Giảm áp lực tuyển sinh nhưng phải đảm bảo chất lượng
Mới đây một số thành phố lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh... đã công bố phương án, kế hoạch tuyển sinh năm học 2025-2026. Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Bảo Quốc cho biết, địa phương đã thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, thực hiện sớm và sâu sát để đảm bảo ổn định. Năm nay, công tác tuyển sinh mầm non, tuyển sinh lớp 1, lớp 6 của TP sẽ hoàn tất trong tháng 6, sớm hơn 2 tháng so với mọi năm.
Xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại
Cũng theo ông Nguyễn Bảo Quốc, một trong những vấn đề phụ huynh quan tâm là sẽ đăng ký tuyển sinh đầu cấp 100% trực tuyến, căn cứ trên bản đồ để lựa chọn nơi học phù hợp với học sinh, thuận tiện cho phụ huynh và các em học sinh đến trường, tạo được sự yên tâm, tin tưởng và đồng thuận. Cụ thể, kết hợp sử dụng hệ thống bản đồ số dùng chung của thành phố để tính khoảng cách di chuyển của học sinh, không phân bổ học sinh theo ranh giới hành chính phường, nhằm tạo điều kiện cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại và phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đối với các trường nằm ở ranh giới giữa các địa phương, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp các địa phương cần xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được học gần nơi ở hiện tại.
Năm nay, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập sẽ không phụ thuộc vào kế hoạch phân luồng học sinh sau THCS như trước. Điểm mới nữa là, năm nay 2 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ tuyển sinh học sinh cả nước.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Là địa phương có số lượng thí sinh tuyển sinh đầu cấp lớn nên Hà Nội luôn chủ động chuẩn bị, triển khai thực hiện theo đúng các nội dung Bộ GD-ĐT chỉ đạo và hướng dẫn.
Năm học 2025-2026, TP Hà Nội áp dụng phương thức xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định để tuyển học sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 vào các trường công lập. Hà Nội duy trì hai phương thức tuyển sinh là trực tuyến và trực tiếp để tuyển học sinh vào trường mầm non, lớp 1 và lớp 6. Thời gian tuyển sinh trực tuyến bắt đầu từ ngày 1/7 đến hết ngày 9/7/2025.
Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, nguyên tắc tuyển sinh vào trường mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2025-2026 phải được tổ chức an toàn, khách quan, công bằng và nghiêm túc, bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản và thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Đề thi phải phù hợp với chương trình, tránh học thêm tràn lan
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, hướng dẫn các nhà trường, các cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện nghiêm túc Thông tư 30, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác tuyển sinh. Giải đáp và giải quyết triệt để những vướng mắc của một số địa phương về chế độ tuyển thẳng, về tuyển sinh vào lớp 10 trường trung học phổ thông chuyên.
Đến nay, 100% các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học có trường THCS, trường THPT đã ban hành phương án, kế hoạch tuyển sinh năm học 2025-2026. Theo thống kê có 60 tỉnh/thành phố tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có 58 tỉnh lựa chọn môn thi thứ 3 là môn Tiếng Anh; 2 tỉnh Hà Giang và Bình Thuận lựa chọn môn thi thứ 3 là Lịch sử và Địa lí; còn 3 tỉnh Cà Mau, Vĩnh Long, Gia Lai tổ chức xét tuyển học sinh vào trường công lập.
Đa số các Sở GD-ĐT đã xây dựng và công bố đề thi tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 để làm cơ sở, định hướng ôn tập cho học sinh lớp 9. Thí sinh đăng ký dự thi vào trường THPT chuyên dự thi 4 môn, gồm 3 môn thi như các thí sinh dự thi vào trường THPT đại trà và 1 môn thi chuyên theo lớp chuyên đăng ký dự thi.
Đối với một số trường chuyên thuộc trường đại học đã phối hợp với các Sở GD-ĐT để xây dựng Kế hoạch tuyển sinh đúng theo quy định của Thông tư số 30 và đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc trong tuyển sinh.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu: “Ra đề thi tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT phù hợp với chuẩn đầu ra của chương trình, phù hợp với năng lực của học sinh và mục tiêu của các kỳ thi. Theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29, Kết luận 91, của Thủ tướng Chính phủ là giảm áp lực, giảm tốn kém, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng; mục tiêu để học sinh không học thêm tràn lan, giáo viên không dạy thêm tràn lan”.
Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo ngành giáo dục quán triệt các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng. Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ; xét tuyển học sinh đầu cấp (tiểu học, THCS) và thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, không gây áp lực học thêm cho học sinh…
Thu Hằng/VOV.VN