Tuyển sinh đầu cấp: Đột phá nhờ chuyển đổi số

Tuyển sinh đầu cấp: Đột phá nhờ chuyển đổi số
4 giờ trướcBài gốc
Ưu tiên nơi ở hiện tại
Công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025 - 2026 của TPHCM nhận được nhiều sự quan tâm bởi đây là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện việc xóa bỏ địa giới phường, xã khi tuyển sinh đầu cấp bậc tiểu học và THCS. Cụ thể, theo quyết định của UBND TPHCM, khi đăng ký tuyển sinh đầu cấp 2 bậc học này sẽ được thực hiện trực tuyến, không phân bổ học sinh theo ranh giới hành chính phường. Các phòng giáo dục và đào tạo (GDĐT) tham mưu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng các khu vực tuyển sinh linh hoạt dựa trên 3 yếu tố: Phân bố trường lớp tại địa phương, số lượng trẻ em trong độ tuổi tuyển sinh và thông tin “nơi ở hiện tại” của học sinh từ cơ sở dữ liệu ngành.
Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh đầu cấp năm học 2024 - 2025. Ảnh: NTCC
Trong đó, kết hợp sử dụng hệ thống bản đồ số dùng chung của thành phố để tính khoảng cách di chuyển của học sinh, không phân bổ học sinh theo ranh giới hành chính phường, xã. Đối với các trường học nằm ở ranh giới giữa các địa phương, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học gần nơi ở hiện tại. Với quyết định này, học sinh tạm trú, thường trú ở đâu, gần trường nào thì có thể đăng ký vào trường đó và sẽ được ưu tiên xét duyệt nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại, phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Trước đó, TPHCM đã có 2 năm thí điểm thực hiện tuyển sinh đầu cấp theo bản đồ GIS đối với một số quận, huyện trên địa bàn để giúp học sinh được học trường gần nhà nhất có thể. Trong năm 2023, năm đầu tiên TPHCM áp dụng tuyển sinh theo bản đồ GIS ở TP Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình do đây là các địa phương đặc thù, nhiều năm nay đã rất linh hoạt trong tuyển sinh đầu cấp, giải quyết để đảm bảo chỗ học cho học sinh.
Tới năm thứ 2, thêm nhiều địa phương khác của TPHCM thực hiện việc dùng bản đồ GIS để xác định được khoảng cách từ nhà đến trường học gần nhất giúp việc đi học thuận tiện hơn so với việc chỉ rập khuôn phân tuyến theo phường như trước đây. Song các địa phương cũng không cứng nhắc khi áp dụng bản đồ GIS mà linh hoạt trong những trường hợp cụ thể với tiêu chí làm sao để thuận lợi nhất cho học sinh và gia đình.
Năm 2025, TPHCM chính thức xóa bỏ địa giới phường, xã đối với việc tuyển sinh theo tuyến đầu cấp tiểu học và THCS. Theo đó, từ dữ liệu thông tin phụ huynh đăng ký tuyển sinh đầu cấp trên hệ thống, căn cứ vào thực tế cư trú của học sinh, phần mềm tuyển sinh sẽ thực hiện việc quét dữ liệu. Theo đó, tâm sẽ là nơi cư trú của học sinh, phần mềm sẽ quét theo bán kính các trường học. Khoảng cách từ vị trí cư trú của học sinh với trường nào gần nhất thì học sinh sẽ học trường đó.
Thời điểm này, phụ huynh TPHCM đã hoàn thành việc kiểm tra và xác nhận thông tin đăng ký của học sinh trên cổng thông tin tuyển sinh đầu cấp năm học 2025 - 2026. Hiện hệ thống đã khóa chức năng chỉnh sửa. Mọi yêu cầu điều chỉnh chỉ được tiếp nhận trong trường hợp đặc biệt và cần có lý do chính đáng kèm minh chứng cụ thể.
Trao đổi về các bất cập trong quá trình đăng ký, một số phụ huynh cho biết nhiều trường học vẫn yêu cầu phải xác nhận cư trú khiến phụ huynh chạy đi chạy lại xin giấy tờ, mất thời gian, công sức. Ngay sau đó, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu đã có văn bản đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo phòng GDĐT và các đơn vị tổ chức tuyển sinh nghiêm túc ứng dụng định danh điện tử (VNeID) trong rà soát chỗ ở hiện tại của học sinh.
Tháo gỡ điểm nghẽn
Với khoảng 2,3 triệu học sinh, Hà Nội là địa phương có số học sinh đông nhất cả nước. Mỗi năm, Hà Nội có thêm khoảng 4 - 5 vạn học sinh, tương đương cần thêm từ 30 - 40 ngôi trường mới đủ chỗ. Những năm trước đây hiện tượng phụ huynh xếp hàng từ 2 - 3 giờ sáng, thậm chí xô đổ cổng trường để tranh suất vào trường cho con ở thủ đô Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. 3 năm qua, Sở GDĐT Hà Nội đã triển khai tuyển sinh đầu cấp toàn bộ bằng phần mềm, thông qua trung tâm điều hành thông minh nên không còn tình trạng trên. Ngay cả đối với tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT tư thục từ năm học 2025 - 2026 cũng thực hiện đăng ký trực tuyến nên phụ huynh không còn phải xếp hàng giữ chỗ hoặc chứng kiến điểm chuẩn thay đổi liên tục như các năm trước.
Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, đơn vị này đang học tập mô hình của Singapore về việc tuyển sinh theo theo bản đồ GIS. Theo đó, học sinh tạm trú, thường trú ở đâu, gần trường nào thì có quyền đăng ký vào trường đó. Việc chuyển sang xét tuyển theo nơi ở thực tế thay vì phân luồng tuyển sinh theo khu vực như trước đây được đánh giá giúp giảm áp lực cho phụ huynh không có hộ khẩu tại địa phương, giúp giảm bớt khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh, góp phần giảm áp lực giao thông đô thị trong giờ cao điểm.
Dẫu vậy, với những khu vực quá tải về mật độ dân cư như phường Phương Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện có tới 9 vạn dân thì không thể áp dụng theo bản đồ định vị sẽ quá tải. Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cho biết, đã báo cáo Hội đồng tuyển sinh thành phố phương án các quận huyện có đầy đủ trường học, đủ chỗ cho học sinh, sẽ áp dụng việc tuyển sinh theo bản đồ định vị, địa phương nào chưa đảm bảo thì vẫn phải áp dụng phân luồng, phân vùng, chia tuyến.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT), giải pháp căn cơ là phải xây dựng thêm trường, lớp và thực hiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để phát triển trường. “Phải có giải pháp tăng cường nguồn cung bằng cách huy động xã hội hóa, đồng thời tính giảm bớt tải trọng của trường công bằng cách phân luồng, làm cho các trường có chất lượng đồng đều, điều chỉnh tiêu chí trường chuẩn. Đây là việc đòi hỏi nhiều cơ quan phải chung tay để giải quyết" – ông Vinh nói.
Nhờ áp dụng hệ thống số hóa dữ liệu và quản lý tập trung, việc tuyển sinh đầu cấp ở TPHCM được thực hiện công khai, đồng bộ, giúp giảm tải thủ tục hành chính, nâng cao tính chính xác và công bằng cho tất cả học sinh trên địa bàn. Đặc biệt, việc tuyển sinh theo nơi ở thực tế đánh giá là bước tiến lớn trong việc giảm áp lực cho tuyển sinh sinh đầu cấp.
Lam Nhi
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tuyen-sinh-dau-cap-dot-pha-nho-chuyen-doi-so-10304804.html