Tuyển sinh 2025: Nhiều tranh cãi về quy định thang điểm chung và 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm

Tuyển sinh 2025: Nhiều tranh cãi về quy định thang điểm chung và 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm
5 giờ trướcBài gốc
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, Dự thảo thông tư sửa đổi tập trung khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay. Cụ thể: việc cơ sở đào tạo sử dụng nhiều phương thức, tổ hợp môn xét tuyển đối với cùng một chương trình, ngành đào tạo, trong đó có việc một số cơ sở đào tạo dành quá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm, hay việc quy định điểm cộng quá lớn cho các chứng chỉ ngoại ngữ.
Bà Thủy cho hay, những điểm mới cốt lõi là điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo; xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh...
Thang điểm chung – nhiều ý kiến trái chiều
Dự thảo quy định, cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích. Về điều này, GS.TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Nên bỏ điều này vì không có cơ sở khoa học để yêu cầu thí sinh phải đạt điểm tối đa khi chuyển đổi. Việc này gây khó khăn và bất công khi xét tuyển sinh viên quốc tế bằng kết quả học tập tại nước sở tại hoặc kết quả SAT, ACT.
GS Đức đề nghị chỉnh sửa: “Xét tuyển từ cao đến thấp cho hết chỉ tiêu sau khi chuyển đổi”.
Còn TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội cho biết, dự thảo Thông tư quy định điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển được quy đổi về một thang chung sẽ giúp giải quyết vấn đề chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các phương thức và tổ hợp môn xét tuyển, đảm bảo sự công bằng cho các thí sinh ứng tuyển theo các phương thức và tổ hợp môn khác nhau.
Tuy nhiên, theo ông Dũng việc các phương thức, tổ hợp đều quy về một thang điểm, công tác tuyển sinh của các trường có nhiều thay đổi. Các cơ sở đào tạo có nhiều phương thức và tổ hợp môn xét tuyển khác nhau, sẽ phải nghiên cứu kỹ phương án quy đổi về một thang chung sao cho hợp lý và cho phép họ tuyển sinh được những thí sinh thực sự có năng lực, qua đó nâng cao được chất lượng đầu vào.
TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội
Với quy định trên, theo quan điểm của PGS.TS Phạm Minh Toại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp, việc quy đổi điểm xét tuyển, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển về một thang điểm chung là một chủ trương nhằm hiện thực hóa mục tiêu tạo sự công bằng trong tuyển sinh đối với tất cả thí sinh. Việc quy đổi về một thang điểm chung không có ảnh hưởng lớn đến công tác tuyển sinh trong cùng một chương trình, ngành, nhóm ngành.
Ông Toại cho hay, thực tế tuyển sinh cho thấy nếu một sở giáo dục lựa chỉ lựa chọn phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc Trung học phổ thông (THPT) hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT, chứng chỉ ngoại ngữ thì việc quy đổi tương đối thuận tiện, song nếu cơ sở giáo dục áp dụng nhiều phương thức xét tuyển bao gồm cả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, hoặc sử dụng điều kiện phụ trong xét tuyển để lựa chọn được thí sinh đặc thù của từng chương trình, ngành, nhóm ngành thì vấn đề quy đổi sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, nếu phương pháp quy đổi về thang điểm chung do cơ sở đào tạo xây dựng và quyết định thì sẽ có sự khác nhau trong toàn hệ thống khi đó nếu có cũng chỉ tạo được công bằng trong phạm vi cơ sở đào tạo mà không đảm bảo được mục tiêu này trong toàn hệ thống.
Cần phải làm rõ khái niệm “xét tuyển sớm”
Theo dự thảo, cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Đình Đức cho rằng, khái niệm “xét tuyển sớm” cần phải định nghĩa tường minh trong Quy chế để phân biệt giữa kết quả xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi tuyển bằng các kì thi độc lập vì tỉ lệ trúng tuyển, chỉ tiêu và cách thức là khác nhau. Cần làm rõ tránh nhầm lẫn cho thí sinh, xã hội và các trường đại học.
Về quy định bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung, theo GS.TS Nguyễn Đình Đức, không có cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất quy định này với phương thức thi tuyển. Nếu như chuyển đổi sang thang điểm xét tuyển 3 môn thi tốt nghiệp vì điểm chuẩn xét tuyển của các phương thức phụ thuộc vào độ khó đề thi và chỉ tiêu tuyển sinh từng phương thức. Hơn nữa, các phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi chứng chỉ quốc tế, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét học sinh giỏi, xét học sinh trường Chuyên và điểm thi Tốt nghiệp, xét theo ưu tiên xét tuyển sẽ không thể áp dụng đúng điều này.
GS.TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội
GS Nguyễn Đình Đức cho rằng, chỉ nên quy định điểm sàn giữa các phương thức là tương đương hoặc tỉ lệ với nhau bằng một hệ số k nhất định (theo tỉ lệ chỉ tiêu và độ khó). Điều này chỉ áp dụng với xét tuyển bằng kết quả học bạ bậc THPT. Đồng thời, GS Đức đề xuất: Bộ GD-ĐT nên hỗ trợ tổ chức đăng ký xét tuyển tất cả các đợt cho tất cả các phương thức trong năm tuyển sinh đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các đợt tuyển sinh.
Còn đối với Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo, theo GS Đức xét lại cơ sở khoa học để xuất tỉ lệ 20%. Nên đề xuất quy định chỉ tiêu xét tuyển theo từng phương thức và không thay đổi, điều chỉnh giữa các phương thức. Chỉ tiêu theo từng phương thức xây dựng theo tỉ lệ tốt nghiệp đúng hạn của chương trình đào tạo do Thủ trưởng chịu trách nhiệm giải trình.
Còn theo quan điểm của TS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội thì việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm tối đa 20% so với tổng chỉ tiêu và yêu cầu xét đủ kết quả học tập của 6 học kỳ trong chương trình trung học phổ thông có thể góp phần khắc phục một số bất cập của việc xét tuyển sớm lâu nay.
TS Dũng phân tích: Thứ nhất, với việc còn tới 80% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển khác như xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng điểm tốt nghiệp THPT, các thí sinh nói chung sẽ có thêm nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành đào tạo và trường mà mình kỳ vọng. Thứ hai, thí sinh sẽ phải tập trung cho việc học tập và hoàn thành đầy đủ chương trình đào tạo THPT để đảm bảo có kết quả học tập tốt cả 6 học kỳ.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội kiến nghị để làm tốt công tác tuyển sinh, các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu kỹ để lựa chọn được những phương thức xét tuyển, những tổ hợp môn xét tuyển, các loại chứng chỉ ngoại ngữ và các cách xác định điểm ưu tiên phù hợp nhất với ngành đào tạo mà nhà trường đang tuyển sinh và đào tạo để đảm bảo tuyển sinh được những sinh viên có năng lực học tập tốt và qua đó đảm bảo khả năng hoàn thành chương trình đào tạo và tốt nghiệp đúng hạn.
Nhiều phức tạp nảy sinh
Theo PGS.TS Phạm Minh Toại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp, việc xác định tỷ lệ xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo có thể vô hình chung hạn chế việc lựa chọn được nhiều hơn thí sinh tài năng vào một số ngành học, nhóm ngành học có nhu cầu rất cao (hot). Vì vậy, Bộ cần xem xét giới hạn tỷ lệ này so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục, khi đó cơ sở giáo dục sẽ căn cứ thực tế để cân đối tỷ lệ xét tuyển sớm tối đa của từng ngành, nhóm ngành.
PGS.TS Phạm Minh Toại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp
Việc xét tuyển sớm bằng kết quả học tập 03 năm học bậc THPT đồng nghĩa với việc thí sinh phải chờ đến khi có kết quả học tập năm lớp 12 (thường là 31/5) mới đủ điều kiện để nộp hồ sơ xét tuyển. Điều này dẫn tới phải tổ chức nhiều đợt xét tuyển sớm (đợt xét tuyển sớm không sử dụng kết quả học tập THPT, đợt xét tuyển sớm có sử dụng kết quả thi THPT và cả 2 phương thức) và như vậy việc tổ chức xét tuyển sớm sẽ phức tạp hơn.
Theo ông Toại, xét tuyển sớm và việc chỉ sử dụng kết quả học tập 05 học kỳ ở bậc THPT có những bất cập đã được nhìn nhận và đánh giá ở nhiều hội nghị vì vậy việc điều chỉnh nhằm khắc phục các bất cập là cần thiết. Cụ thể: Việc không giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm đã dẫn đến chỉ tiêu tuyển sinh cho đợt xét tuyển chính thức bị hạn chế do đó điểm trúng tuyển của đợt xét tuyển chính thức trong nhiều ngành học hot của một số cơ sở giáo dục đạt tới con số tối đa. Vì vậy, việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm sẽ không hướng tới đối tượng đại trà mà hướng tới mục tiêu lựa chọn những thí sinh tài năng, năng lực học tập vượt trội dựa trên tiêu chí lựa chọn do cơ sở giáo dục xác định, khi đó chỉ tiêu tuyển sinh còn lại sẽ là sự cạnh tranh công bằng giữa tất cả các thí sinh ở đợt xét tuyển chính thức.
"Việc chỉ sử dụng kết quả học tập 05 học kỳ ở bậc THPT dẫn tới sự sao nhãng của người học ở học kỳ cuối khi người học đã được thông báo trúng tuyển có điều kiện làm ảnh hưởng tới chất lượng học tập bậc THPT. Vì vậy, ông Toại cho rằng chủ trương sử dụng kết quả học tập cả năm lớp 12 là phù hợp" - ông Toại nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT nói gì?
Trả lời câu hỏi mặc dù quy về cùng một thang điểm rồi xét không phân biệt phương thức công bằng hơn, trong khi quy mô, độ khó giữa các kỳ thi khác nhau? liệu Bộ GD-ĐT có hạn chế quyền tự chủ tuyển sinh của các trường? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD-ĐT cho rằng: Câu hỏi đặt ra là dựa trên căn cứ nào các cơ sở đào tạo đưa ra các phương thức hay tổ hợp xét tuyển khác nhau cho một chương trình đào tạo hay một ngành đào tạo, khi mà yêu cầu đầu vào về nguyên tắc phải như nhau? Chắc chắn phải xuất phát từ việc các phương thức, tổ hợp xét tuyển này đều có các tiêu chí đánh giá phù hợp để đánh giá được năng lực học tập của thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo. Như vậy, các tiêu chí đánh giá của các phương thức, tổ hợp xét tuyển cho cùng một chương trình, ngành đào tạo phải đối sánh được với nhau.
Bà Thủy phân tích, việc quy điểm xét tuyển về cùng một thang điểm là để đảm bảo các trường chọn được những phương thức xét tuyển phù hợp nhất với ngành/chương trình đào tạo mà nhà trường đang tuyển sinh, đồng thời so sánh được các thí sinh với nhau để chọn được các thí sinh phù hợp nhất vào học (cho dù có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ hay kết quả của các kỳ thi độc lập, chứng chỉ quốc tế).
Nếu các trường không đảm bảo việc đối sánh, so sánh được như vậy thì căn cứ nào để đưa ra các phương thức xét tuyển khác nhau? Thực tế trong thời gian qua việc xét tuyển dựa trên chỉ tiêu của từng phương thức mà không dựa trên đối sánh, quy đổi tương đương đã gây mất công bằng giữa các thí sinh.
Do đó, các quy định sửa đổi là để làm tăng trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh, phải nghiên cứu thấu đáo để không còn tình trạng chênh lệch điểm trúng tuyển bất hợp lý giữa các tổ hợp xét tuyển, giữa các phương thức xét tuyển mà không có căn cứ giải thích.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD-ĐT
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh: Bộ GD-ĐT đưa ra các quy định như trên để thực hiện một nguyên tắc cơ bản trong giáo dục, đó là công bằng, qua đó sẽ nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo, chứ hoàn toàn không tạo ra rào cản nào hay có mục đích buộc các trường phải sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Từ hai năm nay, Bộ GD-ĐT cung cấp đầy đủ dữ liệu về kết quả học tập THPT và hỗ trợ các trường tổ chức kỳ thi riêng đưa kết quả thi lên hệ thống tuyển sinh chung, tạo điều kiện thuận tiện cho các cơ sở đào tạo thực hiện xét tuyển trong đợt xét tuyển chung.
“Quyền tự chủ nói chung và tự chủ tuyển sinh nói riêng của các cơ sở giáo dục đại học theo luật định phải luôn gắn chặt với trách nhiệm xã hội, trước hết cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong giáo dục. Luật Giáo dục đại học giao Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh là công cụ quản lý nhà nước để điều chỉnh việc này” – bà Thủy nhấn mạnh.
Đối với việc Bộ GD-ĐT đã khống chế chỉ tiêu xét tuyển sớm 20% mà các trường cho là không hợp lý, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD-ĐT lý giải: việc đưa ra giới hạn 20% là căn cứ tình hình thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua, để việc xét tuyển sớm chỉ tập trung vào những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ học cuối cùng năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT. Điều quan trọng nhất là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.
Bà Thủy nhấn mạnh: “Việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn, mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh. Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi, tại sao các trường phải vất vả chạy đua xét tuyển sớm? Tại sao các em học sinh chưa hoàn thành chương trình lớp 12 phải vất vả nộp hồ sơ nhiều nơi, rồi không yên tâm học tập, trong khi Bộ GD-ĐT đã có một hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung với đầy đủ cơ sở dữ liệu, quy trình trực tuyến hoàn toàn thuận lợi cho cả thí sinh và các trường.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm (mới phổ biến từ khoảng 5 - 6 năm trở lại đây) một cách hết sức khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó”.
Hồng Hạnh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tuyen-sinh-2025-nhieu-tranh-cai-ve-quy-dinh-thang-diem-chung-va-20-chi-tieu-xet-tuyen-som-post397729.html