Tuyển sinh lớp 1 tại TPHCM từng gây áp lực lớn cho phụ huynh, đặc biệt là công nhân và lao động nhập cư do thường xuyên thay đổi nơi ở, chỉ đăng ký tạm trú, nên gặp khó khăn khi xin học cho con tại trường gần nhà. Tuy nhiên, khoảng 2 - 3 năm gần đây, tình hình đã cải thiện rõ rệt, do ngành giáo dục TPHCM đã áp dụng cơ chế tuyển sinh theo bản đồ GIS, xác định nơi ở thực tế của học sinh cũng như việc đăng ký hoàn toàn trực tuyến, điều đó giúp cho phụ huynh an tâm hơn. Bên cạnh đó, lượng người dân ở các tỉnh thành ở TPHCM có xu hướng giảm cũng khiến cho áp lực sĩ số tại trường công bậc tiểu học không quá lớn, khiến cho việc tuyển sinh năm học 2025 - 2026 này khá đơn giản, dễ dàng, đơn giản hơn rất nhiều.
Học sinh tại TPHCM thi khảo sát lớp 6 năm học 2024-2025. Ảnh: Đ.Xá
Trái ngược với những năm trước, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại TPHCM đang dần “giảm nhiệt”. Trước đây, đây là kỳ thi cạnh tranh gay gắt, thậm chí còn được xem là áp lực hơn cả kỳ thi đại học, với tỷ lệ chọi tại nhiều trường THPT trung tâm lên tới 1 chọi 3 - 5. Ngoài ra, sự chênh lệch học phí lớn giữa trường công và ngoài công lập cũng khiến phụ huynh chịu nhiều áp lực về tài chính, càng làm tăng sức nóng cho kỳ thi này.
Tuy nhiên, khoảng 1 - 2 năm gần đây, tình hình đã thay đổi. Nhiều học sinh trúng tuyển lớp 10 công lập nhưng không nộp hồ sơ nhập học khiến nhiều trường phải tuyển bổ sung. Dù vẫn còn cạnh tranh, xu hướng giảm áp lực đã thể hiện rõ. Đến năm học 2025 - 2026, tình trạng này càng rõ nét hơn khi số lượng học sinh tốt nghiệp lớp 9 giảm, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh tăng nhờ mở rộng trường lớp. Tỷ lệ chọi và số học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập đã giảm sâu so với những năm trước. Hiện tại, điều phụ huynh và học sinh quan tâm nhất là chọn nguyện vọng phù hợp với năng lực và thuận tiện về khoảng cách địa lý.
Có một điều khá đặc biệt, kỳ tuyển sinh đầu cấp ở TPHCM năm học này ghi nhận mức độ cạnh tranh của các trường THCS (đầu cấp lớp 6) khá gay gắt vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu những năm trước, sau khi tốt nghiệp tiểu học (lớp 5), học sinh sẽ được chuyển lên bậc học tiếp theo với các tuyến trường đã được quy định thì vài năm trở lại đây, sự cạnh tranh ở lớp 6 đã diễn ra nhiều hơn. Với năm học 2025 - 2026, dự kiến việc tổ chức thi khảo sát năng lực sẽ được nhiều trường THCS ở TPHCM tổ chức. Đó là các trường như: THCS Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), Trường THCS Bình Thọ, Hoa Lưu, Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức) và Trường Trần Đại Nghĩa. Ngoài nhóm trường trên có tỷ lệ cạnh tranh cao thì một số trường THCS ở trung tâm thành phố, dù không thi khảo sát nhưng cũng có nhiều yêu cầu khác. Như học sinh phải có điểm kiểm tra cuối học kỳ 2 lớp 5 đạt 20 điểm (thang điểm 10) cho môn Tiếng Việt và Toán.
Ngoài ra, học sinh phải đạt đủ các điều kiện về chứng chỉ Tiếng Anh theo quy định khi dự tuyển vào lớp 6 tích hợp hoặc lớp 6 Tiếng Anh tăng cường. Cũng có trường yêu cầu học sinh có tổng điểm cuối năm 2024 - 2025 của lớp 5, gồm 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh (tối đa 30 điểm). Riêng điểm Tiếng Anh, phải có từng kỹ năng đạt từ 8 điểm trở lên; kết quả khen thưởng xuất sắc từ lớp 1 đến lớp 5 mỗi năm học sẽ được tính 1 điểm (tối đa năm năm sẽ là 5 điểm).
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025 - 2026 sẽ hoàn tất sớm trong tháng 6, thay vì tháng 8 như mọi năm. Về phương thức tuyển sinh lớp 6, Sở GDĐT TPHCM sẽ thực hiện như sau: Trường THCS và THPT Trần Đại Nghĩa và một số trường THCS tại địa phương có thể thực hiện xét tuyển dựa trên kết hợp hai tiêu chí gồm kết quả rèn luyện, học tập các năm học ở cấp tiểu học và kết quả khảo sát đánh giá năng lực. Được biết, đây là hình thức xét tuyển mang tính đặc thù với bậc THCS ở TPHCM.
Đoàn Xá