Tuyển sinh đại học: Hết thời nhiều 'cửa', nhiều tiêu cực

Tuyển sinh đại học: Hết thời nhiều 'cửa', nhiều tiêu cực
một ngày trướcBài gốc
Nhiều người cho rằng để giành một “vé” vào trường đại học bây giờ dễ hơn. Ảnh minh họa
Trước năm 2025: Nhiều "cửa" đi khác nhau, hệ lụy tiêu cực
Trong khoảng 3-4 năm gần đây, quy định về tuyển sinh đại học có nhiều thay đổi lớn. Với việc giao tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở đại học, trong đó có tự chủ tuyển sinh, nhiều "cánh cửa" vào trường đại học cũng được mở.
Trong các năm trước, thống kê của Bộ GD-ĐT có tới hơn 20 phương thức xét tuyển đại học, chỉ tính riêng phương thức truyền thống là xét điểm thi tốt nghiệp THPT đã có nhiều tổ hợp xét tuyển mới bên cạnh các tổ hợp truyền thống (tổ hợp môn thi).
Bên cạnh đó, có các phương thức mới khác như xét tuyển bằng điểm học tập THPT (học bạ), chứng chỉ ngoại ngữ, điểm bài thi đánh giá năng lực, tư duy do cơ sở đại học tại Việt Nam tổ chức và bài thi năng lực quốc tế (phổ biến là SAT).
Có cơ sở quy định hơn chục phương thức xét tuyển kết hợp căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp, điểm bài thi đánh giá năng lực, tư duy, các chứng chỉ, phỏng vấn trực tiếp…
Quá nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển mang đến cho thí sinh nhiều cơ hội vào đại học. Trong các năm từ 2022-2024, các phương thức xét tuyển sớm (bằng điểm học bạ, các bài thi đánh giá năng lực, tư duy, chứng chỉ ngoại ngữ…) khiến cho nhiều thí sinh cầm chắc "vé" vào đại học từ khi còn chưa hoàn thành chương trình. Cả nước có khoảng trên 100 trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển học bạ (hoặc chỉ xét học bạ, hoặc kết hợp xét học bạ với phương thức khác).
Tình trạng "làm đẹp" học bạ để xét tuyển phát sinh. Trước năm 2025, hầu hết các trường sử dụng phương thức xét học bạ chỉ sử dụng kết quả học tập 5 kỳ của học sinh (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12). Việc này dẫn đến tình trạng học sinh đủ điều kiện trúng tuyển sớm lơ là học tập trong học kỳ 2 của lớp 12, không đảm bảo yêu cầu chương trình.
Một số trường dành phần lớn chỉ tiêu cho xét tuyển sớm khiến cho nhiều thí sinh ở vùng khó khăn, nông thôn không có điều kiện tiếp cận với các phương thức xét tuyển sớm bị thiệt thòi khi nhóm thí sinh này chỉ có thể xét tuyển bằng phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT với tỷ lệ chỉ tiêu còn lại rất thấp.
Việc một thí sinh có thể được 4-5 trường đại học, thậm chí nhiều trường hơn thông báo "đủ điều kiện trúng tuyển" khá phổ biến. Để "giành" thí sinh, nhiều trường đẩy lịch xét tuyển sớm lên, kèm theo các chính sách về học bổng, thưởng quà, tiền cho những thí sinh cam kết sẽ lựa chọn nhập học. Có những trường có sức hút kém (trong đó có nhiều trường tư thục) hạ mức với phương thức xét học bạ, chấp nhận nhận thí sinh có chất lượng đầu vào thấp.
Những điều chỉnh để hạn chế tiêu cực
Điểm mới nhất của tuyển sinh năm 2025 là Bộ GD-ĐT bỏ quy định xét tuyển sớm (các trường chỉ tuyển thẳng với những trường hợp đoạt giải học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải trong hội thi khoa học kỹ thuật quốc gia, học sinh trong đội tuyển dự thi olympic quốc tế, khu vực). Tuy các trường không bị giới hạn phương thức, tổ hợp xét tuyển nhưng sẽ phải xét đồng thời và vào thời điểm sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh và phụ huynh rất quan tâm đến những thay đổi về tuyển sinh năm 2025
Để đảm bảo công bằng giữa thí sinh tham gia xét tuyển ở các phương thức, tổ hợp khác nhau, Bộ GD-ĐT cũng quy định các trường phải tính toán để thực hiện quy đổi từ điểm của mỗi phương thức, tổ hợp về một điểm xét tuyển chung. Không phân chia tỷ lệ chỉ tiêu cho mỗi phương thức, tổ hợp xét tuyển như trước mà sau khi quy đổi về điểm xét tuyển chung sẽ lấy từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu. Với quy định này những thí sinh ở vùng khó khăn chỉ có thể tham gia xét tuyển với phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ được đảm bảo công bằng như thí sinh xét tuyển các phương thức khác.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường sử dụng học bạ để xét tuyển thì buộc phải dùng kết quả của cả năm lớp 12 (thay cho chỉ dùng kết quả học kỳ 1 lớp 12 như các năm trước). Việc này tránh để học sinh đủ điều kiện trúng tuyển bỏ bê phần chương trình học kỳ 2 lớp 12.
Hiện có khoảng hơn 100 cơ sở đại học đã công bố tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ. Trong đó có trường sử dụng học bạ 6 kỳ ở cấp THPT, có trường chỉ sử dụng học bạ lớp 12, có trường kết hợp giữa điểm học bạ với các yêu cầu khác. Một số trường lớn sử dụng phương thức xét học bạ nhưng kèm theo ràng buộc điểm thi tốt nghiệp (của những môn thi trùng với điểm môn học ở học bạ được sử dụng để xét tuyển) phải đạt ở một mức nào đó. Ví dụ trường Đại học Ngoại thương quy định tổng điểm 3 môn thi tốt nghiệp trùng với tổ hợp xét tuyển bằng học bạ phải từ 24 điểm trở lên. Đây chỉ là điều kiện để xét tuyển phương thức học bạ.
Thí sinh không bị hạn chế số lượng nguyện vọng xét tuyển đại học. Nhưng để tránh tình trạng "ảo" quá lớn, Bộ GD-ĐT tiếp tục quy định thí sinh phải đăng ký xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT và sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo ưu tiên.
Phần mềm xét tuyển sẽ chạy "lọc ảo" để chỉ cho phép thí sinh được trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất được xếp ưu tiên cao nhất. Thí sinh đã trúng tuyển ở một nguyện vọng thì phần mềm sẽ không xem xét các nguyện vọng xếp sau đó. Việc này sẽ hạn chế hiện trạng "đỗ cùng lúc quá nhiều trường" như trước đây. Tuy nhiên, so với trước đây chỉ có một cửa đi duy nhất thì hiện thí sinh vẫn có nhiều cửa để vào đại học. Điều này giúp thí sinh có nhiều cơ hội và khả năng để trúng tuyển vào một trường đại học cao hơn so với trước đây rất nhiều.
Các năm trước, có những trường hợp thí sinh đăng ký hàng chục nguyện vọng khác nhau. Nhiều thí sinh còn lựa chọn các ngành/trường có khả năng đậu cao để "chống trượt". Có nghĩa là bên cạnh những nguyện vọng thí sinh thực sự mong muốn nhưng cơ hội mong manh sẽ có những nguyện vọng chắc chắn đỗ.
Với những thí sinh đặt mục tiêu "đỗ vào một trường đại học bất kỳ" thì với quy định tuyển sinh hiện nay, sẽ rất dễ đạt được. Điều này có hai mặt, ở mặt tích cực, cơ hội tiếp cận đại học rộng mở hơn với mọi thí sinh. Nhưng ở mặt tiêu cực, sẽ gia tăng tình trạng người trẻ học sai nghề phù hợp với bản thân.
Một bộ phận người trẻ chấp nhận những cơ sở đào tạo chất lượng thấp chỉ vì "phải đỗ đại học bằng mọi giá". Ngược lại, có những cơ sở đại học cũng "tuyển sinh bằng mọi cách", bất kể chất lượng thí sinh dự tuyển không đảm bảo yêu cầu đào tạo.
(Còn nữa)
Bài, ảnh: Hà Lê
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-het-thoi-nhieu-cua-nhieu-tieu-cuc-20250328155504676.htm