Băn khoăn lựa chọn tổ hợp xét tuyển
Mùa tuyển sinh năm 2025, nhiều trường đại học điều chỉnh tổ hợp xét tuyển do quy chế tuyển sinh có nhiều thay đổi. Việc đa dạng tổ hợp môn xét tuyển nhằm mở rộng cơ hội vào đại học cho thí sinh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều tổ hợp “lạ”, không có môn học cốt lõi liên quan đến ngành đào tạo khiến nhiều thí sinh, phụ huynh băn khoăn.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học. Ảnh: Nguyễn Hoài
Chẳng hạn như Trường Đại học Y Hà Nội năm nay tuyển sinh chủ yếu bằng tổ hợp B00 (Toán, Hóa học, Sinh) nhưng có 2 ngành sử dụng tổ hợp khác là Tâm lý học xét bằng tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh), C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và Y tế công cộng - xét tổ hợp D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).
Ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) có 4 tổ hợp xét tuyển thì có 2 tổ hợp không có môn Lịch sử là C20 (Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân) và D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh).
Năm nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sử dụng tăng 5 tổ hợp xét tuyển so với năm ngoái. Trong đó đáng chú ý, ngành Công nghệ sinh học và Công nghệ sinh dược có 8 trong số 9 tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh.
Em Nguyễn Hoài Phương, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội) mong muốn học ngành Sư phạm Lịch sử. Tuy nhiên, khi tìm hiểu phương án tuyển sinh của một số trường, em đang phân vân trong việc lưa chọn tổ hợp xét tuyển không có môn Lịch sử.
Sự xuất hiện của các tổ hợp lạ khiến thí sinh, phụ huynh băn khoăn, lo lắng về sự thiếu công bằng trong xét tuyển cũng như chất lượng nguồn tuyển.
Chị Đinh Diệu Thùy, phụ huynh học sinh Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, nếu xét tuyển bằng các tổ hợp không có môn học cốt lõi của ngành đào tạo, thì thí sinh sẽ gặp khó trong quá trình học tập, đồng thời cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Điều chỉnh tổ hợp xét tuyển, bảo đảm chất lượng đào tạo
Năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 10 môn học trong chương trình.
Từ các môn thi tốt nghiệp sẽ tạo ra 36 tổ hợp cho 4 môn thi tốt nghiệp; 81 tổ hợp theo 3 môn xét tuyển đại học.
Nhưng trên thực tế, do học sinh THPT được lựa chọn môn học, mỗi học sinh không học hết các môn học trong chương trình nên số tổ hợp môn thi tốt nghiệp của mỗi em sẽ ít hơn 36, số tổ hợp xét tuyển đại học cũng ít hơn 81.
Về tổ hợp xét tuyển, đại diện Bộ GDĐT cho rằng, những thông tin phản ánh từ dư luận xã hội và thí sinh về những vấn đề liên quan đến sự xuất hiện của các tổ hợp mới là có cơ sở.
Theo Bộ GDĐT, từ năm 2024 trở về trước, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2006, thí sinh học tất cả các môn trong chương trình THPT. Khi thi tốt nghiệp, các em thi 6 môn trong số các môn đã được học trong chương trình. Như vậy, dù không thi tốt nghiệp THPT, nhưng thí sinh có kiến thức nền ở tất cả các môn học.
Hiện nay, khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thí sinh chỉ có một số môn học bắt buộc, còn lại được lựa chọn môn học. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thí sinh cũng chỉ thi 2 môn bắt buộc, 2 môn còn lại tự chọn trong số các môn được học trong chương trình.
Vì vậy, nếu ngành Công nghệ sinh học không xét tuyển tổ hợp có môn Sinh học thì rất có thể có thí sinh trúng tuyển nhưng không lựa chọn môn Sinh học để học ở ba năm cấp THPT. Khi vào học đại học, thí sinh chỉ có kiến thức môn Sinh học ở cấp THCS, điều này có thể khiến thí sinh rất khó khăn khi học tập ở bậc đại học.
Bộ GDĐT đề nghị các nhà trường xem xét, điều chỉnh để việc xét tuyển đại học gắn với giáo dục phổ thông, bảo đảm chất lượng đào tạo. Việc các trường mở rộng tổ hợp xét tuyển chưa chắc tuyển được nhiều thí sinh hơn, nhưng chắc chắn là không hợp lý và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Theo kế hoạch dự kiến của Bộ GDĐT, từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học, không giới hạn số lần bằng hình thức trực tuyến trên hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Với khối ngành sư phạm và khoa học sức khỏe, điểm sàn được thông báo trước 17h ngày 23/7.
Nguyễn Hoài