Tuyển sinh đại học: Vì sao bỏ xét tuyển sớm?

Tuyển sinh đại học: Vì sao bỏ xét tuyển sớm?
một ngày trướcBài gốc
Xét tuyển sớm phần lớn có lợi cho học sinh yếu
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ sẽ bỏ xét tuyển sớm vì phương thức này chỉ có lợi cho những học sinh yếu, dễ gây nhầm lẫn.
Việc xét tuyển sớm mà các trường đang thực hiện phần lớn có lợi cho các em học sinh yếu, khi học sinh có điểm học bạ trung bình, yếu cũng có thể nộp hồ sơ và trúng tuyển sớm nhiều trường.
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của trường đại học.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cũng cho rằng, các phương thức xét tuyển sớm lâu nay còn gây bất lợi, thiếu công bằng cho những em không có điều kiện tham gia những kỳ thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ, đánh giá năng lực. Do hệ thống dữ liệu chưa hoàn thiện, Bộ GDĐT chấp nhận thí sinh sử dụng các chứng chỉ khác nhau. Đến nay, hệ thống đã hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ việc xét tuyển đại học ở mọi phương thức.
Với hệ thống hỗ trợ tuyển sinh hiện nay, dù xét tuyển sớm thì thí sinh vẫn phải nhập tất cả các nguyện vọng lên hệ thống theo kế hoạch của đợt xét tuyển chung, sau khi tốt nghiệp THPT. Cuối cùng, thí sinh chỉ đỗ ở một nguyện vọng duy nhất, vào một trường duy nhất. Trong khi đó, việc xét tuyển sớm tốn kém nhiều nguồn lực của các trường. Thí sinh cũng mất nhiều thời gian, chi phí để đăng ký hồ sơ vào các trường, dù điều đó có thể giải quyết được một phần áp lực tâm lý.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, sau khi tiếp nhận ý kiến chuyên gia, thầy cô giáo, dự kiến vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 năm nay, Ban soạn thảo quy chế tuyển sinh sẽ trình lãnh đạo Bộ GDĐT bỏ xét tuyển sớm.
Khái niệm xét tuyển sớm ở đây là sớm về mặt thời gian, xét tuyển trước thời điểm thi tốt nghiệp THPT. Trong đợt xét tuyển chung sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường có thể sử dụng tất cả phương thức xét tuyển như: xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp, điểm thi các kỳ thi riêng...
Như vậy, với điều chỉnh này, Bộ GDĐT chỉ bỏ xét tuyển sớm. Các trường đại học vẫn sử dụng các phương thức xét tuyển như trước đây nhưng thời gian xét tuyển được lùi về thời gian xét tuyển chung của Bộ GDĐT.
Tạo sân chơi công bằng cho các trường đại học
Những năm gần đây, việc xét tuyển sớm có sự cạnh tranh khá gay gắt ở các trường top đầu, tuy nhiên cũng có không ít trường lấy điểm đầu vào rất thấp ở các đợt này. Nhiều thí sinh chỉ 5 điểm/môn cũng đỗ đại học theo phương thức xét học bạ.
Các chuyên gia lo ngại, việc xét tuyển học bạ của một số trường đại học với mức điểm chuẩn thấp có thể gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo.
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GDĐT đang được lấy ý kiến rộng rãi với nhiều điểm mới, trong đó các trường chỉ được xét tuyển sớm 20% chỉ tiêu.
Trước một số tác động tiêu cực của xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, giới hạn 20% chỉ tiêu không có ý nghĩa gì mà nên mạnh dạn bỏ xét tuyển sớm để tạo sân chơi an toàn cho tất cả các trường.
Cũng theo ông Tùng, việc xét tuyển sớm làm rối loạn dưới các trường phổ thông. Khi các trường cạnh tranh xét tuyển sớm, học sinh lớp 12 ra Tết là không tập trung học tập. Bởi vậy, không nên vì cạnh tranh ở đại học mà ở dưới bậc THPT xáo trộn.
TS. Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân ủng hộ chủ trương bỏ xét tuyển sớm từ năm 2025. Bản chất là chuyển thời điểm xét tuyển về thời điểm công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Theo TS. Lê Anh Đức, ngoài tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT đối với thí sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế, các phương thức xét tuyển trong toàn hệ thống sẽ chỉ xét sau khi có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Khi đó, các trường đại học rất thuận lợi vì đã có đầy đủ thông tin của thí sinh (điểm thi tốt nghiệp, học bạ, đối tượng và khu vực ưu tiên), tránh được những sai sót đáng tiếc về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên.
Mới đây, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có kiến nghị, Bộ GDĐT cần làm rõ khái niệm “xét tuyển sớm” hoặc thay đổi khái niệm cho phù hợp với bản chất của hoạt động tuyển sinh vì hầu hết các thí sinh này đều chưa tốt nghiệp THPT trong năm học khi tham gia xét tuyển.
Thí sinh này chỉ mới đáp ứng điều kiện đủ là đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của đại học, trường đại học mà chưa đạt điều kiện cần theo quy định trúng tuyển vào đại học là tốt nghiệp THPT. Việc làm rõ khái niệm này sẽ tránh gây nhầm lẫn cho thí sinh, xã hội và các trường đại học.
Nguyễn Hoài
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-vi-sao-bo-xet-tuyen-som-10297863.html