Tuyển sinh đại học vào các trường sư phạm năm 2025 thay đổi ra sao?

Tuyển sinh đại học vào các trường sư phạm năm 2025 thay đổi ra sao?
5 giờ trướcBài gốc
Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) đã công bố phương án tuyển sinh ĐH chính quy năm 2025. Đây là năm đầu tiên đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên việc xét tuyển vào các trường ĐH có nhiều thay đổi.
Trong đó, khối trường sư phạm (giáo viên) cũng có nhiều đổi mới về phương thức tuyển sinh.
Một số trường không xét điểm học bạ
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2025 dự kiến tuyển gần 5.000 sinh viên vào 50 ngành, trong đó có 5 ngành mới: Công nghệ sinh học, Vật lí học (vật lí bán dẫn và kỹ thuật), Lịch sử, Xã hội học, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.
Trường xét tuyển theo ba phương thức và không sử dụng kết quả học bạ, gồm: dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025; xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội; dựa trên điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức hoặc xét kết quả của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức.
Cũng theo công bố của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, trường có 5 thay đổi lớn trong xét tuyển đầu vào ở năm nay.
Theo đó, trường sẽ tuyển sinh theo 4 phương thức chính, gồm: xét tuyển thẳng với 10% chỉ tiêu; ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên với 10-20% chỉ tiêu; xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức với 40-50% chỉ tiêu.
Riêng phương thức xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trường dành 20-40% chỉ tiêu dành cho các ngành có sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, hoặc chiếm 70-80% chỉ tiêu cho những ngành không sử dụng điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Theo Ths Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, việc trường bỏ xét điểm học bạ vì kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đã đủ bao quát được nội dung, đánh giá được năng lực học của thí sinh ở THPT. Kết quả thi của trường những năm qua cũng đã tạo được uy tín để sử dụng trong tuyển sinh.
Ngoài ra, trường cũng sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT theo hướng sẽ loại bỏ các tổ hợp có bài thi không còn phù hợp và thêm mới các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên cũng không xét điểm học bạ. Thay vào đó, trường xét tuyển theo 5 phương thức cho 17 ngành học.
Cụ thể, gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; xét kết quả đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kết quả đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính của ĐH Thái Nguyên; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025; kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT với thi năng khiếu thể dục thể thao; xét tuyển học sinh hoàn thành chương trình dự bị ĐH.
Riêng Trường ĐH Sư phạm Huế và Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng vẫn xét tuyển điểm học bạ cùng với các phương thức khác. Trong đó, Trường ĐH Sư phạm Huế dự kiến tuyển hơn 1.500 chỉ tiêu cho 18 ngành sư phạm. Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng dự kiến xét 5 phương thức cho 15 ngành.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tư vấn chọn ngành học năm 2025 cho thí sinh. Ảnh: P.A
Mở rộng kỳ thi tuyển sinh riêng
Cùng với giảm xét tuyển điểm học bạ, một số trường sư phạm tiếp tục duy trì và mở rộng những kỳ thi riêng để tuyển sinh. Đơn cử là Trường ĐH Sư phạm TP.HCM với kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt.
Ths Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng trường, cho biết năm nay, chỉ tiêu trường xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt tăng lên khoảng 40-50% chỉ tiêu và xét tuyển độc lập cho hơn 30 ngành học.
Năm 2025 là năm thứ 4 trường tổ chức kỳ thi này với quy mô tăng và có một số điều chỉnh về nội dung bài thi để phù hợp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, phần nội dung kiến thức chiếm 70-80% chương trình lớp 12, còn lại là lớp 10 và 11.
Bên cạnh tổ chức tại trường, kỳ thi sẽ được mở rộng tổ chức tại Trường ĐH Công Thương TP.HCM và một số trường ĐH khác tại TP.HCM. Ngoài ra, kết quả thi còn tiếp tục được sử dụng trong xét tuyển ở một số trường đào tạo sư phạm trên cả nước.
Cạnh đó, số đợt thi cũng dự kiến tăng lên ở một số địa phương có đặt điểm thi để tạo thuận lợi cho thí sinh.
Kỳ thi được tổ chức với 6 bài thi, gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và tiếng Anh. Điểm đáng chú ý năm nay, để xét tuyển, thí sinh cần thi tối thiểu 2 môn theo tổ hợp do trường quy định ở từng ngành.
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025, tuy nhiên sẽ có những thay đổi giúp học sinh giảm bớt căng thẳng, phát huy khả năng tự học.
Theo thông tin của trường, trường tổ chức với các môn thi là Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, tương ứng với tổ hợp xét tuyển vào ngành, chương trình thí sinh muốn theo học.
Thí sinh được thi nhiều môn, lựa chọn nhiều tổ hợp xét tuyển hơn và có thể sử dụng để xét tuyển vào hơn 20 cơ sở giáo dục ĐH khác.
Thời gian thi trong 2 ngày là 17 và 18-5. Ngoài điểm thi tại Hà Nội, trường sẽ thêm một địa điểm thi tại Trường ĐH Vinh, bên cạnh đó là Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng.
Đặc biệt, năm 2025 cũng là năm đầu tiên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc) tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng với tên gọi kỳ thi độc lập xét tuyển ĐH chính quy.
Kỳ thi này có 8 môn là Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử. Các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng Ngữ văn kết hợp cả trắc nghiệm và tự luận. Thí sinh làm bài Toán và Ngữ văn trong 90 phút, các môn còn lại 60 phút.
Thời gian dự kiến tổ chức thi vào tháng 6-2025 tại trường và một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo lý giải của trường, trường tổ chức thi nhằm giúp tăng cơ hội trúng tuyển vào trường cho thí sinh. Thực tế, những năm qua, trường xét tuyển nhiều phương thức, trong đó sử dụng kết quả kỳ thi riêng của nhiều trường khác nhưng số thí sinh xét tuyển ít, số trúng tuyển và nhập học rất thấp.
Cạnh đó, chỉ tiêu sư phạm trường được giao ít, điểm thi tốt nghiệp THPT phân hóa thấp nên điểm trúng tuyển rất cao mà trường vẫn không tuyển đủ.
Sinh viên sư phạm được miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí
Theo quy định, sư phạm là khối ngành duy nhất đào tạo theo chỉ tiêu phân bổ từ Bộ GD&ĐT. Hàng năm, căn cứ theo năng lực đào tạo của các trường sư phạm và nhu cầu cần giáo viên của các địa phương trên cả nước, Bộ GD&ĐT sẽ giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ sở đào tạo.
Ngoài ra, theo Nghị định 116/2020, sinh viên sư phạm hiện được đào tạo theo 3 diện, gồm: diện tự do, không đăng ký hưởng chính sách.
Trong đó, sinh viên thuộc diện đào tạo theo nhu cầu xã hội và diện đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu được hưởng chính sách miễn học phí và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng, không quá 10 tháng/năm. Riêng những sinh viên thuộc diện tự do sẽ phải tự túc chi phí học tập và sinh hoạt.
PHẠM ANH
Nguồn PLO : https://plo.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-vao-cac-truong-su-pham-nam-2025-thay-doi-ra-sao-post833100.html