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới và phù hợp với mô hình tổ chức sau sắp xếp.
Dù trước mắt còn nhiều khó khăn, khối lượng công việc lớn, nhưng với niềm tin vững chắc vào trí tuệ, bản lĩnh và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở; sự tin tưởng, kỳ vọng của Nhân dân, Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, truyền thống cách mạng với khí thế của Chiến thắng 30.4 lịch sử, cùng nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo; chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi các chủ trương quyết sách lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước, xây dựng tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
Quan tâm các thủ tục hành chính phát sinh sau sắp xếp
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh: Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, thông qua 14 nghị quyết quan trọng và 2 nghị quyết về công tác cán bộ. Trong đó nổi bật là Nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh và Nghị quyết về chủ trương hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang.
"Thời gian tới, nhiệm vụ đặt ra đối với cả hệ thống chính trị là hết sức nặng nề, đòi hỏi phải triển khai công việc khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt và đồng thời trên tất cả các lĩnh vực, không được để chậm trễ bất kỳ nội dung nào", Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung phát biểu bế mạc kỳ họp
Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh các cấp, các ngành và các địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó: khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan để trình Bộ Nội vụ thẩm định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ để chủ động cung cấp, bổ sung tài liệu kịp thời, chính xác nhằm sớm ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết với yêu cầu cụ thể, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm; bảo đảm tính khả thi cao, để ngay sau khi Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực, tỉnh có thể tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, giúp bộ máy chính quyền cấp xã, cấp phường mới sớm ổn định và vận hành hiệu quả.
Việc hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Tuyên Quang sẽ tác động mạnh đến tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước nói chung và địa phương nói riêng, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần thay đổi tư duy, thống nhất nhận thức, tư tưởng, vượt qua băn khoăn, lo lắng, tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn “Đất nước là Quê hương” của Tổng Bí thư Tô Lâm để chung tay xây dựng đất nước Việt Nam và tỉnh Tuyên Quang giàu mạnh, phát triển.
UBND tỉnh chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành khi thay đổi về thẩm quyền cấp tỉnh, cấp xã về lĩnh vực quy hoạch, tài chính...; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, đảm bảo không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Thực hiện sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng. Quan tâm thực hiện các thủ tục hành chính phát sinh sau sắp xếp đơn vị hành chính, nhất là các lĩnh vực thiết yếu, như: đăng ký hộ tịch, đất đai, tài chính, bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục… nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, tổ chức và bảo đảm hoạt động của bộ máy hành chính được thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không để gián đoạn công việc, không bỏ trống nhiệm vụ, địa bàn, lĩnh vực.
Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung cũng trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Hà Thị Nga tại kỳ họp để tiếp tục cụ thể hóa trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện bảo đảm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
An Nhiên